Xã Đăk Xú: Phát huy nội lực xây dựng nông thôn mới

09/06/2018 13:30

Không nằm trong diện xã điểm, nguồn vốn đầu tư có hạn, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở xã Đăk Xú (huyện Ngọc Hồi) đã vận động người dân phát huy nội lực; đồng thời lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án xây dựng nông thôn mới.

Để tìm hiểu sâu hơn về chuyển biến ở địa phương trong việc phát huy sức dân xây dựng nông thôn mới, chúng tôi về thôn Đăk Nông. Thấy tôi mải mê nhìn đường làng khang trang rợp bóng cao su, ông Triệu Văn Vang (người dân tộc Tày), Thôn trưởng thôn Đăk Nông khoe: Tuyến đường này do Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn chương trình 135 và người dân tự nguyện hiến đất, vật kiến trúc trên đất để xây dựng. Ngày trước chưa bê tông, con đường này mùa khô bụi bặm, mùa mưa lầy lội, việc đi lại khó khăn. Từ ngày có đường bê tông, việc vận chuyển nông sản thuận lợi và sản xuất phát triển hơn.

Ông Vang còn cho rằng, nếu trông chờ vào nguồn vốn Nhà nước thì việc xây dựng nông thôn mới sẽ gặp nhiều khó khăn. Ở thôn Đăk Nông cũng như nhiều thôn khác ở xã Đăk Xú, người dân biết đoàn kết phát huy nội lực xây dựng nông thôn mới. Ngay như việc xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, thôn Đăk Nông đóng góp kinh phí và công sức tu sửa lại hai lớp học mầm non xuống cấp (không sử dụng được xã giao cho) thành nhà sinh hoạt cộng đồng khang trang. 

Vườn cao su của gia đình ông A Klok. Ảnh: V.N

 

 Ở thôn Xuân Tân, người dân góp tiền, bỏ công sức xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng và tự nguyện hiến đất làm đường bê tông nông thôn. Điển hình như hộ gia đình A Klok (dân tộc Xơ Đăng) hiến 290m2 đất làm đường giao thông nông thôn và trên 1.200m2 đất cho nhiều hộ gia đình để mở rộng khu dân cư.

Khi cơ sở hạ tầng nông thôn thay đổi, sản xuất nông nghiệp ở địa phương có bước phát triển mạnh. Bằng phương thức lấy ngắn nuôi dài và tranh thủ sự hỗ trợ của địa phương từ các chương trình, dự án, người dân xã Đăk Xú tập trung vào việc phát triển mạnh các cây trồng chiến lược có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê…để giảm nghèo và làm giàu.

Theo ông Đào Tuấn- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Xú, tính đến nay, người dân trong xã phát triển được 1.117,4ha cao su, 418,5ha cà phê, 16,3ha tiêu, 162,5ha bời lời, 26,5ha cây ăn quả (chủ yếu là chanh dây)…Cây trồng giúp cho người dân nâng cao đời sống và có thu nhập ổn định là cao su và cà phê.

Mô hình rau an toàn trong khu nhà lưới ở thôn Ngọc Phúc. Ảnh: V.N

 

Điển hình như gia đình ông A Klok (thôn Đăk Trang), từ phương thức lấy ngắn (trồng mì) nuôi dài, đến nay gia đình ông phát triển 7ha cà phê, 8ha cao su, trong đó có 5ha cà phê và 3ha cao su đi vào kinh doanh. Năm 2017, chỉ riêng cà phê ông thu gần 1 tỷ đồng, trừ hết chi phí còn lãi gần 600 triệu đồng. Ông A Xem (thôn Chiên Chiếc) phát triển được 30ha cao su. Từ lâu ông A Klok, ông A Xem sắm được xe ô tô con, xe tải phục vụ cho việc đi lại của gia đình và sản xuất. Giỏi làm giàu và biết chia sẻ với người dân trong xây dựng nông thôn mới, năm vừa qua, gia đình ông A Klok được tỉnh chọn dự Hội nghị đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ 5.

Bên cạnh các cây trồng chiến lược, người dân xã Đăk Xú còn đi đầu trong việc thực hiện mô hình mới như trồng rau an toàn. Ở mô hình mới này, nhiều hộ trồng rau an toàn khá thành công. Điển hình như hộ gia đình Ông Thế Hồng, Trần Thị Mai, Nguyễn Trung Đông (thôn Ngọc Phúc) được sự hỗ trợ của Chi cục Quản lý nông lâm và thủy sản tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ xây dựng Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Ngọc Yên 365. Các thành viên trong Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn lãi từ 150-400 triệu đồng/thành viên/năm.  

Ông Nguyễn Trung Đông cho biết, tuy mới đi vào chuyên canh 5 sào rau an toàn trong vòng hơn 2 năm trở lại đây, nhưng bình quân mỗi năm sau khi trừ hết chi phí, ông lãi từ 150-200 triệu đồng. “Thông qua Báo Kon Tum, chúng tôi mong huyện tạo điều kiện cho Tổ hợp tác mở cửa hàng rau an toàn tại thị trấn để đầu ra sản phẩm ổn định và người dân biết đến rau an toàn”-ông Đông bộc bạch.

Đánh giá lại việc xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Hữu Bảng-Chủ tịch UBND xã Đăk Xú khẳng định, phát huy sức dân xây dựng nông thôn mới và tranh thủ các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, đến nay, diện mạo nông thôn và đời sống người dân có nhiều thay đổi hơn so với trước. Với quyết tâm cao nhất, Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Đăk Xú phấn đấu đến năm 2020 đạt xã nông thôn mới.

                                                                      Văn Nhiên

Chuyên mục khác