Vệ sinh an toàn thực phẩm: Đến tết lại lo

11/01/2017 18:06

Chỉ còn vài tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, nhiều gia đình đã bắt đầu mua sắm tết. Tết đến, nhu cầu tiêu thụ hàng hoá, thực phẩm của người dân tăng cao, cùng với sự lo lắng về giá cả leo thang, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng luôn là nỗi lo thường trực.

Theo đánh giá của Sở Công thương, trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, nhu cầu tiêu thụ hàng hoá của người dân sẽ tăng mạnh, trong khi đáp ứng chủ yếu các nhu cầu về mua bán thực phẩm vẫn là hệ thống chợ và các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Điều đáng nói chất lượng hàng hoá tại các chợ vẫn còn là vấn đề nan giải, tình hình kiểm soát về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm ở hầu hết các chợ còn nhiều khó khăn, bất cập và đây dường như là nỗi lo cũ nhưng chưa bao giờ hết “nóng”.

Dạo qua một số chợ chính trên địa bàn tỉnh như Trung tâm thương mại, Duy Tân (thành phố Kon Tum), chợ trung tâm thương mại huyện Đăk Hà, chợ Đăk Tô..., phóng viên ghi nhận, bên cạnh các loại bánh kẹo được đóng gói bắt mắt của những thương hiệu như Bibica, Hữu Nghị, Kinh Đô, Hải Hà... với đầy đủ nhãn mác, thông tin sản phẩm, vẫn có khá nhiều mặt hàng kẹo, bánh không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng được bày bán.

Các sản phẩm này thường được đựng trong những bao lớn và được bán theo cân với giá thấp hơn nhiều so với các loại bánh kẹo có thương hiệu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận người dân có thu nhập thấp.

Tăng cường quản lý thị trường là giải pháp hạn chế tình trạng háng hoá kém chất lượng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: T.H

 

Khi được hỏi về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa của những loại bánh, kẹo này, đa số người bán đều trả lời đại khái là lấy sỉ từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ngãi... đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, với những loại bánh kẹo này ai dám chắc chúng được sản xuất như thế nào, bằng nguyên liệu gì, có thực sự đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đảm bảo an toàn cho sức khoẻ người sử dụng hay không.

Trong dịp tết, các loại thịt, cá, giò, chả, nem, lạp xưởng… là những mặt hàng được tiêu thụ nhiều và dĩ nhiên, nhóm hàng này cũng luôn được người dân lo lắng nhất về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện nay, các sản phẩm giò, nem, chả được bán ra trên thị trường tỉnh ta chủ yếu được sản xuất theo kiểu thủ công truyền thống nhỏ lẻ, điều kiện sản xuất, trang thiết bị không đảm bảo; chưa kể đến nhiều cơ sở còn sử dụng các loại chất phụ gia như hàn the, bảo quản để sản phẩm được đẹp, ngon và giữ được lâu hơn.

Ngày tết mối lo về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với những mặt hàng thực phẩm tươi sống càng tăng cao. Ảnh: T.H

 

Bên cạnh đó, lợi dụng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm ngày tết của người dân tăng cao, nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm chui nằm ngoài tầm quản lí của cơ quan chức năng, thậm chí cả các cơ sở được phép kinh doanh cũng tìm cách đưa ra thị trường những loại thực phẩm không sạch...

Các mặt hàng rau củ, trái cây cũng đáng báo động, bởi hiện nay tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, bảo quản diễn ra tràn lan và dường như đều nằm ngoài tầm kiểm soát của ngành chức năng. Việc lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và cảm quan, còn chất lượng hàng hoá thì vẫn phải phụ thuộc vào cái tâm của người bán hàng.

Chị Nguyễn Thị Hường (tổ 12, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Tôi cũng không biết là thịt, cá, rau, quả có nguồn gốc từ đâu và có thực sự an toàn hay không. Người bán nói thế nào thì biết vậy, mua  hàng ở chợ làm gì có nhãn mác hay thông tin về cơ sở sản xuất, mình thấy ưng ý, giá cả hợp lý thì mua. Thôi đành, may thì mua được thực phẩm đảm bảo chất lượng, không may mua phải hàng kém chất lượng thì cũng đành chịu, người tiêu dùng đâu có sự lựa chọn.

Không chỉ bánh mứt, thực phẩm tươi sống, việc kiểm tra các loại rượu trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, hầu như mới chỉ dừng lại ở mức độ trực quan, còn về chất lượng nếu nghi ngờ lực lượng chức năng phải lấy mẫu gửi đến các trung tâm kiểm nghiệm để kiểm tra mất rất nhiều thời gian; trong khi đó, ngành chức năng không được niêm phong hoặc yêu cầu người bán hàng dừng bán khi chưa có kết quả. Chính vì vậy, các loại rượu giả, rượu nhái, rượu kém chất lượng vẫn có cơ hội tràn ra thị trường.

Để phần nào hạn chế và ngăn chặn tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn trong dịp tết, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh và các Trung tâm An toàn vệ sinh thực phẩm huyện, thành phố phối hợp với các đơn vị có liên quan đang tiến hành kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại tất cả các địa phương.

Ông Hoàng Chí Trung - Giám đốc Trung tâm An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm tra các loại thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như bánh, kẹo, mứt, hạt dưa, rượu, bia, nước giải khát, thịt và các sản phẩm từ thịt... Đặc biệt chú trọng kiểm tra các nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn như các chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở thương mại tập trung, các cơ sở nhập khẩu thực phẩm… nhằm hạn chế, loại trừ tại gốc các hàng hóa không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tung ra thị trường.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cùng với việc phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm, lực lượng chức năng cũng sẽ tuyên truyền, nhắc nhở người kinh doanh nâng cao ý thức kinh doanh,  có trách nhiệm với người tiêu dùng, chấp hành tốt các quy định của pháp luật - Ông Trung cho biết thêm.

Tết đang đến gần, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường của lực lượng chức năng, mỗi người dân trước hết hãy là những người tiêu dùng thông minh. Kiên quyết nói không với những thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không dễ dãi với những thực phẩm kém chất lượng, mua hàng hoá ở những nơi có uy tín... là cách để người dân tự bảo vệ sức khoẻ của bản thân và gia đình. 

Thiên Hương

Chuyên mục khác