Xây dựng cánh đồng lớn: Động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới

26/09/2017 06:06

​Ngày 6/12/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1478/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn với các sản phẩm hàng hóa có lợi thế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2025. Mục tiêu của việc xây dựng và phát triển cánh đồng lớn nhằm chuyển nhanh nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả...

Theo ông Nguyễn Trung Hải- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc xây dựng cánh đồng lớn, hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, tạo điều kiện để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân để có sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, giá trị hàng hóa nhằm tăng thu nhập cho người dân. Hình thành các cánh đồng lớn sẽ khai thác, huy động tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế trong hoạt động liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản. Qua đó, tỉnh xác định nhiệm vụ cụ thể đối với các sở ngành, địa phương, tổ chức, đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình và cá nhân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Cánh đồng lúa ở Sa Thầy. Ảnh: D.L

 

Có 7 loại cây trồng đưa vào sản xuất trên cánh đồng lớn là lúa, mì, mía, rau hoa củ quả, cà phê vối, cà phê chè, cao su. Trong giai đoạn 2016-2025, cánh đồng lớn về sản xuất lúa sẽ là 2.124ha/69 cánh đồng; cánh đồng lớn trồng mì là 3.662ha/28 cánh đồng; cánh đồng lớn trồng rau hoa củ quả là 200ha/13 cánh đồng; cánh đồng lớn trồng mía là 202ha/05 cánh đồng; cánh đồng lớn sản xuất cà phê vối là 1.743ha/21 cánh đồng; cánh đồng lớn trồng cà phê chè là 350ha/03 cánh đồng và cánh đồng lớn về trồng cao su là 31.839ha/48 cánh đồng.

Cánh đồng lớn về sản xuất lúa được thực hiện trên địa bàn các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Kon Plông, Sa Thầy, Tu Mơ Rông và thành phố Kon Tum; cánh đồng lớn trồng mía chỉ thực hiện trên địa bàn 5 xã, phường của thành phố Kon Tum và huyện Sa Thầy; cánh đồng lớn sản xuất cà phê vối thực hiện trên địa bàn các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Sa Thầy và thành phố Kon Tum; cà phê chè thực hiện trên địa bàn xã Đăk Choong, xã Xốp của huyện Đăk Glei và xã Ngọc Yêu của huyện Tu Mơ Rông; cánh đồng lớn sản xuất cao su thực hiện trên địa bàn các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Glei, Sa Thầy, Ia H’Drai và thành phố Kon Tum…

Một khi hình thành được vùng sản xuất có quy mô lớn, việc áp dụng cơ giới hoá sẽ trở nên thuận lợi, từ khâu trồng bón phân, làm cỏ, chăm sóc đến thu hoạch. Việc thực hiện cơ giới hóa 100% trên diện tích lớn giúp tiết giảm được chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế; cây trồng được chăm sóc đồng đều, sinh trưởng tốt hơn. Cánh đồng lớn là hình thức sản xuất tập trung, phát huy mối liên kết của 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Mục tiêu của cánh đồng lớn là tạo đầu ra ổn định với lợi nhuận cao cho người nông dân, giúp họ yên tâm sản xuất.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai thực hiện xây dựng cánh đồng lớn như ở xã Đoàn Kết (thành phố Kon Tum) trồng mía và lúa; xã Măng Bút (huyện Kon Plông) hình thành cánh đồng trồng bắp làm thứ ăn cho gia súc sử dụng "một giống" và đều đạt kết quả tốt, năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt. Người trồng bắp đỡ vất vả hơn nhiều, khâu thu hoạch không mất nhiều công sức do doanh nghiệp thu mua ngay tại chân ruộng. Giá thu mua so với cây lúa tăng khoảng 10 đến 12 triệu đồng/năm. Nhiều bà con nông dân ở đây bày tỏ rất tâm đắc với mô hình và mong muốn được nhân rộng để nhiều bà con được hưởng lợi.

Cánh đồng trồng bắp ở Kon Plông. Ảnh: D.L

 

Rõ ràng việc xây dựng các cánh đồng lớn đang nhận được tín hiệu tích cực từ phía người dân. Với những giải pháp đặt ra, được triển khai thực hiện quyết liệt với cả hệ thống chính trị vào cuộc thì việc xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn sẽ được thuận lợi hơn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất giúp, người nông dân giảm được chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, nâng cao thu nhập; nhưng quan trọng hơn cả là đã làm cho người nông dân dần thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, để hướng đến nền sản xuất hàng hoá. Đây có thể nói là bước đột phá, là động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

                                                                           Dương Lê

Chuyên mục khác