Vốn tín dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

09/08/2016 13:58

25 năm qua, bên cạnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn tín dụng thương mại, tín dụng chính sách của ngành Ngân hàng tỉnh đã góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Khi thành lập lại tỉnh (tháng 8/1991), ngành Ngân hàng tỉnh mới có 3 chi nhánh cấp tỉnh và 4 chi nhánh cấp huyện. Đến nay, mạng lưới hoạt động của ngành đã có mặt tại hầu hết các huyện, thành phố (10 chi nhánh ở cấp tỉnh; 29 chi nhánh, phòng giao dịch cấp huyện; 102 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn và 5 quỹ tín dụng nhân dân), đã tạo ra bức tranh mới của thị trường tiền tệ ở địa phương. Các dịch vụ ngân hàng không ngừng phát triển, đa dạng, phong phú và hướng đến hiện đại hóa, chuyên nghiệp với mục tiêu phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.

Kết quả hoạt động tín dụng được tăng trưởng ổn định qua từng năm. Giai đoạn 2011 - 2015, hoạt động tín dụng của ngành được đánh giá là giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ cả về chất lượng và số lượng. Tốc độ tăng trưởng huy động vốn bình quân hàng năm đạt 22%, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay bình quân hàng năm đạt 20%. Tính đến thời điểm 30/6/2016, vốn huy động tại địa bàn đạt gần 11.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt gần 19.000 tỷ đồng; chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt (nợ xấu chiếm tỷ lệ thấp, dưới 1% tổng dư nợ tín dụng).

Việc đầu tư tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và các chương trình chính sách tín dụng lớn của Chính phủ, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với dư nợ 4.262 tỷ đồng và cho vay các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi với dư nợ 1.771 tỷ đồng... góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 33,36% năm 2010 xuống 11,5% vào cuối năm 2015, bình quân mỗi năm giảm 4,37%.

Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng Ngoại thương Kon Tum. Ảnh: LS

 

Thực hiện nghị quyết các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh, ngành Ngân hàng tỉnh đã bám sát mục tiêu, định hướng, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam, bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh triển khai thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn, đóng góp tích cực cùng với các cấp, các ngành trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Đi đôi với việc phát triển đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ ngân hàng, cơ sở hạ tầng và công nghệ ngân hàng cũng được các ngân hàng chú trọng đầu tư và hiện đại hóa, tạo thay đổi căn bản trong phương thức giao dịch giữa ngân hàng với khách hàng và trong quản lý, điều hành hoạt động ngân hàng. Nghiệp vụ ngân hàng đã được tin học hóa, nhiều tiện ích và dịch vụ ngân hàng được đưa vào khai thác ứng dụng phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Trong 25 năm qua, cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, ngành Ngân hàng tỉnh cũng đã tích cực hưởng ứng các cuộc vận động đảm bảo an sinh xã hội trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, khắc phục hậu quả thiên tai và xây dựng nhà ở cho người nghèo, tài trợ các công trình phúc lợi xã hội... Chỉ tính từ năm 2012 đến tháng 8/2016, ngành Ngân hàng tỉnh đã thực hiện công tác an sinh xã hội với số tiền gần 255 tỷ đồng.

Theo ông Hoàng Minh Tân - Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh, để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, giai đoạn 2016 – 2021, ngành Ngân hàng tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác điều hòa lưu thông tiền tệ, cung ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiền mặt phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng; đẩy mạnh công tác huy động vốn tại chỗ; tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư tín dụng tăng trưởng bình quân cao hơn 20%/năm, với cơ cấu hợp lý, nâng cao, hiệu quả, chất lượng tín dụng; đẩy mạnh và phát triển các dịch vụ ngân hàng; xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ giỏi về đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, có bản lĩnh chính trị vững vàng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới.

Dương Lê

Chuyên mục khác