Xã Ngọc Tem: Phát huy các nguồn lực xây dựng nông thôn mới

04/12/2017 13:20

​Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Ngọc Tem (huyện Kon Plông) phát huy các nguồn lực, tiềm năng, tạo sức bật cho việc xây dựng nông thôn mới.

Dấu ấn từ cây cau

Kể từ khi đường Trường Sơn Đông mở ra, sau mấy năm trở lại, tôi nhận thấy xã Ngọc Tem có nhiều đổi mới. Đường sá về các thôn làng nằm dọc theo đường Trường Sơn Đông đều đã được bê tông hóa, nhà cửa người dân đều được xây dựng bằng gỗ, gạch kiên cố, mái lợp ngói, tôn. Thôn làng rợp bóng cau xanh. Trên các sườn đồi, người dân trồng mỳ, keo lai, bời lời, cau... xanh tươi.  

Thấy tôi mải mê ngắm hàng cau, ông Đinh Hồng Quế - Phó Chủ tịch UBND xã hồ hởi cho biết, năm nay, quả cau được giá, người dân rất phấn khởi. Mọi năm, giá bán cau quả chỉ vài nghìn đồng/kg, năm nay lên 15-25 nghìn đồng/kg. Có nhiều hộ ở thôn Măng Nách, năm nay, thu hàng trăm triệu đồng từ tiền cau. Điển hình như vườn cau ông A Den cho ông đã thu 80 triệu đồng và dự kiến còn thu thêm trên 100 triệu đồng; vườn cau A Đanh cho ông thu 60 triệu đồng và còn dự thu thêm 150 triệu đồng... Có thu nhập cao trừ cau, nhiều hộ rất phấn khởi và có cơ hội thoát nghèo. 

Nhiều hộ vươn lên khi có thu nhập cao từ cau. Ảnh: V.N

 

Thấy tôi có vẻ bán tín bán nghi, ông Quế cười tiếp lời: Nhà báo tin đi! Ở xã Ngọc Tem nhà nào cũng trồng cau. Người Cà Dong ở xã Ngọc Tem có tục ăn trầu cau như người miền xuôi. Cây cau được người dân trồng từ bao đời nay và đang được tiếp tục trồng. Có nhiều hộ trồng cả đồi cau. Thôn trồng nhiều cau nhất là thôn Măng Nách. Trồng cau không chỉ để ăn, ngày xưa, người dân dùng quả cau để làm hàng hóa và vật trao đổi với lái buôn. Quả cau thường được người dân đổi mắm muối, vải vóc và thậm chí cả chiêng ché.

Nhìn các cụ ăn trầu bỏm bẻm, môi đỏ tươi và những vườn cau bát ngát, quả đung đưa quả trên ngọn, tôi hiểu những gì Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Tem nói là thật.

Khơi gợi sức dân

Gắn bó với Ngọc Tem nhiều năm, anh Đỗ Văn Hạ - kiểm lâm địa bàn cho biết, trong quá trình sản xuất, xây dựng nông thôn mới, người dân đã định hình được lối canh tác hiệu quả kinh tế và bền vững. Đối với đất trồng cây mì bạc màu, người dân trồng keo. Keo là cây họ đậu có khả năng cải tạo đất trồng mì bạc màu, phù hợp với khí hậu ở địa phương nên sinh trưởng nhanh. Trồng keo 4-5 năm là cho thu hoạch. Thu hoạch keo xong, người dân lại trồng mì. Trồng mì trên đất trồng keo tơi xốp, củ to và cho nhiều củ. Khi thấy đất trồng mì bạc màu, người dân lại trồng keo. Vòng canh tác này giúp cho người dân có thu nhập ổn định, bảo vệ đất khỏi bị bạc màu, thoái hóa.

“Cây keo cũng giúp cho nhiều hộ có thu nhập khá. Điển hình như ông A Chuốt, thôn Đăk Cò 1 mới bán keo thu 150 triệu đồng. Ở Ngọc Tem hộ nào cũng trồng keo. Có hộ trồng cả rừng keo”- ông  Quế nói.

Ông Đinh Hồng Quế (người dân thôn 7) dẫn chúng tôi ra thăm vườn keo. Dọc hai bên con đường dẫn ra khu sản xuất, người dân trồng những vườn keo, vườn mì xen kẽ nhau. Cả keo và mì đều xanh tốt. Như vườn keo A Hồng mới trồng 3 năm nhưng đã lên cao lắm rồi. “Mình mới bán vườn keo nhỏ được 4 triệu đồng” - ông Quế khoe.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, người dân xã Ngọc Tem được đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi. Sản xuất phát triển, cuộc sống người dân nhiều thay đổi. Nhiều hộ dân ở đây mua được xe máy, ti vi và các tiện nghi sinh hoạt có giá trị khác.

Theo ông Đinh Hồng Quế, mặc dù không phải là xã điểm, nhưng bằng việc phát huy các nguồn lực, sức dân xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã Ngọc Tem đạt 7 tiêu chí nông thôn mới (thủy lợi, điện, bưu điện, nhà ở dân cư, cơ cấu lao động, hệ thống chính trị-xã hội, an ninh-trật tự) và dự kiến đến cuối năm nay đạt thêm 3 tiêu chí (tổ chức sản xuất, giáo dục, văn hóa) nữa.

Trong xây dựng nông thôn mới, bên cạnh việc phát huy tiềm năng, tạo điều kiện cho dân phát triển các loại cây trồng có giá kinh tế cao như mỳ, keo lai, bời lời, cau, nuôi bò, xã Ngọc Tem còn tranh thủ nguồn lực từ các doanh nghiệp hỗ trợ cho dân triển khai các mô hình mới như trồng cây bắp lấy thân cho dê, nghệ, chùm ngây... để tiếp tục tạo thêm sức bật cho người dân vươn lên xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác