Xã Chư Hreng: Khắc phục khó khăn, giải bài toán thu nhập cho dân

06/09/2017 18:01

​Chư Hreng là xã vùng ven của thành phố Kon Tum, việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân theo tiêu chí nông thôn mới gặp nhiều khó khăn. Để giải bài toán khó khăn này, trong những năm gần đây, Đảng ủy, UBND xã có nhiều nỗ lực trong việc giải “bài toán” nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo ông Nguyễn Văn Luận - Chủ tịch UBND xã Chư Hreng, đất đai ở đây pha cát, nhẹ, mùa mưa dễ bị cuốn trôi, bạc màu. Nắng lên đất cứng như đá, cuốc bổ không xuống. Vì vậy, việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân gặp nhiều khó khăn.

Đường ra khu sản xuất ở Chư Hreng được bê tông hóa rất thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Ảnh: V.N

 

Để giải “bài toán” nâng cao thu nhập, ngoài việc phối hợp đào tạo nghề, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật cho người dân thâm canh, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, xã còn phối hợp với các ban, ngành của thành phố tạo điều kiện cho nhiều người dân xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Theo đó, đến nay xã có khoảng 20 công dân tham gia lao động tại Ả-rập Xê-út. Các công dân này hàng tháng gửi về nhà hàng chục triệu đồng.

“Bên cạnh đó, xã khuyến khích con em học tập tìm kiếm cơ hội việc làm, mở các lớp đào tạo nghề, tạo điều kiện cho người dân tìm kiếm việc làm ở các cơ sở sản xuất công nghiệp; duy trì nghề chẻ đá để ổn định cuộc sống. Nếu cứ bám hết vào đất, lăn lộn ở mặt trận nông nghiệp thì sẽ khó giải quyết được tiêu chí thu nhập”- ông Luận chia sẻ.  

Thật vậy, tìm các mô hình sản xuất nông nghiệp có thu nhập cao ở xã Chư Hreng thật khó. Theo lời giới thiệu Lê Anh Cường - Chủ tịch Hội Nông dân xã, chúng tôi gặp một số nông dân sản xuất khá ở địa phương, nhưng thu nhập vẫn còn bấp bênh. Ông Nguyễn Văn Nhạ (thôn Diêm Trung) bộc bạch: Gia đình sản xuất nhiều loại cây trồng như môn, gừng, mía, mì, bắp, đậu phụng, cao su; nuôi heo… Cây cao su chưa đến thời điểm thu hoạch; nuôi heo gặp thời điểm mất giá, không lãi. Năm nào thuận lợi, gia đình thu khoảng hơn 100 triệu đồng (đã trừ chi phí sản xuất). Gặp năm sản xuất mất mùa, mất giá, thu nhập gia đình không đáng là bao.

“Năm nay, mì mất giá, gia đình chuyển sang trồng cây chanh dây và cây nghệ. Vườn chanh dây 5 sào mới cho thu trái bán được 2 triệu đồng. Tuy nhiên, đất vườn nắng lên khô cứng, không tơi xốp nên vườn chanh dây chậm phát triển. Còn nghệ phải vài tháng nữa mới thu hoạch, không biết giá cả như thế nào”- ông Nhạ tâm sự.

Vào thôn Kon La Klah, tôi gặp ông Phạm Văn Sử. Ông Sử được đánh giá là nông dân nhanh nhạy trong sản xuất. Mấy năm trước, ông Sử từng nổi tiếng với việc đưa giống vịt trời từ ngoài Bắc vào nuôi khá thành công ở Chư Hreng. Hiện nay, ông vẫn còn nuôi vịt trời, nhưng đầu ra sản phẩm gặp khó khăn nên ông không còn mở rộng nuôi như trước. Tuy nhiên, năm nay, ông lại tiên phong đưa giống nghệ Q1 (lấy từ tỉnh Đăk Lăk) vào trồng thử nghiệm 2,5ha ở địa phương. Cây nghệ Q1 được ông sản xuất hiện đang sinh trưởng tốt.

Giống nghệ cao sản Q1  được trồng ở xã Chư Hreng. Ảnh: V.N

 

“Giống nghệ Q1 là giống nghệ cao sản. Năng suất nghệ sản xuất ở Đăk Lăk bình quân đạt 30 tấn/ha. Nếu trồng nghệ Q1 thành công, gia đình sẽ cung ứng giống cho người dân trên địa bàn sản xuất mạnh trong những năm đến” - ông Sử dự tính.

Theo đánh giá, tính đến nay, xã Chư Hreng đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới. Các chí tiêu nông thôn mới xã đạt được là: quy hoạch, thủy lợi, điện, cơ sở vật chất văn hóa, thương mại, nhà ở, thông tin, lao động có việc làm, giáo dục, văn hóa, môi trường và hệ thống chính trị.  

Để tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao thu nhập bình quân đầu người, ông Luận cho biết, xã tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp như: Lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo với Chương trình xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện cho người nghèo vay vốn; mở rộng việc đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi và đẩy mạnh việc chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho người dân.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác