Xây dựng môi trường khởi nghiệp cho sinh viên

09/01/2018 06:15

​Gần 1 năm tổ chức Diễn đàn “Khởi nghiệp và sự gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp”, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum đã xây dựng các chương trình, hoạt động thu hút sinh viên đam mê khởi nghiệp, biến các ý tưởng khởi nghiệp trở thành dự án triển khai vào thực tế...

Tạo môi trường khởi nghiệp

Tháng 2/2017, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum tổ chức Diễn đàn “Khởi nghiệp và sự gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp”. Sau gần 1 năm tổ chức diễn đàn, ông Đặng Văn Mỹ - Giám đốc Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum thông tin, hiện tại, Ban giám đốc đơn vị đã có nhiều chương trình hành động khởi nghiệp dành cho sinh viên được duy trì và phát triển khá. Trong đó, nhà trường đã thành lập Trung tâm Khởi nghiệp, xây dựng Quỹ Nghiên cứu khoa học chủ yếu dành cho công tác khởi nghiệp, hỗ trợ cho hoạt động liên quan của giảng viên, sinh viên.

Định kỳ hàng tháng, Phân hiệu tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo ngắn hạn về kiến thức cơ bản công tác khởi nghiệp cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên.

Các bạn sinh viên giới thiệu về 20 sản phầm thuộc dự án khởi nghiệp về sản phẩm đặc trưng Kon Tum. Ảnh: M.T

Riêng giảng viên, nhà trường còn khuyến khích tiên phong nghiên cứu, thu thập, biên soạn tài liệu về công tác trên; tham gia tổ chức truyền đạt kỹ năng khởi nghiệp, cuộc thi khởi nghiệp, mùa hè khởi nghiệp cho sinh viên.

Kết quả thu về nhiều ý tưởng khởi nghiệp mới, mang tính khả thi ứng dụng thực tế và nhà trường đã hỗ trợ kinh phí thực hiện. Phân hiệu còn kết nối rất tích cực với các tổ chức, đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ cho sinh viên trong công tác khởi nghiệp    

Những hoạt động dành cho công tác khởi nghiệp đã cho kết quả ban đầu. Ông Mỹ cho biết, hiện tại Phân hiệu có 20 dự án khởi nghiệp do sinh viên khởi xướng, trong đó 4 dự án được đánh giá có hiệu ứng, ứng dụng triển khai thực tế rất tốt, vươn ra ngoài trường học: Sản phẩm khởi nghiệp “Trung tâm phân phối các sản phẩm đặc trưng của Kon Tum”, “Trung tâm thực tập du lịch UD-CK”, “Quán cà phê English” và dự án đào tạo tiếng Anh cho sinh viên của trường...

Những dự án khởi nghiệp của sinh viên

Dự án khởi nghiệp “Trung tâm phân phối các sản phẩm đặc trưng của Kon Tum” do sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Bích  (Khoa Kinh tế) - Trưởng nhóm dự án và 5 bạn khác cùng khoa được cô Nguyễn Thị Mỹ Chi (Khoa Kinh tế) hỗ trợ, định hướng triển khai dự án từ tháng 4/2017 đến nay.

Giảng viên và nhóm sinh viên tham gia dự án khởi nghiệp về sản phẩm đặc trưng Kon Tum xây dựng kế hoạch triển khai thực tế. Ảnh: M.T

 

Các sinh viên đã tự làm các phần việc kết nối, xây dựng quan hệ với doanh nghiệp, nhà sản xuất cung ứng ổn định chừng 20 sản phẩm đặc trưng Kon Tum là: các sản phẩm núi rừng như dược liệu tự nhiên, măng khô, mật ong, nước ép sim và rượu vang sim, chuối sấy... Mặt khác, cả nhóm còn tự thiết kế trang truyền thông và giới thiệu đến khách hàng qua hệ thống Facebook với tên gọi Đặc sản Kon Tum.  

Trực tiếp hướng dẫn cho các em, cô Chi nhận xét, tại các thời điểm giao việc cho các bạn cụ thể hóa dự án ra ngoài xã hội như khảo sát thực tế xác định, thẩm định cơ sở sản xuất, hộ nông dân sản xuất, doanh nghiệp sản xuất theo địa chỉ, uy tín thương hiệu, chất lượng sản phẩm…, giảng viên luôn phải theo sát, động viên, gỡ rối cho sinh viên. Bên cạnh đó còn định hướng cho các em về đàm phán giá mua, hình thức thanh toán, phương thức vận chuyển, giới thiệu sản phẩm và thuyết phục khách hàng mua sản phẩm...

Bạn Bích tâm sự, nhờ vào quá trình đi thực tế, đàm phán với doanh nghiệp, khách hàng, những sự cố, rủi ro mà tụi em gặp phải đều được báo cáo, trao đổi với cô Chi để tìm ra hướng xử lý tích cực nhất. Sau 3 tháng bán hàng, em rút ra được nhiều kinh nghiệm, cách xử lý tình huống như là kỹ năng quý về nghề nghiệp sau này hòa nhập vào môi trường làm việc thực tế.

“Thành công bước đầu, ngoài kỹ năng sống và giải quyết vấn đề cá nhân quản trị, kinh doanh của mỗi bạn dày lên, thì nhóm còn xây dựng fanpage truyền thông giới thiệu, và qua theo dõi trên Facebook có 270 lượt khách hàng thích ấn nút 20 sản phẩm đặc trưng Kon Tum. Từ lợi nhuận của nguồn vốn 30 triệu đồng ban đầu hỗ trợ đưa dự án đi vào hoạt động, tháng 10 đến nay, mỗi bạn được hỗ trợ động viên 200 ngàn đồng/tháng” - cô Chi cho biết thêm.

Cùng thời điểm khởi động dự án khởi nghiệp của nhóm Ngọc Bích, Khoa Kinh tế còn có dự án “Trung tâm thực tập du lịch UD-CK” với 6 bạn ngành quản trị kinh doanh, du lịch và lữ hành thực hiện. Cô Đặng Trần Minh Hiếu - chủ nhiệm, hướng dẫn các thành viên dự án cho hay, sự khởi nghiệp của nhóm với hy vọng tạo ra sản phẩm dịch vụ kinh doanh lữ hành nội địa rẻ, phục vụ nhu cầu giải trí, yêu thích du lịch của các bạn trẻ.

Quá trình triển khai dự án, các bạn sinh viên cũng tự xây dựng kế hoạch, lên chương trình khảo sát thực hiện, đàm phám và kết nối các doanh nghiệp lưu trú, vận chuyển, lữ hành, ăn uống, dịch vụ du lịch khác… đảm bảo phục vụ tối đa nhu cầu của khách du lịch.

“Các sinh viên thực hiện dự án đã thu thập các số liệu, phân tích đánh giá tình hình hoạt động lữ hành địa phương và đưa ra được các gói sản phẩm du lịch: trải nghiệm văn hóa vùng miền, giao lưu sinh viên, học sinh, du lịch học tập, tham quan văn hóa, lịch sử, rèn luyện tính kỉ luật, xây dựng tình đoàn kết cho học sinh phổ thông các cấp, du lịch gần gũi với thiên nhiên, kết hợp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cho các đơn vị, trường học có nhu cầu...” - cô Hiếu nhận xét.

Còn Lượng Hứa Thị Diệu Linh -  1 trong 6 bạn tham gia dự án du lịch trên, kể: Các bạn trong nhóm rất nhiệt tình đi thực tế khảo sát, đánh giá các tuyến, địa điểm danh lam thắng cảnh, khu vực thiên nhiên có thể đưa vào ngân hàng địa chỉ tổ chức tour. Có hôm đi về các huyện quá hăng say khám phá, ghi chép, nói chuyện - các bạn bị lạc hẳn vào rừng, có lúc khác thì xe máy bị thủng lốp, mà đường ra khu vực dân cư mất vài chục ki lô mét, nhưng không ai nản lòng, vẫn động viên nhau làm tốt.

Đến nay, dự án du lịch của các bạn trẻ đã tổ chức được 4 tour cho khách trong và ngoài tỉnh. Mỗi tour du lịch, khách cảm nhận và đánh giá cao các gói sản phẩm du lịch như: khám phá, thưởng thức đặc sản trái cây, hoa quả tại nhà vườn và tham dự các lễ hội của đồng bào DTTS Tây Nguyên; tham quan các làng nghề truyền thống; cùng tham gia các trò chơi dân gian, tổ chức những cuộc thi tập thể; giải trí, thưởng thức những đặc sản tại Kon Tum... Các tuyến du lịch chủ yếu: Kết nối, giới thiệu các danh lam thắng cảnh, địa điểm văn hóa lịch sử khu vực thành phố Kon Tum đến các huyện trong tỉnh.

Ông Đặng Văn Mỹ - Giám đốc Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum chia sẻ: Năm 2018, Phân hiệu tiếp tục khuyến khích các bạn trẻ nghiên cứu, xây dựng các ý tưởng khởi nghiệp. Riêng các dự án khởi nghiệp đã được nhà trường thẩm định, sinh viên sẽ được hỗ trợ kinh phí triển khai, kết nối doanh nghiệp ứng dụng thực tế ở một số lĩnh vực công nghệ thông tin, năng lượng điện - mặt trời và xây dựng hệ thống bê tông hút nước, đào tạo tiếng Anh, phát triển du lịch kết hợp kinh doanh nhà hàng, khách sạn...

Mai Trâm

Chuyên mục khác