Xã Ia Chim: Hiệu quả từ mô hình kinh tế vườn

07/08/2019 06:08

Xác định phát triển kinh tế vườn không chỉ phát huy lợi thế về đất đai, nguồn nhân công mà còn là hướng đi đúng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, trong những năm gần đây, xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn vận động, hỗ trợ, hướng dân người dân thực hiện các mô hình cải tạo vườn tạp, trồng xen canh cây ăn quả trong vườn cà phê tái canh…

Những khu vườn “tiền tỷ”

Chúng tôi được anh Lê Thế Trình- Chủ tịch Hội Nông dân xã đưa đến thăm một số hộ gia đình trồng cây ăn quả xen canh trong vườn cà phê ở một số thôn làng.

Đến thôn Tân An, chúng tôi vào thăm vườn sầu riêng giống dona (Thái Lan) của ông Bùi Trung Sơn. Trước mắt tôi là những gốc sầu riêng xanh tốt, quả treo lủng lẳng khắp thân cành.

Thấy tôi mải mê ngắm nhìn, săm soi từng cây sầu riêng và không ngớt lời khen ngợi vườn sầu riêng đẹp, trĩu quả, ông Sơn thật lòng: Hưởng ứng chủ trương đa dạng hoá cây trồng, cải tạo lại vườn cà phê già cỗi của Đảng uỷ xã bằng việc trồng xen canh cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, tôi đi tham quan học tập kinh nghiệm từ một số mô hình trồng cây ăn quả ở Nam Bộ và các tỉnh lân cận ở Tây Nguyên về áp dụng cho khu vườn của mình. Qua học hỏi kinh nghiệm, nhận thấy mô hình  xen canh cây sầu riêng trong vườn cà phê cho hiệu quả kinh tế cao, nên năm 2011, tôi mua sầu riêng giống dona hạt lép Thái Lan về trồng dặm trong vườn cà phê. Sầu riêng phát triển tốt, chỉ sau vài năm đã cho quả.

Mặc dù chỉ là trồng xen trong vườn cà phê, nhưng sầu riêng nhanh chóng trở thành nguồn thu nhập chính và cao hơn nhiều so với cà phê. Khi cà phê già cỗi, hiệu quả kinh tế thấp, gia đình ông Sơn mạnh dạn phá bỏ dần cà phê và chuyển hẳn sang trồng sầu riêng.

Tham quan vườn sầu riêng của gia đình ông Bùi Trung Sơn. Ảnh: VN

 

“Với giá bán 80 nghìn đồng/kg sầu riêng dona, mùa sầu riêng năm nay, gia đình dự thu khoảng 1 tỷ đồng từ 200 cây sầu riêng (tương ứng trên diện tích 1ha), trừ chi phí, gia đình còn lãi khoảng 700 triệu đồng, cao gấp 7 lần so với trồng cà phê. Ngoài sầu riêng, hiện nay, tôi còn trồng xen cam, quýt, chôm chôm... Tuy nhiên, cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao nhất hiện nay trong vườn vẫn là sầu riêng”- ông Sơn khẳng định.

Theo ông Sơn giới thiệu, vườn sầu riêng của gia đình ông được trồng, chăm sóc theo hướng an toàn. Khi phòng trừ sâu bệnh cho cây, ông chỉ phun thuốc sinh học, không ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. So với sầu riêng ta, sầu riêng dona da xanh, hạt lép, cơm vàng săn chắc, thơm ngon hơn. Do vậy, mặc dù giá bán tại gốc 80 nghìn đồng/kg quả, nhưng thu hoạch đến đâu, khách hàng thu mua đến đó.

Nhân rộng mô hình

Ở thôn Plei Lây, chúng tôi vào thăm vườn cà phê trồng xen sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Thanh Phúc.

Ông Phúc cho hay, gia đình ông trồng sầu riêng xen trong vườn cà phê với mục đích vừa che bóng mát cho cà phê, vừa để nâng cao thu nhập. Mới trồng được 1 năm, những cây sầu riêng đã cao ngang đầu người.

Theo ông Phúc, vườn cà phê trồng xen sầu riêng này vốn là vườn cao su. Khi cây cao su hết chu kỳ kinh doanh, gia đình khai thác cao su lấy gỗ bán và chuyển sang trồng cà phê xen sầu riêng monthong (Thái Lan), mít tố nữ, bơ, ổi..., nhưng cây trồng xen canh chủ lực vẫn là sầu riêng.

“Đất ở xã Ia Chim không chỉ phù hợp với cà phê, cao su mà còn phù hợp với nhiều loại cây ăn quả. Trồng xen canh cây ăn quả, đặc biệt là sầu riêng trong vườn cà phê đang góp phần giúp nông dân nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích so với trồng thuần cà phê. Chủ trương xen canh cây ăn quả hay cải tạo lại vườn tạp của Đảng bộ xã đang được người dân tích cực hưởng ứng” - ông Phúc tỏ bày.

Nhìn nhận về mô hình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê đem lại, ông Đoàn Năng Mạnh - cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh đánh giá cao những nỗ lực của người dân xã Ia Chim trong việc mở ra hướng đi mới phát triển kinh tế vườn.

Theo ông Mạnh, việc trồng cây ăn quả xen canh trong vườn cà phê là một trong những phương thức đa dạng hoá cây trồng, tiết kiệm đất canh tác, cho hiệu quả kinh tế cao. Đây được xem là một trong những hướng đi bền vững, giúp nông dân giảm thiểu được nguy cơ mất mùa do độc canh một loại cây trồng, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích bền vững hơn.

Là nông dân sản xuất giỏi, gắn bó với nông dân và là người trực tiếp góp phần đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng bộ xã vào cuộc sống, ông Lê Thế Trình- Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Chim cho biết: Việc trồng xen canh cây ăn quả, đặc biệt là cây sầu riêng trong vườn cà phê hay việc cải tạo lại vườn tạp bằng các cây trồng mũi nhọn đang phát huy hiệu quả kinh tế ở địa phương. Vì vậy, mô hình này đã được nhân rộng, rất nhiều hộ gia đình, như ông Phạm Văn Khiêm, Nguyễn Văn Sinh (thôn Tân An), Phạm Văn Thái (thôn Lâm Tùng)... có thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm từ trồng xen canh cây ăn quả trong vườn cà phê. 

“Qua việc trồng xen canh cây ăn quả trong vườn cà phê tái canh, vườn cao su hết chu kỳ kinh doanh chuyển đổi sang cây cà phê và cải tạo lại vườn tạp bằng vườn cây ăn quả, bước đầu nhiều hộ nông dân xã Ia Chim xây dựng được thương hiệu mít, sầu riêng, sản phẩm có mặt ở nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh. Có thể khẳng định, chủ trương đa dạng hoá cây trồng chiến lược, trồng xen canh cây ăn quả có giá trị kinh tế cao trong vườn cà phê của Đảng bộ xã Ia Chim đang phát huy hiệu quả kinh tế và giúp người dân nâng cao đời sống một cách bền vững”- ông Trình khẳng định.  

Theo ông Lê Thế Trình, để người nông dân sản xuất thành công, trong những năm gần đây, xã mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng xen canh cây ăn quả trong vườn cà phê tái canh. Việc trồng xen cây ăn quả trong vườn đang trở thành một phong trào, ở xã có khoảng 300 hộ trồng xen canh cây ăn quả trên 300ha cà phê. 

Văn Nhiên

Chuyên mục khác