Xã Đăk Blà: Giải “bài toán” nâng cao thu nhập cho người dân

06/11/2017 06:07

​Đăk Blà (thành phố Kon Tum) là xã vùng ven, quỹ đất để mở rộng sản xuất không còn, việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế để xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống cho người dân gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy được vấn đề này, Đảng ủy, UBND xã tập trung vào phát triển hạ tầng giao thông nông thôn; rà soát quỹ đất, triển khai các biện pháp giải “bài toán” nâng cao thu nhập cho người dân.

Đẩy mạnh bê tông giao thông nông thôn

Dạo một vòng các thôn ở xã Đăk Blà, tôi thấy hầu như thôn nào cũng có đường bê tông nông thôn. Dừng lại tại làng Kon Tu 2, tôi biết người dân vừa mới khánh thành tuyến đường bê tông khang trang chạy dọc làng.

A Ban ở đầu làng khoe: Được Nhà nước quan tâm đầu tư, dân làng Kon Tu 2 vừa đóng góp công sức xây dựng tuyến bê tông này. Trước đây, đường làng chưa bê tông, mùa mưa nhiều đoạn đường lầy lội, việc đi lại và vận chuyển nông sản rất khó khăn. Giờ có đường bê tông, việc đi lại và vận chuyển nông sản thuận lợi rồi. Dân làng không còn vất vả như xưa nữa.  

Đường bê tông nông thôn được xây dựng ở các thôn. Ảnh: V.N

 

Phấn khởi trước tuyến đường bê tông giao thông nông thôn mới, A Kuưng như mở cờ trong bụng: Đường bê tông rộng 3,5m, dài gần 400m. Tham gia làm đường, người dân còn được xã chi trả 250 nghìn đồng/ngày công lao động. Người dân cảm ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.  

Theo Bí thư Đảng ủy xã Đăk Blà - Nguyễn Hải An, mặc dù không phải là xã điểm, nhưng bằng việc huy động các nguồn lực và lồng ghép chương trình 135, từ đầu năm đến nay, xã xây dựng 10 tuyến đường bê tông nông thôn dài hơn 3 km ở một số làng với tổng số vốn 2,7 tỷ đồng. Giao thông nông thôn phát triển không chỉ tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi, mà còn tạo điều kiện cho kinh tế địa phương phát triển.

Tạo chuyển biến trong sản xuất

Trao đổi việc sản xuất lúa, A Kuưng phấn chấn cho biết, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, người dân được các cấp chính quyền địa phương đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật thâm canh cây trồng. Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, người dân trong làng ai cũng biết dùng phân chuồng và mua các loại phân hóa học thâm canh lúa, năng suất lúa ngày càng tăng. Riêng vụ mùa này, năng suất lúa gia đình tôi đạt hơn 7 tạ/sào.

Để khẳng định thêm lời A Kuưng, A Ban khoe: Bây giờ người dân ai cũng biết thâm canh các loại giống lúa mới, năng suất lúa bình quân đạt từ 6-7 tạ/sào. Vụ mùa này, gia đình tôi sản xuất lúa hương thơm trắng, năng suất lúa đạt 8 tạ/sào. Tuy diện tích lúa ruộng bình quân mỗi gia đình chỉ có vài sào, nhưng nhờ sản xuất hai vụ nên không ai thiếu lương thực. Ngoài làm ruộng, nhiều người còn làm thợ nề, cạo mủ cao su…Đời sống người dân những năm gần đây có nhiều chuyển biến hơn trước. 

Lúa vụ mùa đạt năng suất cao. Ảnh: V.N

 

Đặc biệt trong năm nay, xã ký kết với Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10) chương trình phối hợp về công tác dân vận. Trung đoàn 28 giúp nhiều hộ ở thôn Kon Hring phát triển các loại rau, bầu, bí, đậu cô ve trong vườn nhà. Việc xây dựng các mô hình rau, quả từng bước giúp người dân có thêm nguồn thực phẩm để cải thiện bữa ăn.  

Theo Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hải An, để giải “bài toán” nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố, ngoài việc ưu tiên phát triển giao thông, xã Đăk Blà rà soát lại quỹ đất, xây dựng thêm một số mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hình thức tổ hợp tác; đồng thời tiếp tục mở rộng việc đào tạo nghề, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, giúp người dân thâm canh nâng cao năng suất cao su, lúa, bắp, mía, mỳ, rau củ quả và vỗ béo bò…nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo và nâng cao đời sống cho người dân.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác