Vì sao hóa đơn tiền điện tăng cao?

02/05/2020 06:03

Những ngày qua, nhiều khách hàng hết sức bất ngờ khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 4 vì số tiền phải trả tăng đột biến. Ngành Điện đã đưa ra những lý giải cho việc này.

Chị Dương Thị Nương (thôn 8, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum) cho biết: Bình thường, tiền điện của gia đình tôi chỉ khoảng 250.000 – 300.000 đồng/tháng, tuy nhiên, tháng 4 tăng lên đến hơn 410.000 đồng. Các thiết bị dùng điện trong gia đình không thay đổi, chỉ có đợt này các con được nghỉ học, ở nhà sử dụng điện nhiều hơn một chút, nhưng tôi cũng không nghĩ mức tăng lại nhiều thế.

Nhận được tin nhắn báo hóa đơn tiền điện tháng 4, chị Nguyễn Thị Phước Thiện (đường Hùng Vương, thành phố Kon Tum) hết sức bất ngờ khi số tiền phải nộp tăng cao bất thường.

Theo phản ánh của chị Thiện: So với tháng 3, tiền điện tháng 4 nhiều hơn 100.000 đồng, nhưng so với các tháng trong năm thì tăng gần gấp đôi, trong khi các thiết bị dùng điện không thay đổi. Trước việc hóa đơn tiền điện tăng cao bất ngờ, tôi đã kiến nghị đến Công ty Điện lực Kon Tum xuống kiểm tra, xem xét lại toàn bộ hệ thống điện.

Theo thống kê của Công ty Điện lực Kon Tum, thời gian qua, đơn vị đã nhận được 280 ý kiến thắc mắc của khách hàng về việc hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng cao.

Việc hóa đơn tiền điện tăng cao là do cả yếu tố khách quan và chủ quan. Ảnh: TH

 

Ông Đỗ Văn Giáp – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Kon Tum giải thích: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hóa đơn tiền điện tháng 4 của khách hàng tăng cao. Trước hết, tháng 4, việc ghi chỉ số công tơ được tính với 31 ngày sử dụng, trong khi đó, tháng 3 chỉ có 29 ngày, nhiều hơn 2 ngày, tương đương mức tăng khoảng 6,7%. Nhưng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc hóa đơn tiền điện của khách hàng tăng vọt trong tháng 4 do yếu tố thời tiết và nhu cầu dùng điện của khách hàng tăng cao. Bởi, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh nghỉ học dài ngày, nhiều cán bộ công chức chuyển sang làm việc online tại nhà, người dân hạn chế ra ngoài. Đặc biệt, trong nửa đầu tháng 4, việc giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT –TTg (ngày 30/3/2020) của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 nên thời gian người dân ở nhà nhiều hơn, vì thế, nhu cầu sử dụng điện cũng tăng lên so với các tháng trước và so với cùng kỳ năm trước.

Việc hóa đơn tiền điện tăng cũng mang tính quy luật bởi trên địa bàn tỉnh ta, thông thường tháng 3, tháng 4 hàng năm là khoảng thời gian cao điểm nắng nóng, do đó, đa số các hộ gia đình đều tăng số lượng, thời lượng sử dụng các thiết bị làm mát trong nhà như điều hòa, quạt máy. Mặt khác, khi nhiệt độ môi trường tăng lên 10 độ C, lượng điện tiêu thụ của các một số thiết bị như điều hòa, tủ lạnh sẽ tăng từ 1,5% - 3%, điều này cũng góp phần làm tăng lượng điện tiêu thụ của các gia đình cho dù số thiết bị điện sử dụng điện không thay đổi.

Ngoài ra, theo cơ cấu biểu giá bán điện bậc thang, khi sản lượng điện tiêu thụ của người dân nhiều lên sẽ rơi vào mức giá cao, vì thế tiền điện tháng 4 của các gia đình tăng cao.

Cũng theo ông Đỗ Văn Giáp, việc hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng cao đã nằm trong dự báo của đơn vị. Vì vậy, ngay từ đầu mùa nắng nóng, Công ty Điện lực Kon Tum tăng cường tuyên truyền, lưu ý khách hàng về mức điện năng tiêu thụ sẽ tăng cao so với tháng trước để khách hàng chủ động kiểm tra và điều chỉnh việc sử dụng điện của mình. Đồng thời, Công ty cũng thực hiện phúc tra chỉ số công tơ đối với tất cả hóa đơn có mức tăng trên 30% so với tháng liền kề trước khi phát hành tới khách hàng.

Để tiếp nhận, giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị khách hàng, đơn vị cũng tăng cường lực lượng nhân viên trực điện thoại trong thời gian cao điểm mùa khô/nắng nóng, cử nhân viên gặp gỡ, phối hợp cùng khách hàng đối soát chỉ số đồng hồ, lượng điện tiêu thụ trong kỳ, hóa đơn tiền điện. Tất cả các ý kiến, thắc mắc của khách hàng về hóa đơn tiền điện đều được Công ty Điện lực khảo sát, kiểm tra công khai minh bạch.

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty Điện lực đã rà soát, thống kê số lượng các khách hàng để triển khai hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện. Theo đó, toàn tỉnh có khoảng 142.560 khách hàng nằm trong diện được hỗ trợ.

Theo lý giải của ngành Điện, việc can thiệp hoặc sai sót trong quá trình ghi chỉ số công tơ là rất khó xảy ra, bởi hiện nay hệ thống đo đếm điện năng đã cơ bản được hiện đại hoá với công tơ điện tử, công tơ điện tử đo xa...

Mặc dù vậy, để giám sát việc đo đếm điện năng, người dân có thể chủ động kiểm soát cùng nhân viên điện lực trong mỗi lần ghi chỉ số công tơ hoặc truy cập website https://spider.cpc.vn/kh để theo dõi sản lượng điện tiêu thụ hằng ngày của mình, từ đó có kế hoạch điều chỉnh mức tiêu thụ cho phù hợp.

Thiên Hương

Chuyên mục khác