02/12/2021 13:04
Xã Măng Ri có 6 thôn với hơn 500 hộ, gần 1.900 nhân khẩu, 100% dân số người Xơ Đăng. Xã cũng mới đạt 11/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Măng Ri được thiên nhiên ưu đãi có tiềm năng lợi thế cho phát triển dược liệu, đặc biệt có “Quốc bảo”- sâm Ngọc Linh. Ngoài ra, hiện nay, trên địa bàn xã lại có 2 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô đứng chân trên địa bàn, có diện tích trồng sâm Ngọc Linh lớn nhất tỉnh. Đây là điều kiện rất thuận lợi để người dân trong xã tham gia làm công nhân, liên kết trồng sâm Ngọc Linh và đó cũng là hướng đi để người dân thoát nghèo, thậm chí còn vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, theo báo cáo của xã thì hiện nay toàn xã mới phát triển hơn 50ha sâm dây; hơn 3ha (tương đương 32 ngàn gốc sâm Ngọc Linh) của trên 260 hộ trồng là chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
|
Trao đổi về nguyên nhân diện tích sâm dây, sâm Ngọc Linh trong dân trên địa bàn còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng, ông Dương Đình Chung- Chủ tịch UBND xã Măng Ri cho biết, hiện nay, việc trồng, chăm sóc sâm dây trong hộ dân còn manh mún, nhỏ lẻ, trong khi giống sâm Ngọc Linh có thời điểm khan hiếm khiến công tác nhân rộng diện tích gặp khó khăn. Bên cạnh đó, một số bộ phận người dân tại xã còn nghèo, chưa có ý thức tự lực vươn lên, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Người dân cũng chưa mạnh dạn vay vốn, chưa tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất thấp để đầu tư khai thác thế mạnh về dược liệu.
Tại cuộc làm việc mới đây, trao đổi với Đảng ủy, cán bộ xã Măng Ri, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cho rằng, Măng Ri là vùng căn cứ cách mạng, xã anh hùng lại có tiềm năng thế mạnh về phát triển dược liệu thì không có lý gì lại là xã nghèo (hiện còn 145 hộ nghèo, 28 hộ cận nghèo, trong đó hộ nghèo chiếm gần 60% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022-2025). Với sự phát triển hiện nay, xã chưa phát triển đúng với tiềm năng, thế mạnh của mình.
Vì vậy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng gợi ý và chỉ rõ Măng Ri cần xác định rõ tiềm năng thế mạnh, tập trung vào phát triển mạnh 4 loại cây dược liệu sâm dây, sơn tra, đặc biệt là “Quốc bảo”- sâm Ngọc Linh và cây cà phê; cùng với đó, phát triển chăn nuôi trâu, bò làm hàng hóa để “lấy ngắn nuôi dài”… Phấn đấu mục tiêu từ năm 2022 trở đi, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm 4% mỗi năm theo tiêu chí mới và đến năm 2024 đạt chuẩn xã nông thôn mới.
|
Để đạt được mục tiêu đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhấn mạnh, Đảng ủy, UBND xã Măng Ri cần xây dựng phương án, lộ trình cụ thể để trồng rừng, nhân rộng diện tích cây dược liệu trên địa bàn. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”; tuyên truyền vận động nâng cao hơn nữa nhận thức của bà con về công tác quản lý, bảo vệ rừng để phát triển dược liệu dưới tán rừng. Từ năm 2022 trở đi, mỗi năm địa phương trồng thêm 20 ngàn gốc sâm Ngọc Linh, mỗi làng trồng thêm 2ha sâm dây; vận động người dân chuyển dần diện tích lúa rẫy, trồng mì sang trồng cà phê xứ lạnh, phấn đấu mỗi năm tăng thêm khoảng 20ha…
Song hành với người dân Măng Ri, ngay tại cuộc làm việc này, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô cũng cam kết sẽ tiếp tục hợp tác, liên kết, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân Măng Ri trong việc phát triển diện tích sâm Ngọc Linh và nhận vào làm công nhân trong công ty.
Ông Trần Hoàn- Giám đốc Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum cho biết: Đến nay, Công ty đã tổ chức 7 mô hình liên kết với 270 người dân Măng Ri tham gia trồng sâm Ngọc Linh, trong đó có 150 người là lao động tham gia trực tiếp, thường xuyên. Chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện và hỗ trợ người dân trong việc thành lập hợp tác xã về phát triển dược liệu, cung cấp nguồn giống sâm Ngọc Linh và sâm dây để người dân Măng Ri tham gia trồng dưới tán rừng được địa phương giao khoán. Công ty sẽ giám sát quy trình, kỹ thuật trồng sâm của người dân để sản phẩm thu lại đạt hiệu quả, đồng thời, cam kết thu mua toàn bộ và đảm bảo đầu ra cho số lượng sâm Ngọc Linh, sâm dây mà người dân trồng.
Ông Nguyễn Thành Chung- Giám đốc Công ty TNHHMTV Lâm nghiệp Đăk Tô cho hay, hiện nay, Công ty chúng tôi đã giao hơn 600ha rừng cho các hộ dân ở Măng Ri quản lý bảo vệ và diện tích này đều đủ điều kiện trồng sâm Ngọc Linh.
“Đơn vị đã, đang và sẽ tích cực phối hợp với Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum hỗ trợ cây giống, kỹ thuật và tạo việc làm ổn định cho các lao động tham gia mô hình liên kết trồng sâm Ngọc Linh với doanh nghiệp…” - ông Chung cho biết.
Với sự quan tâm đặc biệt của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và sự tạo điều kiện của các đơn vị, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn đối với vùng căn cứ cách mạng Măng Ri, đồng bào các dân tộc trong xã sẽ phát huy truyền thống anh hùng trong đấu tranh, tận dụng lợi thế, tiềm năng thế mạnh của vùng đất này, xây dựng xã Măng Ri ngày càng phát triển nhanh, bền vững, trở thành xã kiểu mẫu về kinh tế, xã hội không chỉ trong huyện mà của cả tỉnh.
Văn Phương