Xác định nguyên nhân lúa lép ở thành phố Kon Tum

22/11/2016 09:01

Theo UBND thành phố Kon Tum, sau khi Báo Kon Tum có bài viết “Thành phố Kon Tum: người dân lao đao vì lúa lép” phản ánh tình trạng lúa lép trên đồng ruộng lúa ở phường Nguyễn Trãi và xã Đoàn Kết, UBND thành phố Kon Tum đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) kiểm tra và làm rõ vụ việc.

Theo đó, nguyên nhân lúa BC15, TBR225 lép được xác định là do những giống này mẫn cảm với bệnh đạo ôn, khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi bệnh sẽ phát sinh gây hại; nông dân gieo sạ dày, bón thúc phân đạm muộn tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh gây hại; giai đoạn trổ bông bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 và 4 nên việc phòng trừ đạo ôn hiệu quả không cao; ruộng lúa nông dân không phun thuốc phòng bệnh đạo ôn giai đoạn trước trổ và sau trổ 7-10 ngày…, vì vậy, bệnh đạo ôn nặng gây nên lúa lép.

Mặc dù vậy, nhưng với tinh thần trách nhiệm, Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình thống nhất với UBND phường Nguyễn Trãi hỗ trợ lại 130kg giống lúa TBR225 nông dân đã mua; hỗ trợ 50% lượng giống TBR225 (tương ứng 502kg) các hộ tự đổi giống cho nhau.

 Để hạn chế tối đa bệnh đạo ôn cổ bông trong các vụ tiếp theo, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật khuyến cáo một số vấn đề sản xuất lúa TBR225, BC15 sau: bà con không nên bố trí gieo cấy lúa trên chân ruộng trũng, chân ruộng luôn có nguồn bệnh đạo ôn; bón phân cân đối, bón thúc sớm, tăng kali không để lá quá xanh non; chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn khi lúa trổ bông, phơi màu; trong kỹ thuật phun thuốc phải triệt để tuân thủ “4 đúng” và phải phun kép; áp dụng triệt để quy trình kỹ thuật IPM, ICM, gieo sạ mật độ hợp lý, giảm lượng giống gieo đối với lúa thuần xuống còn 80-100kg/ha theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT; không dùng lúa thịt làm giống, không mua giống trôi nổi trên thị trường.

VN

Chuyên mục khác