Việc áp giá dịch vụ nước đối với hộ kinh doanh thuốc Tây có hợp lý?

02/07/2019 06:37

Gần đây, Công ty cổ phần Cấp nước Kon Tum gửi thông báo đến hộ dân kinh doanh trên địa bàn yêu cầu lên Công ty ký lại hợp đồng dịch vụ cấp nước. Điều đáng nói là hợp đồng ký lại với Công ty có giá nước tăng gần gấp đôi so với trước đây, gây ra phản ứng trái chiều đối với các hộ kinh doanh, đặc biệt là hộ kinh doanh thuốc Tây...

“Không ký thì dỡ biển xuống”

Thời gian qua, nhiều hộ dân kinh doanh các mặt hàng trên địa bàn thành phố Kon Tum nhận được thông báo của Công ty cổ phần Cấp nước Kon Tum về việc ký lại hợp đồng dịch vụ cấp nước.

Tại thông báo gửi đến người dân, Công ty ghi rõ thời gian (từ 20/4/2019 đến 25/5/2019) người sử dụng dịch vụ phải đến ký lại hợp đồng và “nếu quá thời gian thông báo, quý khách hàng không đến liên hệ thì Công ty sẽ thực hiện chuyển đổi hợp đồng đúng với tình hình thực tế về sử dụng nước theo quy định”.

Nhận được thông báo, một số hộ dân đã đến Công ty cổ phần Cấp nước Kon Tum để làm thủ tục ký lại hợp đồng. Tại đây, bản hợp đồng đã được Công ty in sẵn, với tất cả các điều khoản trong hợp đồng. Phần còn trống chủ yếu là chờ thông tin của khách hàng như tên, tuổi, địa chỉ chủ hộ và hình thức kinh doanh, cơ quan nhà nước hay hộ cá nhân...

Trong quá trình làm thủ tục ký lại hợp đồng, với các hộ kinh doanh các lĩnh vực như nhà hàng, quán nhậu, quán cà phê, quán ăn sáng… đều chấp nhận các điều khoản do Công ty cổ phần Cấp nước Kon Tum đề ra và tiến hành ký hợp đồng.

Tuy nhiên, một số hộ kinh doanh thuốc Tây trên địa bàn thì “tá hỏa” khi thấy ghi trong hợp đồng, giá nước tăng gần gấp đôi so với trước. Nhiều người thắc mắc về việc tăng giá lần này thì nhân viên Công ty cổ phần Cấp nước Kon Tum giải thích, đây là giá nước quy định cho những hộ kinh doanh và kinh doanh thuốc Tây cũng là hộ kinh doanh. Một số hộ kinh doanh thuốc Tây cho rằng mặt hàng không liên quan đến việc sử dụng nước mà Công ty lại áp giá theo hộ kinh doanh là vô lý nên cương quyết không ký hợp đồng. Nhưng một số hộ còn lại sợ bị cắt nước nên đành nhắm mắt ký vào bản hợp đồng mà trong lòng rất ấm ức.

Ông Trần Xuân Trường - chủ tiệm thuốc Tây trên đường Duy Tân cho biết, ngày 8/5 gia đình ông nhận được thông báo của Công ty cổ phần Cấp nước Kon Tum. Đến ngày 10/5, ông cầm đầy đủ giấy tờ mà Công ty quy định lên để ký lại hợp đồng. Tuy nhiên, khi thấy việc áp giá nước cho gia đình ông là 10.500 đồng/m3, cao gần gấp đôi so với giá cũ làm ông giật mình. “Khi tôi thắc mắc thì được nhân viên giải thích là hộ kinh doanh thuốc Tây cũng dùng đến nước nên áp theo giá hộ kinh doanh. Nếu không ký thì đến hết thời hạn sẽ cắt nước, còn nếu không thì dỡ biển xuống!” – ông Trường kể lại.

Cho rằng các giải thích của nhân viên Công ty về việc áp giá dịch vụ nước đối với hộ kinh doanh thuốc Tây chưa hợp lý nên ông Trường không ký vào bản hợp đồng mà bỏ về.

Tương tự, chị Vũ Thị Hằng - chủ tiệm thuốc Tây ở đường Bà Triệu sau khi lên Công ty thấy việc bất hợp lý cũng cương quyết không ký vào bản hợp đồng.

Chị Hằng cho biết: Nhân viên Công ty giải thích có thu nhập từ kinh doanh thì phải áp theo giá hộ kinh doanh, tôi nghĩ rằng đó là điều hết sức vô lý. Tôi không thể chấp nhận được việc áp giá hộ kinh doanh thuốc Tây như những hộ kinh doanh sản xuất khác. Vì kinh doanh thuốc Tây không liên quan gì đến nước. Hơn nữa, chúng tôi đã nộp thuế về mặt hàng đăng ký kinh doanh này rồi. Giá như tôi kinh doanh mặt hàng ăn uống, quán nhậu, quán cà phê, sử dụng nước vào mục đích kinh doanh thì áp giá nước kinh doanh có thể được, chứ với thuốc Tây việc áp giá như vậy là không phù hợp.

Gia đình anh Trần Minh H - chủ hộ có tiệm thuốc Tây ở đường Bà Triệu cũng gặp phải tình trạng tương tự. Ông H cũng được nhân viên Công ty giải thích nếu muốn áp giá theo hộ gia đình thì phải dỡ biển thuốc Tây xuống, nếu không đến thời hạn sẽ cắt nước.

Vì sợ cắt nước không có nước sinh hoạt nên ông H đành ký vào bản hợp động dịch vụ nước nhưng trong lòng ông H luôn ấm ức bởi sự bất hợp lý. Ông H kể lại, điều hết sức vô lý là gia đình ông tận dụng diện tích không sử dụng, cho một cá nhân thuê vài chục mét vuông trước nhà mở tiệm bán thuốc Tây để có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. Người bán thuốc chủ yếu bán ban ngày, tối họ về nhà riêng. Bán thuốc Tây cả ngày chẳng mấy khi dùng đến nước mà giờ bắt cả nhà ông phải gánh thêm tiền nước tăng gần gấp đôi là điều không hợp lý.

Cũng như anh H, bà Phạm Thị Đàm- Nhà thuốc Hoàng Anh ở đường Trần Hưng Đạo cũng bức xúc về việc áp giá nước của bà như hộ kinh doanh. Bà Đàm cho biết, vì nhà có cháu nhỏ, sợ bị cắt nước nên gia đình bà cũng đành chấp nhận đặt bút ký vào bản hợp đồng.

Việc áp giá nước với hộ kinh doanh thuốc Tây đã thực sự hợp lý?

Đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc của người dân, chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty cổ phần Cấp nước Kon Tum nhằm làm rõ hơn sự việc nêu trên.

Trao đổi với chúng tôi, ông Văn Hải Chánh - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Kon Tum cho biết: Thực hiện việc chống thất thu, vài năm Công ty tiến hành rà soát lại đối với các hộ kinh doanh trên địa bàn để áp giá nước cho phù hợp. Qua hơn 2 tháng tiến hành rà soát, có khoảng 700 hộ ở thành phố Kon Tum từ mục đích sử dụng nước sinh hoạt phải chuyển sang hình thức kinh doanh nên phải áp giá lại cho phù hợp. Vì vậy, đơn vị tiến hành phát thông báo đến được hơn 420 hộ để ký lại hợp đồng dịch vụ cấp nước. Cho đến nay (cuối tháng 5), Công ty đã thực hiện đổi hợp đồng được 110 trường hợp, trong đó có 9/34 trường hợp là tiệm kinh doanh thuốc Tây.

Khu xử lý nước của Công ty cổ phần Cấp nước Kon Tum. Ảnh: VP  

 

Cũng theo ông Văn Hải Chánh, việc áp giá nước hiện tại đang thực hiện theo Quyết định 18/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 11/3/2014 về việc ban hành giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố Kon Tum.

Theo Quyết định 18/QĐ-UBND, giá nước được chia thành 3 nhóm: giá nước sạch sinh hoạt cho các hộ gia đình, cá nhân, các hộ gia đình ở tập thể, các hộ gia đình buôn bán nhỏ không sử dụng nước để kinh doanh là 5.700 đồng/m3; giá nước sạch sinh hoạt áp dụng cho cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp là 9.500 đồng/m3 và giá nước sạch sinh hoạt áp dụng cho hoạt động sản xuất vật chất, kinh doanh dịch vụ là 10.500 đồng/m3.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi, việc áp giá nước đối với hộ kinh doanh thuốc Tây theo giá nước cho hoạt động sản xuất kinh doanh đã thực sự hợp lý? Phải chăng việc áp giá như vậy là chưa hợp lý nên những người kinh doanh thuốc Tây mới phản ứng? Ông Văn Hải Chánh khẳng định, có thể áp dụng việc áp giá nước như các hộ kinh doanh khác đối với hộ kinh doanh thuốc Tây (!?)  Tuy nhiên, ông Văn Hải Chánh cũng thừa nhận việc thực hiện còn nóng vội, nhân viên Công ty chưa giải thích rõ ràng cho người dân hiểu nên đã gặp phải sự phản ứng của người dân.

Ông Văn Hải Chánh cho biết thêm, hiện nay, công ty đã cho tạm dừng hoạt động ký lại hợp đồng để tiến hành rà soát. Đồng thời cho rằng, việc áp dụng giá nước theo Quyết định 18 của UBND tỉnh hiện nay không còn phù hợp với thực tế. Vì vậy, Công ty tiến hành xây dựng điều chỉnh biểu giá nước cụ thể, sát hơn với các trường hợp. Bảng giá nước mới đã được Công ty trình lên UBND tỉnh xem xét quyết định.

Thiết nghĩ, với người dân, việc áp giá phải đảm bảo công bằng đúng với từng trường hợp cụ thể. Xây dựng bảng giá nước sinh hoạt mới làm sao phải sát với thực tế, phù hợp, đúng với các đối tượng cụ thể, không thể cào bằng hay lợi dụng sự chưa chặt chẽ để áp giá.  

Văn Phương

Chuyên mục khác