Vườn Quốc gia Chư Mom Ray: Dựa vào dân bảo vệ rừng

13/12/2017 18:01

​Dựa vào dân để bảo vệ rừng theo chính sách dịch vụ môi trường rừng, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray bảo vệ có hiệu quả tài nguyên rừng và góp phần nâng cao đời sống cho người dân vùng đệm.

Vườn Quốc gia Chư Mom Ray có 56.249,2ha rừng, đất rừng, trải dài trên địa bàn các xã Rờ Kơi, Sa Nhơn, Sa Sơn, Mô Rai, thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy), Sa Loong, Bờ Y, Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi) và tiếp giáp với Campuchia.

Theo ông Đào Xuân Thủy - Phó giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, trước yêu cầu đặt ra trong công tác bảo vệ rừng và dựa vào dân để bảo vệ rừng, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray coi trọng việc giao khoán rừng cho dân để vừa bảo vệ được rừng vừa giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện sinh kế và nâng cao đời sống.

Người dân trồng sa nhân dưới tán rừng Chư Mom Ray. Ảnh: V.N

 

Để hiểu hơn về chủ trương này, chúng tôi về thôn 2, xã Sa Sơn. Ông Nguyễn Văn Bàng - Tổ trưởng Tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng cho biết: Cộng đồng được Vườn Quốc gia Chư Mom Ray giao khoán 265ha rừng theo chính sách dịch vụ môi trường rừng. Mức giao khoán 388 nghìn đồng/ha rừng/năm. Việc giao rừng được tính từ quý IV/năm 2016 đến năm 2020. Cộng đồng có 11 hộ, chia làm 2 nhóm. Hàng tuần, các nhóm thay phiên nhau đi tuần tra bảo vệ rừng.

“Việc bảo vệ rừng được thực hiện dưới sự kiểm tra, giám sát của Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ba Rgook (Vườn Quốc gia Chư Mom Ray). Ngoài việc kiểm tra rừng theo định kỳ, nếu thấy có dấu hiệu bất thường, Tổ và Trạm phối hợp với nhau kiểm tra đột xuất để kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng. Do việc thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng, từ khi nhận rừng đến nay, cộng đồng luôn bảo vệ tốt tài nguyên rừng được giao” - ông Bàng nói.  

Khẳng định thêm lời ông Bàng, ông Lê Văn Khái tham gia trong nhóm hộ bảo vệ rừng của cộng đồng thôn 2 cho biết, nhận tiền dịch vụ môi trường rừng, các thành viên trong nhóm đều xác định rõ trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Rừng được bảo đảm an toàn.

Tiếp tục vào thăm rừng giao khoán cho cộng đồng thôn 1, xã Sa Sơn, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Sơn. Là người dân vùng đệm, gắn bó với rừng và được cộng đồng tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ quản lý bảo vệ rừng, ông Sơn thừa nhận việc giao khoán rừng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của Vườn góp phần giúp cho người dân có thêm nguồn thu để mở rộng sản xuất và cải thiện đời sống. Trong cộng đồng thôn 1 có 11 hộ được giao quản lý bảo vệ 315ha rừng và chia làm 3 nhóm thay phiên nhau tuần tra bảo vệ rừng. Từ ngày nhận khoán, rừng được bảo vệ tốt, không bị xâm hại. Để giúp bà con có thêm thu nhập, ông Sơn đề nghị Vườn tiếp tục tăng cường giao khoán thêm rừng cho cộng đồng.  

Đồng hành với người dân, ông Nguyễn Văn Quý - Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ba Rgook cho biết: Trạm được giao quản lý và theo dõi rừng giao khoán cho 3 cộng đồng ở xã Sa Sơn. Rừng được giao khoán không chỉ được cộng đồng bảo vệ tốt mà còn giúp cho người dân có thêm thu nhập để cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống. Tăng cường giao khoán, dựa vào dân là phương thức tốt nhất để bảo vệ có hiệu quả tài nguyên rừng.   

Dựa vào dân để bảo vệ rừng, ông Đào Xuân Thủy cho biết, đến nay, Vườn giao 16.391ha rừng (trong đó có 3.391ha cung ứng dịch vụ môi trường rừng) cho 20 cộng đồng (565 hộ) vùng đệm các xã Rờ Kơi, Sa Nhơn, Sa Sơn, Mô Rai (Sa Thầy), Bờ Y, Sa Loong, Đăk Kan (Ngọc Hồi) bảo vệ. Ở các khu vực giao khoán cho cộng đồng dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các Trạm, tài nguyên rừng được bảo vệ tốt.

Dựa vào dân để bảo vệ rừng, trong thời gian đến, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray tăng cường giao khoán cho dân để góp phần giúp người dân vùng đệm có thêm thu nhập, cải thiện đời sống và bảo vệ tốt hơn tài nguyên rừng.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác