05/01/2025 06:37
Nỗ lực vượt khó
Năm 2024 tình hình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, do giá nguyên liệu đầu vào có thời điểm tăng mạnh, thị trường bất động sản chậm phục hồi, diễn biến thời tiết bất thường, làm ảnh hưởng đến sản lượng điện. Nhưng với quyết tâm chính trị cao, bằng những giải pháp linh hoạt, đồng bộ, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển.
Mặc dù không đạt được mục tiêu như mong đợi, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt ở mức khá cao (đạt 8,02%), đây vẫn là một kết quả đáng tự hào khi tỉnh ta đứng thứ 24 trong cả nước, năm thứ 3 liên tiếp dẫn đầu tốc độ tăng trưởng kinh tế trong các tỉnh Tây Nguyên.
Bức tranh kinh tế xuất hiện nhiều điểm sáng như GRDP bình quân đầu người tăng cao (tăng 8,95 triệu đồng so với năm 2023), cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, sản xuất công nghiệp, dịch vụ thương mại, xuất khẩu hàng hóa, khách du lịch, thu hút đầu tư đều vượt kế hoạch đề ra.
Theo đó, khu vực công nghiệp, dịch vụ thương mại tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, đóng góp tích cực vào tăng trưởng, phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Năm 2024, tổng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp, xây dựng đạt 13.842 tỷ đồng, chỉ số tăng trưởng đạt 12%. Trong đó, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều có mức tăng cao so với cùng kỳ năm 2023 như đá xây dựng khai thác tăng 12,22%, đường tăng 27,03%, gỗ cưa hoặc xẻ tăng 22,33%, điện sản xuất tăng 9,38%, điện thương phẩm tăng 10,1%.
|
Hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng ổn định với tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 ước khoảng 38.903 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023. Hàng hóa của tỉnh xuất khẩu thuận lợi vào các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hồng Kông, Singapore, Indonesia, Colombia, Đài Loan với tổng kim ngạch thu về ước đạt 406 triệu USD, tăng 13,09% so với năm 2023.
Đặc biệt, ngành du lịch tiếp tục cho thấy sự phục hồi ấn tượng, và là điểm sáng trong phát triển kinh tế của tỉnh trong năm qua. Toàn tỉnh đã thu hút được khoảng 2,3 triệu lượt khách, tăng 53,3%; tổng doanh thu đạt khoảng 690 tỷ đồng, tăng trên 32,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển đúng định hướng, đạt mức tăng trưởng tương đối cao, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của tỉnh.
Năm 2024, tổng giá trị tăng thêm của toàn ngành nông nghiệp là 8.443 tỷ đồng, tăng 27,12% so với cùng kỳ năm 2023. Điều đáng mừng, sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn đối với các loại cây trồng như cao su, cà phê, mía, cây ăn quả và một số loài cây dược liệu. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản của tỉnh.
Kinh tế- xã hội phát triển đã góp phần vào việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của các địa phương. Toàn tỉnh có thêm 5 xã nông thôn mới nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 53 xã.
Với những nỗ lực không ngừng trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư đã gặt hái được những kết quả tích cực, đóng góp những gam màu nổi bật trong tổng thể bức tranh kinh tế của tỉnh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước khoảng 30.000 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư từ khu vực tư nhân là 22.500 tỷ đồng, tăng 31,1% so với cùng kỳ. Thu hút 16 dự án đầu tư (ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế) với tổng vốn đăng ký khoảng 1.205 tỷ đồng, thêm 360 doanh nghiệp thành lập mới.
Dẫu vẫn còn những điểm chưa thực sự hài lòng, nhưng khách quan nhìn nhận, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, trở ngại, kết quả trong phát triển kinh tế năm 2024 rất đáng ghi nhận, thể hiện nỗ lực lớn của UBND tỉnh, của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong toàn tỉnh. Điều này đã được HĐND tỉnh thống nhất đánh giá tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XII vừa qua (từ ngày 4-6/12/2024).
Bứt phá để về đích
Kết quả năm 2024 là cơ sở, tạo niềm tin, động lực để tỉnh ta tiếp tục phấn đấu duy trì đà tăng trưởng, phát triển kinh tế, vững vàng bước vào giai đoạn phát triển mới. Trước mắt là năm 2025- năm cuối cùng và là năm có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2021-2025) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
Trên cơ sở nhận diện rõ thời cơ và thách thức, với tinh thần “Kỷ nguyên phát triển mới- Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam- Kỷ nguyên vươn mình của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum” như đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang nhấn mạnh, năm 2025, tỉnh ta đề ra nhiều chỉ tiêu kinh tế thể hiện quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.
Theo đó, tại Nghị quyết 89/NQ-HĐND (ngày 9/12/2024), tỉnh ta đặt mục tiêu, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt trên 10% (phấn đấu đạt 19,79%), GRDP bình quân đầu người trên 70,81 triệu đồng, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từ 5.000 tỷ đồng trở lên; tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ 32.700 tỷ đồng trở lên, thu hút trên 3 triệu lượt khách du lịch. Đồng thời, quyết tâm thực hiện cho được mục tiêu đến cuối năm 2025, huyện Đăk Hà và huyện Ngọc Hồi đạt huyện nông thôn mới; phấn đấu có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thêm 200 thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS.
|
Để đạt được những mục tiêu đề ra, trong phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 8, HĐND khóa XII, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu, UBND tỉnh và các cấp, các ngành, các địa phương cần bắt tay ngay công việc của năm 2025. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh, rút kinh nghiệm từ những hạn chế của 2024; đồng thời, bám sát tình hình thực tiễn của địa phương, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, gắn với tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, để hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của năm 2025.
Với tinh thần kỷ cương, trách nhiệm, hành động, UBND tỉnh xác định rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện. Trong đó, tập trung huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, để thúc đẩy phát triển bền vững; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển dược liệu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến; đầu tư phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ; tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao năng lực xuất khẩu những sản phẩm thế mạnh của địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt cải cách hành chính, cải thiện môi truờng đầu tư, kinh doanh nhằm nâng cao hiệu thu hút đầu tư vào địa bàn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh.
Năm 2025 là năm bứt phá, về đích để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh. Chặng “nước rút” có ý nghĩa rất quan trọng, dẫu còn nhiều thách thức phải đối mặt, song tin tưởng rằng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của tất cả các cấp, các ngành, tỉnh ta sẽ đạt được các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu của cả chặng đường 5 năm (giai đoạn 2020- 2025).
THÙY HƯƠNG