30/01/2019 13:48
Thông thường vào những ngày giáp Tết, các mặt hàng thiết yếu, nhất là rau xanh sẽ nhích giá lên so với ngày thường. Thế nhưng, ngược với thông lệ, những ngày qua, giá rau liên tục giảm mạnh, nông dân bán cho tư thương với giá “rẻ như cho” mà vẫn không bán được.
Tôi có mặt tại các cánh đồng rau của phường Thắng Lợi – nơi được coi là vựa rau của thành phố Kon Tum vào thời điểm mà thương lái đi thu gom rau, thế nhưng, không khí thu hoạch, bán mua ở đây khá trầm lắng. Người trồng rau thở dài ngao ngán vì rau rẻ, khó bán, bán thì lỗ mà bỏ thì tiếc.
Ông Đinh Tấn Lục (tổ 3, phường Thắng Lợi) than thở: Với những người trồng rau chúng tôi, cả năm trông mong nhất là vụ rau Tết, nhưng chưa có năm nào rau Tết lại ế ẩm như năm nay. Nhà tôi có hơn 2 sào trồng xà lách, các loại rau cải, hành ngò... mọi năm vào tầm này, thương lái thi nhau đến lấy, nhưng năm nay họ chê lên chê xuống, lấy cầm chừng nên một số luống rau đã quá lứa mà không bán được. Cứ đà này, Tết nhất không biết lấy gì để chi tiêu đây cô ơi....
|
Theo các nhà vườn cho biết, hiện giá rau bán ra tại ruộng khá “bèo”, chẳng hạn như cải cúc chỉ 1.500 - 2.000 đồng/bó, xà lách 4.000 - 5.000 đồng/kg, hành khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg, cải xanh 5.000 đồng/kg... Với giá rau này thì sau khi trừ hết các khoản chi phí, lợi nhuận của người trồng không đáng là bao. Những gia đình neo người làm phải thuê nhân công nhiều thì không có lãi, thậm chí còn phải bù lỗ.
Ông Nguyễn Hũu Ba (tổ 4, phường Thắng Lợi) cho biết: Đợt này, thời tiết ổn định, rau phát triển tốt, sản lượng tăng, nhưng giá rau lại “rớt không phanh”. So với thời điểm tháng 11- 12 thì giá rau đã mất từ một nửa đến hai phần ba. Người trồng rau chúng tôi thu nhập thường phụ thuộc vào thời tiết và cả thị trường, rau đến lứa thì dù đắt dù rẻ cũng phải nhổ bán, chỉ buồn là bỏ bao nhiêu công sức tập trung cho vụ rau Tết để mong có một nguồn thu kha khá sắm sửa tết nhất, cuối cùng lại thua lỗ...
Không chỉ có các hộ trồng rau đại trà, mà ngay cả các hộ dân làm rau theo mô hình rau an toàn cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Ông Nguyễn Duy Diệp (tổ 4, phường Thắng Lợi) chia sẻ: Lượng rau nhà tôi làm ra, một phần để cung cấp cho các cửa hàng rau an toàn, một số bếp ăn trường học trên địa bàn thành phố, còn lại bán cho bạn hàng ở các chợ. Cứ nghĩ, rau của mình đạt chuẩn thì mối hàng ổn định, nhưng không phải thế, vì nguồn rau trên thị trường quá dồi dào, giá rẻ nên nhiều bạn hàng họ chuyển sang mua rau đại trà khiến cho lượng rau nhà tôi tiêu thụ bị hạn chế. Nếu bán giá rẻ như rau bình thường thì lỗ nặng còn bán đúng giá thì ít người mua nên nhà tôi cũng còn một lượng rau đến lứa chưa bán được.
|
Mấy năm nay, nhận thấy nhu cầu của thị trường nên vào dịp Tết, người trồng rau trên địa bàn thành phố Kon Tum tập trung trồng một số loại rau như xà lách, cải cúc, hành, ngò... Nguồn rau làm ra không chỉ cung cấp cho thị trường tại chỗ mà còn được đưa đi các huyện trên địa bàn tỉnh tiêu thụ và các tỉnh, thành khác như Đà Nẵng, Quảng Nam, Gia Lai... Tuy nhiên, đợt này, vì nhiều nơi đều được mùa rau, cộng với nhiều hộ dân đồng loạt xuống giống đón vụ rau Tết nên cung vượt quá cầu, khiến cho rau vừa rẻ, vừa bán không được.
Không chỉ tập trung trồng các loại rau để bán trước Tết, các gia đình còn tính toán trồng rau bán vào những ngày trong Tết. Nhưng theo dự đoán của những người làm nghề, giá rau trong và sau Tết cũng khó có sự thay đổi. Bởi theo thông lệ, sát Tết mà rau đã rẻ, khó bán thì trong Tết càng khó hơn vì nhiều người tranh thủ đi chơi, đi du lịch, sức mua sẽ sụt giảm mạnh.
Điều đáng nói là trong khi giá bán rau của nông dân tại ruộng "rẻ như cho" thì tại các chợ, giá bán rau gần như không thay đổi so với các tháng trước.
“Được mùa mất giá” hay “được giá mất mùa” đã trở thành điệp khúc của nhiều loại nông sản, rau xanh cũng không ngoại lệ. Rau mất giá khiến cho cái Tết này của người trồng rau thành phố Kon Tum vì thế mà kém vui hơn.
Bài, ảnh: Thiên Hương