07/02/2017 08:20
Đa dạng cây công nghiệp
Vài năm trở lại đây, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngoài cao su, bà con trong xã Ia Đal còn mạnh dạn đầu tư, trồng được 19ha cà phê.
Thôn 8, xã Ia Đal có 55 hộ, ngoài làm công nhân trong Chi nhánh 716, khoảng 21 hộ trong thôn đã tận dụng bờ lô, hợp thủy trồng cà phê. Anh Hồ Văn Hoan là một trong hai hộ tiên phong trồng cà phê ở thôn 8. Đầu năm 2015, khi thấy đất, nước ở đây hợp với cà phê, anh đã mạnh dạn trồng 500 cây. Đến năm 2016, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 100% giống, phân bón; được tập huấn về kĩ thuật trồng, chăm sóc cà phê, anh liền mở rộng diện tích, trồng thêm 500 cây.
“Đất, khí hậu ở đây rất hợp nên cà phê phát triển rất nhanh. Vừa rồi, gia đình tôi đã hái bói được 1 tạ cà phê rồi” – anh Hoan cho biết.
|
Anh Nguyễn Trung Hiếu ở thôn 1 cũng là một trong những hộ mạnh dạn đầu tư trồng cà phê. Anh Hiếu kể, năm 2012, khi thấy khí hậu, đất đai phù hợp với cà phê, anh đã mua và tận dụng bờ lô, hợp thủy trồng 3,7ha. Đến năm 2016, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 500 cây giống và phân bón, anh tiếp tục mở rộng diện tích, đầu tư trồng thêm khoảng 3ha cà phê.
“Tôi đầu tư ống, máy tưới và đào hồ để lấy nước tưới trong mùa khô. Đất phù hợp, nước đầy đủ nên cà phê phát triển rất tốt. Sau đợt thu bói từ năm 2015, trong năm 2016 chúng tôi thu được 4,7 tấn nhân, bán được gần 240 triệu đồng”- anh Hiếu phấn khởi.
Không chỉ thôn 8, thôn 1, anh Siêu Xanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Đal cho biết, để nâng cao đời sống kinh tế, đến nay, bà con ở 6/8 thôn trên địa bàn xã đã tham gia trồng cà phê. “Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 100% giống, phân bón cho các hộ dân trồng 10ha cà phê. Trung tâm và Phòng Nông nghiệp huyện cũng tổ chức tập huấn kĩ thuật trồng, chăm sóc cho bà con. Sang năm, một số diện tích cà phê nơi đây sẽ cho trái bói” – anh Xanh cho hay.
Không chỉ có cà phê, bà con nơi đây còn mạnh dạn trồng nhiều loại cây công nghiệp khác: điều, tiêu; hay các lại cây ăn quả: chuối Nam Mỹ. Đến nay, trên địa bàn xã còn có 13ha tiêu và 6ha điều.
Như gia đình anh Hiếu, ngoài cà phê, anh còn tận dụng đất trồng 1.000 trụ tiêu và 2ha điều. Vừa rồi, 200 trụ tiêu đã cho trái bói, gia đình anh thu được hơn 2 tạ. Trong năm 2017, anh cho biết, sẽ tiếp tục nhân rộng, trồng thêm 2ha tiêu để phát triển kinh tế.
Ngoài các loại cây công nghiệp, nhiều hộ dân còn tích cực phát triển các mô hình sản xuất mới. Như cô Nguyễn Thị Thơm ở thôn 8, xã Ia Đal, vừa trồng 5ha cà phê, 500 cây điều, đầu năm 2016, cô còn mạnh dạn trồng 1.000 gốc chuối Nam Mỹ. Sau một thời gian chăm sóc, bây giờ vườn chuối nhà cô đã ổn định, xanh tốt. “Cô đang định trồng thêm tiêu và đào ao để nuôi cá, nuôi vịt, xây dựng theo mô hình vườn ao chuồng” – cô Thơm cho hay.
|
Những cái khó cần tháo gỡ
Cần cù, chăm chỉ sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi song bà con nơi đây vẫn thấp thỏm lo âu. Trong đó, điều lo lắng nhất vẫn là vấn đề đất đai, bởi đa số diện tích đất trồng trọt đều là của các công ty cao su đóng chân trên địa bàn.
“Nhà tôi tận dụng bờ lô, hợp thủy trong vườn cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray để trồng trọt. Trước khi làm, giữa gia đình tôi và công ty cũng có kí cam kết, nếu công ty lấy lại đất thì chỉ đền bù tiền công phát rẫy chứ không đền bù về cây cối. Diện tích cây trồng đa số là cây lâu năm, phải đổ vốn xuống rất nhiều, nếu công ty lấy lại đất, chúng tôi chỉ có nước khóc. Chính vì vậy, chúng tôi rất mong muốn được hỗ trợ về đất để yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế” – anh Hiếu bày tỏ.
Tương tự, toàn bộ diện tích cà phê, tiêu, điều của anh Hoan cũng trồng trên bờ lô, hợp thủy trong vườn cao su của Chi nhánh 716. Anh Hoan nói rằng, rất muốn phát triển diện tích cây trồng nhưng vì không phải đất của nhà nên anh cũng dè dặt, chưa dám đầu tư.
“Dù được Chi nhánh 716 khuyến khích để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhưng thực sự cũng phập phồng lắm! Chúng tôi mong muốn huyện có chính sách hỗ trợ đất để bà con chúng tôi yên tâm sản xuất, phát triển cây trồng” – anh Hoan chia sẻ.
Cùng với khó khăn về đất sản xuất, người dân nơi đây còn gặp khó về nguồn vốn vì đa số vốn đầu tư vào cây trồng chủ yếu là của gia đình. Một vài hộ có vay thêm từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hoặc vốn từ Hội Nông dân nhưng theo họ, nguồn vốn không đáng kể nên không đủ để đầu tư.
“Vì đất không phải của chúng tôi nên không thể đứng ra thế chấp để vay vốn. Sang năm, để trồng 2ha tiêu, gia đình tôi phải đầu tư ngót nghét 1 tỷ đồng, hiện tại, tôi cũng đang khó khăn về nguồn vốn nên chưa biết thế nào” – anh Hiếu nói.
Ông Trần Văn Chiến - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ia H’Drai cho biết, thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây rất phù hợp với cây cà phê, điều, tiêu. Việc trồng đa dạng các loại cây là bước đột phá trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
“Phát triển diện tích cà phê, tiêu, điều sẽ góp phần phá vỡ độc canh cây cao su, để kinh tế không chỉ phụ thuộc vào cây cao su. Trong năm vừa qua, Hội Nông dân huyện cũng phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về kĩ thuật trồng cà phê, tiêu cho bà con. Hiện tại, chúng tôi cũng đang vận động bà con phát triển thêm diện tích” – ông Chiến nói.
Tuy nhiên, ông nói rằng, điều khó khăn nhất chính là hội viên, nông dân chưa có đất sản xuất tập trung mà chủ yếu khai hoang các bờ lô, hợp thủy nhỏ lẻ để sản xuất. Chính vì lý do đó, bà con còn dè dặt trong việc mở rộng diện tích.
“Bà con cũng kiến nghị nhiều về vấn đề này và chúng tôi cũng đã tham mưu lên huyện để có chính sách hỗ trợ đất để bà con yên tâm sản xuất, từng bước phát triển kinh tế” – ông Chiến cho biết.
Về vấn đề hỗ trợ vốn để nông dân phát triển kinh tế, ông Chiến nói rằng, trong năm 2017, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện sẽ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện tín chấp cho hội viên nông dân vay vốn sản xuất phát triển kinh tế. “Xã Ia Đal đang trên đà phát triển. Với sự cần cù, chăm chỉ của bà con, nếu được hỗ trợ kịp thời, nay mai thôi, Ia Đal sẽ “lột xác” – ông Chiến nói.
Bình An