12/08/2017 07:15
Hồi ức buổi “ra riêng”
“Bắt” được “sóng” ông Sô Lây Tăng - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh - đã khó, được trò chuyện một buổi với ông càng khó hơn. Bởi vì, dù tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng ông vẫn còn đi suốt, không đi thăm bạn bè thì về ở với bà con làng Nú Vai (xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei) quê mình.
Cũng vì vậy mà hẹn gặp được ông, tôi mừng rơn. Khi nghe tôi bày tỏ muốn nghe chuyện những ngày đầu tái lập tỉnh, đôi mắt ông như sáng bừng lên. Ông nói: Với những người đã từng công tác, gắn bó lâu dài cùng Kon Tum như mình, mỗi khi ngày 12/8 về, trong tim lại dâng trào cảm xúc. Yêu mến có, tự hào có, khâm phục cũng có. Bởi vượt qua bao khó khăn, gian khó, vùng đất nghèo nhưng vô cùng kiên trung và vững vàng khí tiết cách mạng đã và đang vững bước vươn tới từng ngày.
Nhắc đến những ngày đầu chia tách, ông cứ xuýt xoa: Quyết định tách tỉnh Gia Lai - Kon Tum thành hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum riêng biệt như trước giải phóng vào tháng 8/1991 được nhiều cán bộ và nhân dân địa phương ủng hộ cao. Về phần cá nhân mình, cũng cho rằng, việc chia tách tỉnh là rất phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước lúc bấy giờ. Nhờ có chia tách đó mà mỗi tỉnh có cơ hội tận dụng tiềm năng, tiềm lực riêng có của mình để phát triển với tốc độ nhanh hơn; cán bộ cũng sát dân hơn, chủ trương đưa ra phù hợp hơn.
Nhưng những ngày ấy đúng khó khăn thật. Khi hoàn tất thủ tục chia tách xong, anh em được phân công lên Kon Tum cùng nhau lên đường, toàn bộ vốn liếng được chia là... 3 tỷ đồng, chẳng thấm tháp vào đâu so với nhu cầu sửa chữa, dọn dẹp trụ sở làm việc của tỉnh, sở, ban, ngành, nói gì đến mở mang đường sá, khai phá đồng ruộng, xây dựng trường, trạm, điện, nước... trên địa bàn tỉnh.
Sau này, tôi cũng được nghe nhiều cán bộ lên Kon Tum nhận nhiệm vụ năm ấy kể lại, khi thành lập lại, Kon Tum là vùng sâu vùng xa, biên giới đầy khó khăn, dân số chỉ có 23 vạn người với 5 huyện, thị xã. Điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Ban đêm, đường phố không có ánh điện; ban ngày, nhiều điểm dân cư không có nước sinh hoạt; nhiều cơ quan chưa có trụ sở, phải thuê nhà dân để lấy chỗ làm việc…
Nhiều cán bộ có nhà ở dưới tỉnh Gia Lai nên thường là sáng sớm đầu tuần lọ mọ dậy, đi; cả tuần cơm niêu nước lọ ở cơ quan; chiều tối cuối tuần lại lọ mọ về. Tất cả cùng cảnh “ăn cơm tập thể, ngủ giường cá nhân”, nhưng mọi người đã cùng sát cánh bên nhau, người trước dẫn người sau, lấy công việc làm vui, động viên nhau vượt qua những ngày gian khó ấy bằng câu: đất lành, chim đậu…
Vững bước tương lai
Từng giữ nhiều chức vụ chủ chốt của tỉnh Gia Lai - Kon Tum trước đó và Kon Tum sau này, có thể nói, ông Ka Ba Tơ - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum là một trong những người chứng kiến và nắm bắt khá sâu sắc sự đổi thay của Kon Tum theo năm tháng.
|
Gợi nhớ về những ngày gian khó khi thành lập lại tỉnh, ông chỉ cười hiền: Khó khăn là hẳn nhiên rồi. Tôi còn nhớ, lên Kon Tum chưa “ấm chỗ”, đồng chí Sô Lây Tăng quyết định đích thân dẫn một phái đoàn đi... xin tiền Chính phủ. Đồng chí nói, không có gì phải ngại ngùng cả, bởi mình đi xin tiền về cho tỉnh mình, đầu tư cho dân mình, chứ đâu phải xin cho cá nhân đâu mà ngại.
Ông cho biết: Ngay sau khi tách, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Kon Tum đã lựa chọn cho mình một hướng đi đúng, xác lập lộ trình thích hợp, xây dựng tiền đề cho bước phát triển kế tiếp vững chắc hơn. Những quyết sách phát triển kinh tế - xã hội được triển khai; bài toán phát huy tối đa nội lực dựa trên cơ sở khai thác hợp lý lợi thế, tiềm năng của địa phương và các nguồn lực khác được “giải” một cách hiệu quả.
Một trong những yêu cầu hàng đầu đó là cán bộ, đảng viên phải nắm chắc, bám sát cơ sở, phải nói dân tin, làm dân theo. Bởi Đảng bộ, chính quyền muốn có chủ trương đúng thì phải bám sát dân, phải đi cơ sở nhiều, lắng nghe dân nói. Nghĩ cho cùng, mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng phải bắt nguồn từ cuộc sống- ông chia sẻ.
Ngẫm về chặng đường đã qua, những người đã từng gắn bó, đã từng góp sức cho sự phát triển ngày một bền vững của vùng đất này như ông Ka Ba Tơ đều cảm thấy tự hào. Ông so sánh: Nếu như năm 1992, thu nhập bình quân đầu người mới chỉ 88,6 USD, thì đến hết năm 2016 đạt hơn 1.400 USD; tổng thu ngân sách năm 2000 đạt gần 82 tỷ đồng, đến hết năm 2016 đạt gần 2.000 tỷ đồng. Văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng đều có bước chuyển mạnh mẽ. Khi tái lập tỉnh, tỷ lệ hộ đói, nghèo trên 65%, đến cuối năm 2016, toàn tỉnh không còn hộ đói kinh niên, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) giảm xuống còn 23,03%.
Sau 26 năm chia tách, hệ thống hạ tầng cơ sở, đặc biệt là mạng lưới giao thông đã toả về khắp các huyện, xã trong tỉnh. Trước đây Kon Tum bị xem là ngõ cụt thì nay thông thương đi mọi hướng: Phía bắc, đường Hồ Chí Minh nối với Quảng Nam, Đà Nẵng; phía nam xuôi về Gia Lai, Bình Định; phía tây qua Lào, Campuchia; phía đông theo Quốc lộ 24 xuống Quảng Ngãi… Rồi các tuyến Quốc lộ 14C, 40B, đường Đông Trường Sơn, Nam Quảng Nam đã thông thương. Đường vành đai Ngọc Hoàng-Măng Bút-Tu Mơ Rông-Ngọc Linh bao bọc sườn phía Đông của tỉnh nối 2 quốc lộ 24 và 14 là cầu nối làm nên sự hoàn chỉnh cho mạng lưới giao thông Kon Tum.
Ông nhấn mạnh: Kon Tum giờ đã thay da đổi thịt, kinh tế phát triển hơn, người dân phấn khởi vì có cuộc sống ấm no, đủ đầy. Đó là thành quả lãnh đạo của Đảng ta, mà cụ thể là Đảng bộ, chính quyền và sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân Kon Tum.
Khi tôi chào ra về, ông nhắn nhủ: Lớp cán bộ ngày ấy, người còn người mất, nhưng ai cũng đã miệt mài cống hiến sức lực, trí tuệ của mình cho nơi "đất lành chim đậu". Chúng tôi mong muốn và tin tưởng những người đi sau luôn làm tốt trọng trách của mình để mọi người dân thêm no ấm, địa phương chúng ta thêm giàu mạnh, để Kon Tum vững bước trên đường phát triển trong tương lai.
Thành Hưng