Vùng nguyên liệu đạt chuẩn

13/07/2023 13:02

Phát triển vùng nguyên liệu nông nghiệp đạt chuẩn, trên cơ sở liên kết bền vững với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Nếu sử dụng flycam bay trên khu vực xã Ia Chim, thành phố Kon Tum, ta sẽ thấy một khu vực trồng cây ăn quả rộng lớn. Đó là “cánh đồng lớn” mới được hình thành với diện tích 210,3ha.

Đó chỉ là một trong số các “cánh đồng lớn” ở thành phố Kon Tum- một mô hình sản xuất đang được đẩy mạnh, ứng dụng cho một số loại cây trồng chủ lực, như rau màu, lúa, mì cao sản, cao su, mía, cà phê, cây ăn quả ở địa phương.

Không chỉ thúc đẩy tích tụ ruộng đất, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, gắn với tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho người dân, các mô hình này còn là tiền đề để phát triển vùng nguyên liệu nông nghiệp đạt chuẩn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Và không riêng thành phố Kon Tum, hầu hết các huyện còn lại đều đã và đang rất nỗ lực trong việc hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản.

Quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Ảnh: T.H

 

Theo đánh giá của UBND tỉnh, thời gian qua, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã có bước đầu chuyển đổi tích cực, theo hướng hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi.

Trong đó, mở rộng diện tích các loại cây trồng, sản xuất có ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đạt 16.878,7ha. Hình thành 7 cánh đồng lớn với 4 loại cây trồng là cà phê, mía, bắp sinh khối, lúa nước tại các huyện theo mô hình liên kết sản xuất.

Duy trì 34 chuỗi liên kết trong hoạt động chăn nuôi và các chuỗi liên kết nông thủy sản, chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn các huyện; duy trì 59 trang trại, hộ chăn nuôi công nghệ cao áp dụng phương pháp nuôi chuồng kín.

Hiện đã có 25 tổ chức, cá nhân sản xuất nông sản áp dụng chương trình quản lý tiên tiến với tổng diện tích gần 608,5ha. Trong đó, diện tích cây trồng theo tiêu chuẩn Global GAP đạt 150ha; hữu cơ đạt 54,7ha; VietGAP đạt 235,8ha; Fairtrade Certificate đạt 168ha.

Có thể khẳng định, việc xây dựng được vùng nguyên liệu đạt chuẩn sẽ là khâu đột phá, giải quyết được các khâu tiếp theo trong chuỗi giá trị. Trên nền tảng này sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến, thương mại trong các vùng nguyên liệu nhằm cắt giảm khâu trung gian; giảm chi phí.

Đồng thời minh bạch hóa quy trình sản xuất và chất lượng nguyên liệu đầu vào cho chế biến và tiêu thụ; tăng cường giám sát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.

Phát triển các vùng nguyên liệu nông nghiệp còn giúp cho Nhà nước dễ dàng trong việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, qua đó giúp cộng đồng nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển các vùng nguyên liệu vẫn bộc lộ nhiều hạn chế.

Đó là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún vẫn phổ biến; thiếu sự hợp tác, liên kết giữa các hộ nông dân với nhau, giữa các HTX, tổ hợp tác và các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ; số nhà máy chế biến nông sản còn ít.

Một số vùng nguyên liệu đã được hình thành nhưng chưa được tổ chức và quản trị, hạ tầng phục vụ sản xuất và kinh doanh yếu kém, thiếu cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã số vùng trồng; chưa xây dựng được thương hiệu hàng hóa nông sản, nhất là ở các vùng nguyên liệu lớn phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Việc triển khai các chính sách của Nhà nước chưa được thực hiện đồng bộ, nhất là các chính sách về tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, quản lý chất lượng vùng trồng gắn với liên kết theo chuỗi giá trị.

Tăng sự liên kết giữa người dân với HTX và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Ảnh: TH

 

Tất cả những hạn chế trên cũng là những nguyên nhân dẫn đến chất lượng và tính cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp của tỉnh bị hạn chế; hiệu quả sản xuất chưa cao, trong khi rủi ro, lãng phí sản xuất còn cao.

Lợi nhuận của các nông hộ nhỏ còn thấp, sự kết hợp chưa chắc chắn giữa chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm; tỷ lệ sản phẩm tổn thất sau thu hoạch còn cao.

Trước yêu cầu đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập, việc hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, quy mô lớn và  ổn định lâu dài đang là bài toán cần được quan tâm giải quyết.

Qua đó, tạo động lực, khơi dậy được tiềm năng phát triển cho các địa phương để có thể mở rộng và phát triển các vùng nguyên liệu, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới thành công.

Một thuận lợi lớn là tháng 3/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025.

Tại Kon Tum, Đề án sẽ hỗ trợ thực hiện mở rộng vùng nguyên liệu cà phê với quy mô 6.500ha cà phê tại huyện Đăk Hà, bao gồm 5 dự án thành phần là: Đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết vùng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cà phê chè và cà phê vối; phát triển, củng cố, nâng cao năng lực cho hợp tác xã và thành viên trồng cà phê.

Hơn bao giờ hết, chính quyền và doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ cho các hợp tác xã, người dân; thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc. Thí điểm áp dụng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu.

Phát triển và nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp trong chuỗi giá trị nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và giảm giá thành sản phẩm nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến và tiêu thụ. Tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương.

Thành Hưng

Chuyên mục khác