03/05/2018 07:02
Trong chuyến đi công tác về xã Pờ Ê (huyện Kon Plông), khi về các thôn làng gặp gỡ bà con làm việc, chúng tôi hỏi thăm mua mật ong rừng. Bà con nhanh nhảu, nhà họ hết rồi nhưng có nhà người quen ở thôn khác vẫn còn đấy, giá bán 200 nghìn đồng/lít.
Tin cẩn được bà con giới thiệu, chúng tôi nhờ hẹn mua 5 lít, đưa ra ngay Quốc lộ 24 để lấy. Mất khoảng 10 phút chờ đợi, chúng tôi lấy được 5 lít mật ong như đã hẹn. Người đàn ông đưa mật ong cho chúng tôi còn nói thêm rằng, mật ong rừng hiếm lắm, lấy được tới đâu bán hết tới đó nhưng năm nay, nhà lấy được nhiều, lại có công việc nên thành thử đến tận giờ (tức là vào tháng 8, đã hết mùa mật ong) mà vẫn còn. Nghe vậy, chúng tôi không khỏi hí hửng vì mua được mật ong rừng do bà con tự tay lấy, giá cả lại chỉ bằng phân nửa so với những nơi khác.
Nhưng, niềm vui chẳng kéo dài là bao. Khi về UBND huyện Kon Plông làm việc, thấy chúng tôi xách theo can mật ong, anh bạn quen biết liền hỏi thăm. Khi biết giá cả và nếm thử mật ong, anh liền dí dỏm: Chỉ khổ cho các cô phải xách “mật đắng” đi quãng đường xa. Loại mật này mua ngay tại huyện cũng chỉ tầm 100 nghìn đồng/lít mà thôi.
Chẳng phải riêng lần đó, biết tôi hay tìm mua mật ong rừng, lần khác, một đồng nghiệp gọi điện hồ hởi: Bạn mình mới lấy được 4 lít mật ong rừng, còn sáp, xác ong đây, ngon lắm nhé, 500 nghìn đồng/lít. Nhưng chỉ còn 1 lít thôi, nhà mình lấy 3 lít rồi, ghé lên mà lấy.
Mật ong lấy về còn lẫn ít xác ong, vài miếng sáp ong khô, cả tôi và cậu bạn đồng nghiệp đều mừng vì có mật ngon, độ tin cậy cao. Nhưng rồi, toàn bộ số mật ong này chỉ sau khoảng nửa tháng đã đổi màu, đường lắng đến 2/3 chai. Lúc đó, chẳng riêng tôi mà cậu bạn đồng nghiệp nhận ra mình bị lừa. Chẳng được là mật ong nuôi, số mật mà họ quảng cáo là mật ong rừng đó thật ra được nấu từ nước đường...
Chuyện dính vị đắng từ mật ong có lẽ chẳng riêng gì chúng tôi. Có người kể, cẩn thận mua cả tổ ong về vắt mà vẫn bị giả. Chuyện là, thấy có người mang tổ ong bán ở góc đường, góc chợ, mắt thấy, tai nghe, tay sờ…, thật 100% rồi đây còn gì, liền mua về vắt. Chẳng bao lâu, đường đóng đầy chai, hỏi thăm mới biết thực ra, tổ ong đó được người bán dùng xi lanh hút mật thật ở từng hốc nhỏ ra rồi bơm mật đường vào các hốc này…
Đánh vào tâm lý sính mật ong rừng của người tiêu dùng, thời gian gần đây, không chỉ mật ong nuôi mà còn có cả loại mật giả nấu từ các nguyên liệu dễ kiếm, rẻ: đường, nước, hàn the và các loại phụ kiện khác, thời gian nấu lại chớp nhoáng… đã được đem bán đi nhiều nơi. Kiểu gọi điện thoại hoặc đến tận nhà, anh/em vừa bắt được tổ ong rừng, chỉ có vài lít thôi, còn sáp, còn ong đây, anh chị lấy nhé như cậu bạn đồng nghiệp. Kiểu bà con dân tộc thiểu số chân chất, quần áo còn lấm lem, gùi can mật ong đi dọc đường như vừa lấy về hoặc theo kiểu qua mai mối quen biết như chúng tôi từng gặp trong lần ở xã Pờ Ê. Họ đưa bán số lượng ít như vừa lấy được tổ ong từ rừng về, giá bán cao (giá thấp người khác dễ nghi ngờ), kèm theo sáp ong, con ong… ai mà chẳng tin!
Quen kiểu làm ăn chớp nhoáng, “ăn xổi ở thì” nên vào thời điểm thu mật ong như hiện nay, không lấy làm lạ khi các xe chở mật ong nuôi, mật ong nấu giả từ đường về cho bà con ở các thôn, làng vùng sâu, vùng xa “hóa phép” thành ong rừng bán với giá 400-600 nghìn đồng/lít. Thấy nguồn gốc xuất xứ cơ bản đảm bảo, chẳng mảy may nghi ngờ, mà có nghi ngờ cũng chẳng đủ khả năng để kiểm chứng nên không ít người đã móc tiền thật mua phải mật ong giả. Thậm chí, không chỉ mất tiền oan, với kiểu làm mật ong giả, kèm theo hương liệu, hóa chất…, nếu dùng số lượng nhiều còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Không để phải nhận vị đắng của mật ong, trước kiểu làm ăn thật – giả lẫn lộn khó mà kiểm soát được này, người tiêu dùng buộc phải là người tiêu dùng thông minh, tìm hiểu để biết một số cách phân biệt hoặc tìm mua ở những nơi có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Bình Toàn