23/12/2020 13:02
Chỉ còn ít ngày nữa chúng ta sẽ chia tay năm 2020, một năm nhiều biến động, đầy gian nan, thử thách, cả về kinh tế và xã hội. Trong đó, đáng kể nhất là dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thiên tai hoành hành khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề, đời sống người dân gặp không ít khó khăn.
Dù không có số liệu thống kê cụ thể về thiệt hại do dịch bệnh Covid- 19 gây ra, nhưng chỉ với 18 doanh nghiệp và 1 hợp tác xã phải giải thể; 79 doanh nghiệp, 3.782 hộ kinh doanh cá thể và 7 hợp tác xã phải tạm dừng hoạt động, đồng nghĩa với hàng ngàn lao động mất việc làm, cũng đủ để nói lên tác động khủng khiếp của nó.
Thiên tai cũng để lại hậu quả ghê gớm không kém. 2.045 căn nhà, nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật xã hội ở các địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại; 2.644 ha cây trồng bị ảnh hưởng; hàng ngàn con gia súc, gia cầm bị chết, nước cuốn trôi; hệ thống giao thông, điện thiệt hại nặng nề.
|
Tuy nhiên, càng ở thời điểm khó khăn thì những kết quả đạt được càng có giá trị. Vượt qua gian nan, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã quyết liệt hành động, đổi mới cách làm, tranh thủ thời cơ, phát huy tinh thần đoàn kết, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện “mục tiêu kép” đã đề ra.
Những con số thống kê về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 đủ để những người "khó tính" nhất cũng phải hài lòng. Một thông tin rất phấn khởi là 11/13 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,39% so với năm 2019; tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh đạt 177.139 ha đạt 103,6% kế hoạch và tăng 3,65% so với năm 2019. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 7.150 tỷ đồng, đạt 100% so với kế hoạch và bằng 112,78% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3,5% so với năm 2019; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt khoảng 31,5 triệu đồng...
An sinh xã hội được chú trọng; chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 được thực hiện khẩn trương, kịp thời, đúng đối tượng. Chất lượng giáo dục tiếp tục được cải thiện; chất lượng khám, chữa bệnh ngày một nâng lên; cải cách thủ tục hành chính được thực hiện mạnh mẽ, kỷ luật, kỷ cương hành chính được chú trọng; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Với một số người, đây đơn thuần chỉ là con số thống kê và báo cáo. Nhưng đằng sau những con số đó chứa đựng mồ hôi, nước mắt của người nông dân hai sương một nắng, sự trăn trở của những doanh nghiệp, và hơn hết là sự quyết liệt, linh hoạt trong lãnh đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự nỗ lực trong thực thi chính sách của các cấp, các ngành.
Và tôi đặc biệt ấn tượng với những gì mà cộng đồng doanh nghiệp đã làm trong "bão" Covid- 19, không chỉ để tồn tại, mà còn để phát triển, không chỉ vì lợi nhuận, mà còn vì hàng nghìn, hoặc hàng chục nghìn lao động có việc làm, lo được bữa cơm, manh áo hàng ngày.
Dù không ít doanh nghiệp không thể trụ lại được, phải giải thể, phá sản, nhưng nhiều doanh nghiệp đã chủ động và tích cực tìm hướng chuyển đổi hình thái kinh doanh, thậm chí tận dụng cơ hội để bứt phá, tiếp tục hoạt động. Họ điều chỉnh thời gian làm việc; duy trì số lượng nhân công; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để thích ứng với tình hình mới. Họ tận dụng tốt cơ hội để tiếp cận, khai thác thị trường nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh.
|
Biểu đồ phát triển doanh nghiệp không chỉ có một màu xám, bởi từ đầu năm đến nay, đã có 323 doanh nghiệp được thành lập mới, với tổng vốn điều lệ đăng ký là 2.644 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 3.555 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 57.710 tỷ đồng.
Trong bối cảnh khó khăn, gian nan của năm 2020, những kết quả mà toàn Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh ta đạt được xứng đáng là kỳ tích.
Tuy nhiên, nhiều thành tựu không có nghĩa là chúng ta không có những hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Như Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn đã phát biểu trước Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa XI, tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch; hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn; doanh thu từ hoạt động du lịch giảm; thu ngân sách không đạt theo dự toán; tiến độ giải ngân vốn đầu tư còn chậm… là những tồn tại cần được thẳng thắn nhìn nhận để có giải pháp khắc phục trong năm 2021.
Chưa kể đến những diễn biến phức tạp trong quản lý khoáng sản, quản lý bảo vệ rừng, vi phạm về quy hoạch, đất đai, xây dựng và trật tự đô thị vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, đời sống chưa phổ biến; chất lượng một số dịch vụ y tế và nguồn nhân lực tuyến cơ sở còn hạn chế. Công tác đấu tranh với các loại tội phạm có lúc, có nơi chưa hiệu quả; tai nạn giao thông tăng ở cả 3 tiêu chí...
Chuẩn bị bước vào năm 2021 với dự báo nhiều thuận lợi và cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, tỉnh ta đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng GRDP của tỉnh từ 10% trở lên; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 3.500 tỷ đồng; thành lập mới 380 doanh nghiệp; giá trị xuất khẩu đạt 162 triệu USD; khách du lịch đến tỉnh đạt 1,5 triệu lượt; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm ít nhất 4%…
Con đường đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững còn dài và còn nhiều gian nan. Ngay từ lúc này, mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân cần khẩn trương bắt tay vào triển khai nhiệm vụ của năm 2021, với quyết tâm “vượt lên chính mình”, bám sát thực tiễn, hành động quyết liệt.
“Vượt qua gian nan, lập nên kỳ tích” tiếp tục là mục tiêu hướng tới.
Hồng Lam