Vướng mắc nguồn vật liệu đất đắp, công trình “nằm chờ”

21/07/2023 06:05

Nhiều công trình, dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh đang phải tạm dừng thi công hoặc thi công cầm chừng do thiếu nguồn nguyên vật liệu đất đắp, từ đó, nguy cơ công trình chậm tiến độ. Đây là khó khăn khiến các chủ đầu tư đau đầu trước áp lực về tiến độ và giải ngân nguồn vốn đầu tư.

Theo báo cáo của các chủ đầu tư, hiện tại ngoài vướng mắc khó khăn về đền bù giải phóng mặt bằng tại các dự án trọng điểm đang chậm tiến độ, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công thì có nhiều công trình còn vướng mắc không thể thi công hoặc thi công cầm chừng do thiếu nguồn vật liệu đất đắp.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay nhiều đơn vị chủ đầu tư gặp khó khăn về nhu cầu đất đắp để thi công xây dựng các công trình xây dựng cơ bản. Trong đó, riêng các dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư có nhu cầu đất đắp để triển khai trong giai đoạn 2023-2025 là rất lớn với khoảng trên 2 triệu m3. Đó là chưa kể khối lượng đất đắp còn thiếu để triển khai các dự án trong giai đoạn 2021-2022 (khoảng trên 1,5 triệu m3) do chưa đảm bảo nguồn cung cấp.

Tuyến đường tránh phía Tây thành phố Kon Tum thi công cầm chừng ở những phần việc có thể thi công. Ảnh: P.N

 

Đơn cử như tại dự án Đường trục chính phía Tây thành phố Kon Tum cần khoảng 570.000 m3 đất đắp; Dự án Kè chống lũ lụt, sạt lở các làng đồng bào DTTS dọc sông Đăk Bla trên địa bàn thành phố Kon Tum (tuyến bờ Bắc - đoạn từ làng Kon Hra Chót đi làng Kon Tum Kơ Nâm, Kon Klor1 và Kon Tum Kơ Pơng) cần 690.000 m3 đất; dự án Khai thác quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng đường bao khu dân cư phía Bắc thành phố Kon Tum (đoạn từ đường Trần Phú đến cầu treo Kon Klor) cần khoảng 1.580.000 m3 đất; dự án Đường bao khu dân cư phía Nam thành phố Kon Tum (gói thầu xây lắp số 02) cần khoảng 188.000 m3 đất; dự án Khai thác quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng đường bao khu dân cư phía Nam thành phố Kon Tum (đoạn từ đường Hồ Chí Minh đến cầu treo Kon Klor) cần khoảng 459.000 m3; dự án Khai thác quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng khu du lịch Ngục Kon Tum cần 190.000 m3 và dự án Đường dẫn vào cầu số 03 qua sông Đăk Bla gắn với chỉnh trang đô thị cần 50.000 m3.

Theo các nhà thầu thi công, nhu cầu nguồn đất đắp phục vụ thi công các công trình là rất lớn như vậy, nhưng hiện tại, trên địa bàn tỉnh không có mỏ đất nào được cấp phép khai thác còn thời hạn. Việc này đã ảnh hưởng lớn đến quá trình triển khai thi công và nguy cơ công trình sẽ chậm tiến độ.

Thực tế tại công trình Đường trục chính phía Tây thành phố Kon Tum, phóng viên chúng tôi nhận thấy chỉ lèo tèo một vài công nhân, kỹ sư đang thi công các trụ, mố cầu và đúc dầm cầu. Còn nền đường cũng chỉ mới đắp đất được vài trăm mét (từ trong năm 2022) chưa tới mố cầu đầu tiên đã hết đất, phải dừng thi công nền đường. Điều đáng nói, dự án này là tuyến đường mới, chủ yếu đi qua những cánh đồng sình lầy nên cần lượng đất đắp khá lớn với khoảng 570.000 m3. Tuy nhiên, hiện nay, do những mỏ đất chưa được cấp phép khai thác nên nhà thầu thi công không thể tiến hành thi công các phần việc tiếp theo.

Dự án Kè chống lũ lụt, sạt lở các làng đồng bào DTTS dọc sông Đăk Bla trên địa bàn thành phố Kon Tum ngừng thi công do thiếu đất đắp. Ảnh: PN

 

Trong khi đó, tại dự án Kè chống lũ lụt, sạt lở các làng đồng bào DTTS dọc sông Đăk Bla trên địa bàn thành phố Kon Tum (đoạn từ cầu số 1 đến cầu treo Kon Klor) đã có mặt bằng nhưng nhà thầu không thể tiếp tục triển khai thi công cũng bởi do không có đất đắp. Hiện tại, trên công trường không một bóng công nhân thi công.

Tương tự, tại dự án Đường bao khu dân cư phía Nam thành phố Kon Tum (gói thầu xây lắp số 02) trong năm 2022 nhà thầu thi công đã tiến hành đắp nền mặt được gần 1km nhưng nay cũng không có công nhân máy móc thi công và đành phải chờ có đất.

 Theo một số nhà thầu thi công, do chưa có nguồn vật liệu đất đắp để thi công nền đường nên chưa thể triển khai các hạng mục hạ tầng phía trên như hệ thống cống, rãnh, hào kỹ thuật, hệ thống điện ngầm cũng như các kết cấu mặt đường, vỉa hè bên trên. Nếu tình trạng này kéo dài thì có thể làm chậm thêm tiến độ hoàn thành dự án.

Một nhà thầu thi công (đề nghị không nêu tên) cho biết: Công ty chúng tôi đang thi công 2 dự án tại thành phố Kon Tum, cả 2 công trình đều có số lượng đất đắp khá lớn nhưng do không có đất nên từ đầu năm 2023 đến nay không thể thi công được. Chúng tôi đã đấu giá trúng mỏ đất nhưng đến nay chưa được cấp phép khai thác vì còn vướng nhiều thủ tục, công trình không thể tiếp tục thi công, do đó, chúng tôi đành cho công nhân tạm nghỉ.

Ông Võ Đại Tân- Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý dự án tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh cho biết: Hiện tại các dự án được giao cho Ban làm chủ đầu tư, nhu cầu đất đắp để triển khai trong giai đoạn 2023-2025 là rất lớn, khoảng trên 2 triệu m3 đất. Tại một số dự án, sau khi tháo gỡ được về đền bù, giải phóng mặt bằng đến khâu thi công lại gặp khó khăn về vật liệu đất đắp nên cũng không thi công được. Trước những khó khăn này, Ban cũng đã báo cáo và kiến nghị UBND tỉnh cùng các ngành liên quan sớm xem xét tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

“Mong rằng, UBND tỉnh và ngành chức năng sớm có giải pháp gỡ những vướng mắc về nguyên liệu đất đắp để các đơn vị thi công có nguyên liệu tiếp tục thi công, đẩy nhanh tiến độ các dự án”- ông Tân mong muốn.       

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác