16/04/2018 13:04
Đến các thôn làng ở xã Đăk Cấm, chúng tôi thấy các tuyến đường nhựa, bê tông mở ra khắp nơi. Nhà cửa người dân xây dựng được thực hiện theo quy hoạch và ngày càng khang trang hơn trước.
Trao đổi việc xây dựng nông thôn mới, ông Trần Xuân Liên (thôn 3) khẳng định, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, người dân trong thôn xây dựng tuyến đường bê tông dài 1km. Trước đây, khi chưa bê tông, đường đất pha cát mùa khô bụi lớp lớp, mùa mưa lầy lội và sạt lở khó đi lại. Việc xây dựng tuyến đường này, bên cạnh nguồn vốn Nhà nước, bình quân, người dân đóng góp 600.000 đồng/hộ, các hộ nghèo, hộ khó khăn được thôn miễn giảm.
“Từ ngày có đường bê tông, giá trị đất đai, vườn tược hai bên đường được nâng lên nhiều. Nông thôn đang dần dần trở thành phố thị!”-ông Liên bộc bạch.
|
Đánh giá cao Chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Lê Tử Tuấn ở thôn 3 cho biết: Bằng chủ trương, chính sách và việc tạo điều kiện của chính quyền địa phương phát triển kinh tế, nhất là phát triển cao su tiểu điền, đời sống người dân ổn định hơn trước. Gia đình tôi cũng trồng được 1,5ha cao su. Trong những tháng cao su đi vào khai thác, bình quân mỗi ngày cạo mủ (ngày cạo, ngày nghỉ - PV), gia đình thu được 600 nghìn đồng tiền bán mủ. Ngoài làm cao su, tôi còn tranh thủ làm thêm nghề thợ nề. Kể từ ngày có cây cao su đi vào khai thác, cùng với việc làm thêm nghề phụ, kinh tế gia đình phát triển.
Ông Tuấn bộc bạch thêm, gần 80% số hộ dân trong thôn 3 có cuộc sống ổn định là nhờ cây cao su. Trên thực tế, căn nhà ông Tuấn đang ở được xây dựng theo kiểu biệt thự khá khang trang chủ yếu là nhờ tiền bán mủ cao su. Trong nhà, ông trang bị các phương tiện sinh hoạt không thua kém gì các hộ gia đình khá giả trong nội thị.
Ở thôn Plei Klưng, chúng tôi thấy các tuyến đường bê tông được xây dựng dọc ngang theo quy hoạch. A Dih (người Ba Na) - Thôn trưởng thôn Plei Klưng khoe, được sự quan tâm của Nhà nước và với sự tham gia đóng góp người dân, các tuyến đường bê tông trong nội thôn được xây dựng lâu rồi. Có đường giao thông đi lại thuận lợi, đời sống người dân không còn khổ như xưa. Nguồn thu chính của người dân thôn Plei Klưng là nhờ cây cao su, mì và lúa. Để giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, A Dih mong các cấp chính quyền và các ngành quan tâm hỗ giống, phân bón và chuyển giao kỹ thuật trồng cây cà phê.
Nhìn lại quá trình xây dựng nông thôn mới, theo bà Võ Thị Lý - Chủ tịch UBND xã Đăk Cấm, bộ mặt cơ sở hạ tầng và đời sống người dân địa phương tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Về phát triển giao thông, xã có 20,5km đường liên xã, 5,8km đường nội thôn được nhựa hóa, bê tông hóa; 5,12km đường ngõ xóm được cứng hóa, không lầy lội vào mùa mưa. Về thủy lợi, xã có 5/8km kênh mương được bê tông. Hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất.
Trong sản xuất nông nghiệp, cao su là cây trồng chiến lược ở Đăk Cấm. Qua nhiều năm phát triển, đến nay, người dân trong xã phát triển trên 1.400 ha cao su. Đồng thời với việc phát triển cao su, xã giúp dân phát triển các mô hình lúa mới, mì cao sản, bò sinh sản, heo hướng nạc, gà siêu thịt, siêu trứng…Nhờ vậy, công tác xóa đói giảm nghèo có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo ở xã hiện chỉ còn 7%.
Bằng những nỗ lực trong việc xây dựng nông thôn mới, tính đến nay, xã Đăk Cấm đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới. Các tiêu chí đạt được là: quy hoạch, thủy lợi, điện, giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin-truyền thông, nhà ở khu dân cư, hộ nghèo, lao động có việc làm thường xuyên và quốc phòng-an ninh.
Bà Lý cho biết, năm 2018, xã Đăk Cấm có kế hoạch huy động các nguồn lực và vận động nhân dân đóng góp công sức đạt thêm 3 tiêu chí mới là trường học, cơ sở vật chất văn hóa và hệ thống chính trị-tiếp cận pháp luật. Với quyết tâm cao nhất, xã Đăk Cấm đang đặt nền móng quan trọng bảo đảm đến cuối năm 2019 đạt xã nông thôn mới.
Văn Nhiên