Xây dựng các khu, cụm công nghiệp thành khu vực kinh tế năng động

27/10/2016 09:41

Để xây dựng và phát triển các khu, cụm công nghiệp, thời gian qua tỉnh đã nỗ lực đầu tư xây dựng hạ tầng với phương châm đầu tư phân kỳ, chọn hạng mục thi công, vừa xây dựng vừa kêu gọi, tiếp nhận các dự án đầu tư.

Thời gian qua, sự hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp- dịch vụ. Qua đó, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phát huy hiệu quả đầu tư

Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp, làng nghề tiểu thủ công nghiệp được thành lập. Trong đó có 9 khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích quy hoạch 241,585ha; 4 cụm công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp đã có quyết định thành lập, nhưng chưa đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng có 4 cụm công nghiệp đã được đưa vào quy hoạch.

Để xây dựng và phát triển các khu, cụm công nghiệp, thời gian qua tỉnh đã nỗ lực đầu tư xây dựng hạ tầng với phương châm đầu tư phân kỳ, chọn hạng mục thi công, vừa xây dựng vừa kêu gọi, tiếp nhận các dự án đầu tư.

Đến nay, tại các khu, cụm công nghiệp đã thực hiện đầu tư hơn 135,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 67 tỷ đồng. Các khu, cụm công nghiệp đã thu hút trên 600 doanh nghiệp, cơ sở vào sản xuất, giải quyết việc làm cho hơn 4.600 lao động.

Theo đánh giá của Sở Công thương, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều được bố trí hài hòa, phù hợp giữa các vùng kinh tế của tỉnh và khu vực; nằm dọc theo các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ cơ bản đảm bảo được sự gắn kết về hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật nên rất thuận lợi trong việc cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, thời gian qua, tỉnh và chính quyền các địa phương cũng đã quan tâm tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, khuyến khích các cơ sở vào sản xuất tập trung tại các khu, cụm công nghiệp.

KCN Hoà Bình hiện có nhiều lĩnh vực sản xuất. Ảnh: T.H

 

Các lĩnh vực ngành nghề được đầu tư thu hút và phát triển tại các khu, cụm công nghiệp chủ yếu là công nghiệp chế biến nông – lâm sản; sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác và chế biến khoáng sản; sản xuất hàng tiêu dùng và các sản phẩm truyền thống.

Nhìn chung các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được quy hoạch và phát triển, từng bước đã khai thác, phát huy được lợi thế, tiềm năng về nguồn nguyên liệu, nhân công, thị trường tiêu thụ của tỉnh.

Phần lớn các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp cơ bản đạt mục tiêu dự án, thực hiện tốt quy định của pháp luật, hoạt động ổn định, đóng góp phần lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp cũng như kim ngạch xuất khẩu công nghiệp của tỉnh. Qua đó, góp phần tăng thu ngân sách hàng năm cho các địa phương, thu hút được nhiều nhà đầu tư ngoài tỉnh, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung của tỉnh.  

Dấu ấn khu công nghiệp Hòa Bình

Khu công nghiệp Hoà Bình là khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh có vị trí thuận lợi và được đầu tư khá bài bản nên thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.

Được khai thác từ năm 2008, đến nay, tổng mức đầu tư vào Khu công nghiệp Hòa Bình đạt khoảng 61,56 tỷ đồng. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng của khu công nghiệp này đã tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh với nhiều hạng mục đã được đầu tư khai thác như: đường giao thông, điện, nước, hệ thống xử lý nước thải đảm bảo môi trường phù hợp với nhu cầu của các nhà đầu tư.

Tỷ lệ lấp đầy của KCN Hoà Bình là 100%. Ảnh: T.H

 

Bên cạnh đó, trong suốt thời gian qua, các cấp, các ngành của tỉnh cũng luôn chú trọng đến việc giải quyết các khó khăn, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc cho các nhà đầu tư đã tạo niềm tin cho doanh nghiệp vào sản xuất tại khu công nghiệp.

Hiện tại đã có 29 doanh nghiệp với 29 dự án đăng ký thuê đất, đặt nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Hoà Bình với nhiều ngành nghề khác nhau như chế biến lâm sản, sản xuất dây thun, sản xuất bao bì, sản xuất bia Block, sản xuất viên nén năng lượng, sản xuất bê tông tươi... Trong đó, có một số doanh nghiệp lớn như: Công ty CP May Nhà Bè, Công ty CP Xuất nhập khẩu và đầu tư Kon Tum, Công ty TNHH MTV Ngọc Thy Auto, Công ty TNHH An Phước...

Tỷ lệ lấp đầy của Khu công nghiệp này đạt 100%, đã góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho khoảng 2.000 lao động.

Việc đầu tư xây dựng, phát triển Khu công nghiệp Hòa Bình hiện đại với các doanh nghiệp, nhà máy có quy mô lớn, ngành nghề đa dạng đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế; góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao đời sống không chỉ cho người dân thành phố Kon Tum mà của toàn tỉnh nói chung.

Hàng năm, các doanh nghiệp đã đóng góp không nhỏ vào ngân sách nhà nước; thu hút được nhiều nhà đầu tư ngoài tỉnh đến đầu tư, góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.

Những đóng góp của các khu, cụm công nghiệp đã khẳng định đây là nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần giải quyết việc làm cho một bộ phận người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh. Đồng thời, hoạt động của các khu, cụm cũng đã góp phần tích cực đưa kinh tế của tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Thuỳ Hương 

Chuyên mục khác