Xây dựng “cánh đồng lớn”, phát triển nông nghiệp công nghệ cao

15/06/2020 06:01

Thực hiện Kết luận số 366-KL/TU ngày 17/2/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn” thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đến nay qua hơn 3 năm triển khai, huyện Kon Plông đã phát huy tối đa thế mạnh của địa phương để từng bước chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hiện đại.

Ông Lê Đức Tín - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết:  Triển khai dồn đổi tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn” phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là chủ trương đúng đắn, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của huyện nhà. Trong hơn 3 năm qua, cấp ủy tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác tổ chức tuyên truyền chủ trương về lợi ích thiết thực của việc dồn đổi tích tụ đất nông nghiệp, tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, về dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn” đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện. Huyện đã khoanh vùng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được 215,48 ha tại các xã: Măng Bút 128,2 ha, Hiếu 36,7 ha, Ngọc Tem 8 ha, Đăk Tăng 42,58 ha.

Tổng diện tích của các hộ dân trên địa bàn đăng ký tham gia Kế hoạch dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn” thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao qua các năm là 413,92ha. Hình thức dồn đổi ruộng đất nông nghiệp, xây dựng cánh đồng lớn trồng bắp lấy thân trên diện tích vận động dồn đổi, tích tụ. Tổng diện tích của các hộ dân tham gia trồng bắp sinh khối là 78,56ha. UBND huyện đã làm việc với Công ty CP Dược liệu & Thực phẩm Măng Đen tiến hành tổ chức thu mua sản phẩm thân cây bắp làm thức ăn cho gia súc cho nhân dân đầy đủ với giá cả phù hợp.

Nhìn chung, công tác vận động tuyên truyền các chủ trương, chính sách của cấp tỉnh, huyện được thực hiện thường xuyên tới từng thôn làng trên địa bàn các xã. Những năm đầu tiên thí điểm triển khai mô hình cánh đồng lớn trên diện tích trồng bắp lấy thân trên địa bàn huyện đã và đang cho thấy đây là phương thức sản xuất tiên tiến, mang lại hiệu quả cao, từng bước cải thiện thu nhập của người dân và hình thành mô hình, vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn trên địa bàn huyện. Qua đó, tạo sự tin tưởng, góp phần cỗ vũ nhân dân khi tham gia thực hiện kế hoạch, từng bước thay đổi tập quán sản xuất và tư duy, cách làm cũ của người dân. Các công trình giao thông, thủy lợi, điện tại một số xã cơ bản đã được hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi trong công tác đi lại, tưới tiêu, chăm sóc, giao thương, buôn bán. Các chính sách hỗ trợ bước đầu trong  đã góp phần tích cực trong việc thúc đẩy các hộ dân tham gia thực hiện.

Đề án phát triển cây cà phê xứ lạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ảnh: Đặng Bá Lâm

 

Để hỗ trợ nhân dân và doanh nghiệp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện đã thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen (viết tắt là Khu Nông nghiệp) với diện tích 170 ha. Trong đó, xây dựng 32.600m2 nhà màng để nghiên cứu, thực nghiệm ươm, nhân giống sản xuất và đã thử nghiệm và ươm nhân giống một số giống dược liệu và rau, hoa, quả… chuyển giao cho nhân dân và doanh nghiệp sản xuất.

Ông Phạm Thanh - Trưởng Ban quản lý  cho biết: Tháng 9/2016 Khu Nông nghiệp được thành lập. Đến nay, qua gần 4 năm hoạt động, với chức năng nhiệm vụ của mình, Khu Nông nghiệp đã phối hợp với các đơn vị của huyện chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật đến với doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS thông qua công tác xây dựng các mô hình sản xuất thực tế và tổ chức các lớp huấn luyện, kiến tập. Đồng thời, Khu nông nghiệp đã phối hợp tổ chức 12 lớp học tập thực tế và 20 mô hình trồng bí Nhật cho bà con nông dân, với diện tích 300m2/mô hình, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Qua quá trình sản xuất, các mô hình đã cho kết quả tốt, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân. Đặc biệt, thông qua các mô hình này, người dân dần thay đổi nhận thức trong sản xuất ứng dụng công nghệ cao.

Bênh cạnh đó, huyện đã công nhận 1 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, hình thành 1 Nhà máy chế biến Rượu Sim và nước giải khát dược liệu, hình thành 2 cơ sở vườn ươm cây giống tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen. Huyện cũng đã hình thành 6 chuỗi liên kết: sản xuất và tiêu thụ gạo đỏ Măng Bút, trồng cây bắp lấy thân làm thức ăn chăn nuôi gia súc, trồng và tiêu thụ cây dược liệu hồng đảng sâm và đương quy, nuôi và chế biến mật ong rừng, trồng và tiêu thụ cà phê xứ lạnh, sản xuất và tiêu thụ quả bí Nhật. Đồng thời, huyện đã lập hồ sơ đề nghị công nhận 1 vùng nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau, hoa, củ, quả, cá nước lạnh với diện tích 3.271 ha.

Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, huyện đã kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư vào lĩnh vực này. Trong đó, Dự án đầu tư phát triển nông nghiệp chất lượng cao của Công ty Vin Eco - thuộc Tập đoàn Vin Group với quy mô dự án 511 ha, có tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng; Dự án Nông trại hữu cơ Kon Tum Bellest với quy mô 105,26 ha, có tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng; Dự án Công ty CP Dược liệu và thực phẩm Măng Đen với quy mô 2.786 ha, với tổng mức đầu tư 5.100 tỷ đồng; Dự án trồng và phát triển nguồn nguyên liệu nông sản cao xuất khẩu của Công ty TNHH Đông Phương - Quảng Nam, với quy mô 30ha, có tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng; Dự án Nông nghiệp công nghệ cao của Công ty TNHH Kon Plông Agri-Tourism với quy mô 33 ha, có tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Những dự án này góp phần tạo động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, giải quyết lao động cho người dân địa phương.

Trong kêu gọi, thu hút đầu tư, huyện Kon Plông gặp nhiều thuận lợi khi UBND tỉnh ban hành 9 danh mục dự án thu hút đầu tư vào địa bàn huyện giai đoạn 2018-2020. Trong đó, 1.000 ha trồng và chế biến hồng đảng sâm và đương quy khoảng 500 tỷ đồng; 10 ha sản xuất hạt giống cây trồng ôn đới khoảng 120 tỷ đồng; 30 ha đầu tư xây dựng vùng sản xuất rau, củ, quả ôn đới ứng dụng công nghệ cao khoảng 150 tỷ đồng; 10 ha xây dựng nhà máy chế biến rau, củ, quả khoảng 250 tỷ đồng; 20 ha chăn nuôi tập trung và chế biến súc sản khoảng 200 tỷ đồng; đầu tư nhà máy chế biến dược liệu với quy mô 100 tấn củ tươi/năm khoảng 50 tỷ đồng; 20 ha đầu tư hạ tầng Cụm Công nghiệp Kon Plông khoảng 60 tỷ đồng.... Các dự án trên hiện đang triển khai.

Ông Lê Đức Tín tin tưởng, trong thời gian tới, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sẽ được người dân đồng lòng hưởng ứng; cùng với sự thu hút đầu tư ngày càng tạo thuận lợi của chính quyền địa phương, chắc chắn huyện Kon Plông sẽ sớm thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Vĩnh Hà

Chuyên mục khác