Xăng dầu tăng giá: Thấp thỏm giá cả hàng hoá leo thang

02/06/2018 07:23

​Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tăng nhiều lần với mức tăng tổng cộng 1.700 - 2.500 đồng/lít. Giá xăng, dầu tăng kéo theo nỗi lo giá cả hàng hoá sẽ được đà tăng theo và áp lực này lại đè nặng lên vai người dân.

Sau nhiều lần điều chỉnh giá bán, hiện nay, giá xăng dầu bán ra trên thị trường như sau: xăng E5 RON 92 là 19.940 đồng/lít; xăng RON 95-III là 21.511 đồng/lít; dầu diesel 0.05S là 17.694 đồng/lít; dầu hỏa là 16.440 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S là 14.437 đồng/kg. Như vậy, so với thời điểm đầu năm, giá xăng dầu đã tăng khoảng 1.700 - 2.500 đồng/lít.

Vừa qua, Bộ Tài chính lại đề xuất phương án tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng từ mức 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít, các mặt hàng dầu tăng từ  mức 1.500/lít lên 2.000 đồng/lít. Điều này đã đặt người dân trước rất nhiều nỗi lo bởi một khi giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo một loạt vấn đề về chi phí sản xuất, vận chuyển cũng sẽ bị tăng lên đẩy giá cả hàng hoá tăng theo.

Giá xăng dầu tăng, tác động nhanh nhất mà nó mang lại là chi phí đi lại của người dân ngay lập tức bị đẩy lên, khiến không ít người lo lắng, nhất là những người thường xuyên phải đi lại.

Với người nông dân cũng thế, hầu hết đều e ngại mỗi khi giá xăng tăng sẽ kéo theo chi phí sản xuất sẽ tăng lên khi rất nhiều công đoạn phải sử dụng đến xăng dầu như bơm tưới, cày kéo, vận chuyển hàng hoá nông sản... 

Ở tầm vĩ mô, khi xăng dầu tăng đồng nghĩa với chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hoá sẽ tăng lên và kéo theo đó giá cả các loại hàng hoá từ lương thực, thực phẩm đến vật liệu xây dựng... sẽ tăng theo. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến chi tiêu của người dân.

Chẳng hạn với ngành vận tải, giá xăng dầu tăng liên tục trong thời gian gần đây có tác động không nhỏ đến chi phí vận chuyển buộc các doanh nghiệp vận tải phải điều chỉnh giá cước vận chuyển. Bởi hầu hết mặt hàng, dịch vụ đều phải chịu chi phí vận chuyển trực tiếp hoặc gián tiếp. Do đó, giá cước tăng sẽ đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trước áp lực phải tăng theo.

 Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vận tải, các hãng taxi đang rục rịch đòi tăng giá. Cũng khó trách các đơn vị này bởi hoạt động của họ đều lệ thuộc vào xăng dầu. Một khi giá xăng thay đổi sẽ tác động ngay lập tức tới chi phí, ảnh hưởng tới doanh thu, lợi nhuận của họ nên việc điều chỉnh giá là khó tránh được. Chỉ có điều, giá cước vận chuyển tăng thì đối tượng cuối cùng phải gánh chịu vẫn là người dân.

Không ít người tiêu dùng đang tỏ ra băn khoăn, lo lắng rằng thời gian tới nhiều mặt hàng nữa sẽ được thiết lập mặt bằng giá mới. Bởi một khi các nhà sản xuất, kinh doanh đưa ra lý do là các khâu chi phí tăng nên giá cả cũng buộc phải tăng cho tương xứng thì người dân không có cách lựa chọn nào khác là phải chấp nhận.

Thực tế cũng đã chứng minh, trước đây, mỗi khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng là ngay lập tức giá cả hàng hoá cũng được đà tăng. Người dân không chỉ phải chấp nhận giá hàng hoá tăng lên mà đáng ngại hơn là nhiều nhà sản xuất, kinh doanh, thương nhân lợi dụng việc giá xăng tăng để đẩy giá hàng hoá tăng cao hơn thực tế chi phí. Hay nói đúng hơn, giá xăng tăng một thì giá hàng hoá tăng mười. 

Khổ nỗi thu nhập của người dân thì không tăng, nhưng chi phí trang trải cho cuộc sống sẽ phình ra. Người dân lại oằn mình với gánh nặng này.

Vẫn biết giá cả hàng hoá diễn biến tuân theo quy luật của thị trường, nhưng để hạn chế việc các loại hàng hoá trên thị trường mượn đà tăng giá kiểu “té nước theo mưa”, thiết nghĩ các cơ quan quản lý cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ  hơn nữa về giá cả. Đặc biệt, các cấp, các ngành cần siết chặt việc kiểm soát giá những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng hàng ngày để tránh tình trạng các chủ kinh doanh tự ý tăng giá gây thêm khó khăn cho đời sống của người dân.

Ngọc Thắng 

Chuyên mục khác