Xã hội hoá công tác xây dựng chợ: ​Nhìn từ chợ Kon Plông

18/06/2018 13:06

​Chợ Kon Plông là chợ đầu tiên trên địa bàn tỉnh thí điểm chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác theo hình thức xã hội hoá. Mặc dù đây là cách làm mới, chợ cũng chỉ mới được đưa vào khai thác, sử dụng, nhưng bước đầu đã cho thấy hiệu quả của hướng đi này...

Chợ Kon Plông cũ được đưa vào khai thác từ năm 2007 do Trung tâm môi trường và Dịch vụ đô thị quản lý. Trước khi được xã hội hoá, đây là chợ hạng 3 do nhà nước đầu tư. Diện tích chợ khi đó chỉ có hơn 1.100m2 với 77 hộ đăng ký kinh doanh, trong đó có 49 hộ kinh doanh cố định. Các ngành hàng, gian hàng kinh doanh trong khuôn viên chợ sắp xếp thiếu khoa học, chồng chéo gây ô nhiễm môi trường, hệ thống cơ sở hạ tầng sau một thời gian sử dụng đã xuống cấp...    

Nguyên nhân được xác định là do công tác quản lý lỏng lẻo, không hiệu quả nên hoạt động kinh doanh buôn bán ở chợ ngày càng èo uột, thu phí không đủ bù chi nên không có khả năng để tái đầu tư. Chính vì vậy, chợ Kon Plông ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được yêu cầu hoạt động kinh doanh, buôn bán ở chợ, tiểu thương chán nản...

Trước thực trạng đó, UBND huyện Kon Plông cũng như các hộ kinh doanh trong chợ đều mong muốn được đầu tư và chuyển đổi mô hình quản lý chợ, kinh doanh và khai thác chợ để hình thành một trung tâm thương mại của địa phương khang trang, sạch đẹp, đảm bảo các yêu cầu về môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ...Qua đó, thu hút được nhiều người dân, du khách đến trao đổi mua bán hàng hoá nhằm tăng thêm lợi nhuận cho tiểu thương trong chợ và nguồn thu ngân sách của địa phương...

Khu nhà lồng khang trang, sạch sẽ. Ảnh: T.H

 

Năm 2016, chợ Kon Plông được UBND tỉnh đồng ý giao cho Công ty TNHH Mỹ Long Măng Đen làm chủ đầu tư xây dựng, khai thác, quản lý với tổng kinh phí đầu tư khoảng 39 tỷ đồng, tổng diện tích xây dựng khoảng 31.080m2.

Sau gần 2 năm triển khai xây dựng, đến tháng 3 vừa qua, chợ Kon Plông đã hoàn thành việc đầu tư giai đoạn 1 với kinh phí thực hiện khoảng 20 tỷ đồng và đã được đưa vào khai thác, sử dụng. Chợ gồm có một số các hạng mục chính như khu nhà lồng; khu giết mổ gia súc gia cầm; khu buôn bán tạp hoá; khu buôn bán bách hoá tổng hợp tập trung.... Công ty TNHH Mỹ Long Măng Đen đã thực hiện phân bổ các gian hàng cho các tiểu thương một cách công khai, minh bạch, công bằng theo hình thức thuận mua vừa bán và bốc thăm lấy lô, gian hàng.

Đến chợ Kon Plông bây giờ, chúng ta sẽ thấy được sự đổi khác rõ rệt so với trước. Lối đi thông thoáng, mặt nền cao ráo, các quầy sạp, ki ốt rộng rãi, sạch đẹp, được bố trí thuận lợi nên lượng hàng hóa nhiều hơn, phong phú hơn. Trời mưa, nắng cũng không ảnh hưởng gì đến việc buôn bán, bên trong chợ. Hạ tầng về điện, cấp thoát nước, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường… được bố trí đầy đủ, khoa học, tiện lợi cho các tiểu thương và khách hàng. Qua đó, đã thu hút được nhiều tiểu thương vào kinh doanh, buôn bán trong chợ.

Hiện tại, chợ Kon Plông đã có 123 hộ vào kinh doanh, trong đó có 48 hộ kinh doanh trong ki ốt, 55 hộ kinh doanh sạp trong khu nhà lồng, 20 hộ kinh doanh không cố định. Để hỗ trợ và đồng hành cùng tiểu thương, Công ty TNHH Mỹ Long Măng Đen thực hiện miễn thu phí mặt bằng trong 2 năm đầu đối với vị trí kinh doanh tập trung.  Các tiểu thương đều bày tỏ sự hài lòng, niềm vui khi được buôn bán trong chợ mới.

Theo đánh giá của Sở Công thương, rõ ràng việc xây dựng chợ theo hình thức xã hội hoá đạt được những hiệu quả nhất định. Điều này không chỉ góp phần giải quyết bài toán khó về nguồn kinh phí xây dựng, nhân lực, cách quản lý vận hành chợ…, mà còn góp phần phát huy và khai thác các nguồn lực về vốn, đất đai một cách có hiệu quả nhằm phục vụ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ sự thành công bước đầu của việc chuyển đổi mô hình đầu tư, khai thác, quản lý  ở chợ Kon Plông theo hình thức xã hội hoá, ông Võ Xuân Sơn – Phó Giám đốc Sở Công thương chia sẻ: Đây sẽ là cơ sở, tiền để để Sở Công thương tiếp tục nhân rộng mô hình quản lý, khai thác chợ này trên địa bàn tỉnh. Từ thực tế việc triển khai công tác xã hội hoá xây dựng chợ ở Kon Plông, có thể thấy, để thực hiện thành công chủ trương này, trong quá trình chuyển đổi, các cấp, các ngành, chủ đầu tư phải tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận của tiểu thương; đồng thời phải đảm bảo hài hoà lợi ích của tiểu thương sau khi vào hoạt động ở chợ mới. Đặc biệt, việc bố trí, sắp xếp gian hàng phải công khai, công bằng, áp dụng mức thu phí phải phù hợp, không để tiểu thương bị thiệt thòi... Có như vậy, việc triển khai công tác xã hội hoá xây dựng chợ mới mang lại hiệu quả thiết thực.

Xã hội hoá xây dựng chợ là bước đi mới, trên thực tế sẽ không tránh khỏi những khó khăn, bất cập. Tuy nhiên, đây là việc làm cần thiết để cắt giảm ngân sách bù lỗ cho các chợ, hạn chế sự lãng phí của chợ. Và chợ Kon Plông bước đầu đã làm được điều này.

Thiên Hương 

Chuyên mục khác