Xã Đăk Tơ Lung: Tạo thế đi lên trong xây dựng nông thôn mới

18/09/2017 17:58

​Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện Kon Rẫy, Đảng ủy-UBND xã Đăk Tơ Lung tạo thế đi lên cho người dân trong xây dựng nông thôn mới. Nông thôn xã Đăk Tơ Lung đang có những chuyển biến tích cực, đời sống người dân ngày một nâng lên.

Vào thôn 7 xã Đăk Tơ Lung, chúng tôi thấy những đám nghệ xanh tốt ngay đầu làng thay cho cây mỳ, bắp. A Ngun- Thôn trưởng khoe: đám nghệ của nhà A Hùng đấy! Được dự án giảm nghèo tỉnh hỗ trợ giống, phân bón và chuyển giao kỹ thuật, A Hùng cũng như nhiều hộ dân ở đây phát triển cây nghệ vàng. Cây nghệ phù hợp với đất đai ở địa phương, sinh trưởng tốt. Năm ngoái cũng trồng 2 sào nghệ trên thửa đất này, A Hùng thu gần 30 triệu đồng. Chuyển đổi từ cây mỳ, bắp sang nghệ, nhiều hộ dân ở thôn 7 đang có thu nhập khá cao từ cây nghệ.

Vườn nghệ nhà A Hùng ở thôn 7. Ảnh: V.N

 

Để giúp người dân nhân rộng mô hình, A Ngun cho biết, năm nay Dự án giảm nghèo hỗ trợ cho 20 hộ dân thôn 7 trồng 2 ha nghệ. Trồng nghệ có giá trị kinh tế cao, người dân rất phấn khởi và tự tin với cây nghệ.

Giảm diện tích mỳ, nhiều hộ dân thôn 4 lại tham gia trồng cây bắp lấy thân cho Công ty Cổ phần thực phẩm và dược liệu Măng Đen nuôi dê cũng có thu nhập khá cao. U Đê, người có uy tín ở thôn 4 khẳng định: Tham gia trồng mấy sào bắp lấy thân, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, A Bay được Công ty Cổ phần thực phẩm và dược liệu Măng Đen trả hơn 10 triệu đồng. Trồng bắp lấy thân cho dê theo hợp đồng với Công ty này, bà con có thu nhập cao hơn trồng mỳ và bắp lấy hạt.        

Ở thôn 1, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc bằng phương thức lấy ngắn nuôi dài phát triển mạnh cây chuối mốc và cây ăn quả. Từ việc trồng các loại cây ngắn ngày như rau, ngô, đậu các loại, gia đình bà Ngọc mở rộng đầu tư phát triển được 3,5 ha chuối và 2 ha mít, xoài, chôm chôm, sầu riêng.

Vườn chuối mốc bà Ngọc. Ảnh: V.N

 

Trồng trên đất dốc, nhưng vườn chuối của bà Ngọc sinh trưởng tốt. Bụi chuối nào trong vườn cũng có những buồng chuối quả to, dài khá bắt mắt. Cây chuối mốc đang mở ra cho gia đình bà và nhiều hộ dân ở đây  hướng sản xuất mới để làm giàu và nâng cao đời sống.

Ở thôn 4, nhiều hộ dân phát triển mạnh cây cao su. Cây cao su giúp cho nhiều hộ dân ở đây có thu nhập khá cao. Ông A Boát trồng 2 ha cao su. Mặc dù mới đi vào khai thác từ năm 2016 và cạo theo chế độ D2 (ngày cạo ngày nghỉ), nhưng tính ra hiện nay, bình quân mỗi ngày ông có thu nhập 600 nghìn đồng. Còn ông Nguyễn Đức Tây trồng 5 ha cao su, trong đó có 2,5 ha cao su đi vào khai thác, bình quân mỗi ngày, ông Tây có thu nhập từ 700-800 nghìn đồng. “Cây cao su phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Trồng cao su có thu nhập cao và ổn định hơn các cây trồng khác”-ông Tây khẳng định. 

Theo ông Nguyễn Văn Thủy- Bí thư Đảng ủy xã Đăk Tơ Lung, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện, Đảng ủy, UBND xã cùng với các ngành hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, triển khai nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả để tạo thế đi lên cho người dân xây dựng nông thôn mới. Từ những mô hình sản xuất có hiệu quả và thông qua công tác tuyên truyền, vận động, người dân có ý thức xây dựng nông thôn mới.  

Nhờ xác định đúng hướng và nỗ lực tạo thế đi lên trong xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã Đăk Tơ Lung đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới. Các tiêu chí xã đạt được là quy hoạch, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, cơ cấu lao động, tổ chức sản xuất, giáo dục, văn hóa, môi trường và an ninh trật tự xã hội.

Đối với các tiêu chí còn lại, ông Nguyễn Văn Thủy cho biết xã đang tập trung sức lực và triển khai các giải pháp thực hiện để phấn đấu đến cuối năm 2018 đạt xã nông thôn mới.

                                                                  Văn Nhiên

Chuyên mục khác