Xã Ia Chim: Người nuôi heo cần sự “giải cứu” kịp thời

17/07/2017 13:20

​Trong tình cảnh hiện nay, không chỉ giá heo hơi giảm thấp mà còn rất khó bán, bị thương lái o ép, người chăn nuôi ở xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) rất cần sự “giải cứu” kịp thời của các cơ quan chức năng và cấp chính quyền địa phương.

Trước việc người chăn nuôi heo theo hình thức trang trại có nguy cơ lỗ nặng vì giá heo hơi xuống thấp, tôi về xã Ia Chim để tìm hiểu. Ngán ngẩm trước tình cảnh heo hơi rớt giá, ông Nguyễn Hữu Cảnh, thôn Nghĩa An than: Trại nuôi của gia đình có quy mô 50 heo nái và 200 heo thịt. Giá heo hơi rớt, gia đình thua lỗ nhiều, không còn sức để kéo dài nữa. Càng kéo dài nuôi heo càng thua lỗ.

Để phát triển đàn heo, gia đình ông Cảnh đã cầm 2 bìa đỏ để vay vốn ngân hàng mua con giống và thức ăn chăn nuôi. Không bán được heo, giờ đây món nợ ngân hàng 500 triệu đồng và đại lý cám hơn 500 triệu đồng nữa của gia đình ông không biết tính thế nào. “Mong ngân hàng và các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ lãi suất và góp phần giải quyết đầu ra cho người chăn nuôi heo” -ông Cảnh giãi bày.

Theo tính toán, với giá 45-50 nghìn đồng/kg heo hơi từ cuối năm 2016 trở về trước, nay xuống còn 20-24 nghìn đồng/kg heo hơi, nhiều hộ chăn nuôi cũng như gia đình ông Cảnh lỗ từ 1-1,2 triệu đồng/con heo hơi khi xuất chuồng 80kg trở lên. Đó là nói các hộ tự lo con giống từ heo nái, nếu các hộ mua heo giống về nuôi đến khi xuất bán, tính ra lỗ mỗi con heo khoảng 2 triệu đồng.

Để giảm lỗ, ông Cảnh nhờ người giết mổ heo, rồi tự mang thịt heo ra dọc đường bán. “Bà con lối xóm đi qua thương tình mua, gia đình vớt vát lại ít đồng tiền bỏ ra nuôi heo. Việc mổ heo đem thịt ra đường bán, giống mấy bà bán củ lang, dưa hấu khi giá rẻ ế ẩm. Thật không tưởng tượng nổi!” - ông Cảnh thổ lộ nỗi lòng.

Bà Bùi Thị Thanh Nga - chủ trang trại heo quy mô từ 600-700 con ở thôn Tân An than: Những năm qua, giá cao su xuống thấp, thu nhập bấp bênh, gia đình nuôi thêm heo để tăng thu nhập. Mới đầu tư phát triển, chưa lấy lại vốn thì gặp heo hạ giá khiến gia đình rơi vào cảnh khốn đốn. Cũng như các trại chăn nuôi lớn, gia đình tôi bất đắc dĩ phải tự giết mổ heo đem bán.

Ngay cả đối với hộ có nhiều năm nuôi heo như Bùi Văn Lãm (làng Weh) cũng không chịu nổi “cú sốc” heo hạ giá kéo dài. Ông Lãm cho biết, gia đình ông nuôi heo hơn 14 năm nay và chưa bao giờ thấy giá heo sụt giảm thê thảm vậy.

“Gia đình vay 600 triệu đồng từ ngân hàng mua cám cho heo ăn. Nếu heo ăn cám hết số tiền vay này mà không bán được heo để có tiền mua cám tiếp, đàn heo dễ chết đói vì các công ty sản xuất và kinh doanh thức chăn nuôi không cho mua nợ”-ông Lãm lo lắng.

Gặp gỡ và chia sẻ với người chăn nuôi, chúng tôi mới thấu hiểu được tình cảnh và nỗi lòng của họ lúc này. Heo hơi khó bán, họ lại bị thương lái o ép. Thương lái chia thành nhóm nhỏ đến các trang trại, hộ chăn nuôi heo ngã giá theo cách: người đầu tiên đến trả giá heo hơi 24 nghìn đồng/kg heo hơi, người thứ hai trả 23 nghìn đồng/kg heo hơi, đến người thứ ba trả còn 22 nghìn đồng/kg heo hơi, trong khi trên thị trường khoảng 26-27 nghìn đồng/kg heo hơi. Bị o ép, họ đành bán heo giá rẻ nhất cho thương lái.    

Trước tình cảnh bị thương lái ép giá, nhiều hộ tự mổ heo mang ra đầu đường để bán như trên đã nói. Tuy nhiên, việc tiêu thụ thịt heo dọc đường không được bao nhiêu so với số lượng đàn heo lớn cần phải xuất chuồng.

Để góp phần giúp người chăn nuôi giải cứu đầu ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đến các trang trại nắm bắt tình hình. Bà Bùi Thị Thanh Nga cho biết, ngày 4/7, cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đến thăm trang trại heo. Qua kiểm tra và xét nghiệm, các cán bộ thực thi trách nhiệm cho rằng đàn heo của gia đình bà bảo đảm an toàn. Bà Nga cũng như các nhóm hộ nuôi heo mong chính quyền tạo điều kiện cho thuê mặt bằng thuận lợi tại Trung tâm Thương mại Kon Tum để bán thịt heo an toàn nhằm giúp họ giải phóng đàn heo và giảm sự thua lỗ nặng.

Người chăn nuôi cần sự “giải cứu” kịp thời, nhưng nhiều việc vẫn đang còn ở phía trước. 

Đào Nguyên

Chuyên mục khác