Về nơi tìm thấy “Quốc bảo”

10/03/2023 13:05

Bây giờ thì nhiều người biết đến câu chuyện thời chiến tranh, một thầy thuốc ở mãi Hưng Yên vào Tây Nguyên, lặn lội trong rừng thiêng nước độc để tìm “Quốc bảo” trên núi Ngọc Linh. Đó là dược sĩ Đào Kim Long. Người thầy thuốc ấy giờ đã ngoài 80, và tôi từng may mắn được cùng ông trở lại nơi đầu tiên tìm thấy sâm Ngọc Linh.

Tìm thuốc cho bộ đội

Núi Ngọc Linh được mệnh danh là “nóc nhà” Tây Nguyên mang vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng, trải dài từ Kon Tum sang Quảng Nam. Người ta còn biết đến nơi đây như một ngọn núi linh thiêng bao đời, bởi có tốp người tìm sâm, tìm trầm một đi không trở lại, rồi người đi rừng lòng vòng đều quay lại chỗ cũ.

Từ trung tâm huyện Tu Mơ Rông, đi thêm hơn 60 cây số nữa mới tới chân núi Ngọc Linh ở xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông. Đường đi giờ đã được Công ty Sâm Ngọc Linh Kon Tum bê tông hoá nhưng ô tô vẫn phải dừng cả chục lần, do máy nóng gồng mình vượt dốc. Khó mà tả hết bằng lời khi trên đường vào nơi đầu tiên thấy sâm Ngọc Linh, tôi vẫn được thấy  bạt ngàn rừng nguyên sinh, cây cổ thụ mấy người ôm không hết.

Sau chuyến đi vất vả, dược sĩ Đào Kim Long râu tóc bạc phơ đứng nhìn mê mẩn cánh rừng nguyên sinh rồi tủm tỉm cười. Ông xuất thân từ một gia đình làm thuốc gia truyền ở xã Nhân Hòa, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Mọi người dành sự tôn trọng đặc biệt cho dược sĩ, một nhà khoa học, một thầy thuốc ưu tú đã ngoài 80 khi dành cả đời để nghiên cứu khoa học, cống hiến cho nền y học nước nhà.

Dược sĩ Đào Kim Long. Ảnh: TL

 

Dược sĩ Đào Kim Long nhớ lại, giữa năm 1972 diễn ra một hội nghị về cây thuốc, với kiến thức có được, chàng thanh niên nhận định trên đỉnh núi Ngọc Linh cao từ 800-2.800 mét sẽ có sâm. Tìm ra một loại dược liệu tốt là vô cùng quan trọng, bởi bộ đội đang thiếu thốn, đau ốm nhiều. Từ đây một đoàn 3 người được thành lập, kế hoạch hết mùa mưa sẽ lên đường.

“Ngày đó để vào nơi đây phải lội mấy ngày rừng, không dám ló mặt ra vì sợ địch thả bom. Thời tiết lạnh buốt, vắt bám đầy chân. Đi mấy tháng trời, tưởng không có kết quả gì, bỗng trong lúc mọi người đang mỏi mệt cậu học trò gọi hỏi thầy ơi đây là cây gì. Quay lại, tôi lấy con dao găm ra cạy lên nhấm nháp một ít, trực giác tôi biết ngay đây là một loài sâm tốt. Mới phát hiện ra thì gọi là cây thuốc giấu, mãi sau này mới có tên Ngọc Linh”- dược sĩ Đào Kim Long nhớ.

Vậy là mấy thầy trò dựng trại ở lại trên đỉnh Ngọc Linh bắt tay vào việc nghiên cứu. Sau bao ngày nhìn ngắm, tìm tòi, người thầy thuốc trẻ phát hiện loài sâm này ưa mọc từ trên cao xuống theo dòng nước. Sâm thích nhiệt độ nóng lạnh vừa phải, phát triển dưới tán rừng, có tầng lá mục với độ che phủ 80%. Vậy là cứ men theo suối nước nhóm đã tìm thấy cả “rừng” sâm Ngọc Linh.

Dược sĩ Đào Kim Long nói: “Mấy tháng trời ăn ngủ rừng, khi đói, mệt chỉ nhấm ít củ giấu là hồi ngay. Còn nếu bị thương thì giã ra đắp lên cực tốt. Vui lắm, bởi đã có một loại thuốc quý cho bộ đội. Để đảm bảo bí mật lúc gửi ra ngoài Bắc sâm được ghi là K5 bởi sợ địch cướp mất”.

Theo dược sĩ, qua những cuộc khảo sát gần đây cho thấy, sâm Ngọc Linh đã có hơn 100 hoạt chất, chứ không chỉ dừng lại ở con số 52 nữa. Sâm Ngọc Linh tốt như vậy là nhờ rừng, linh khí, nguồn nước suối của dãy núi. Bởi vậy, để tránh nhầm lẫn, ông quả quyết: “Sâm Ngọc Linh là của núi Ngọc Linh, còn mang đi nơi khác trồng có thể giống sâm này vẫn sống nhưng không phải sâm Ngọc Linh”.

Có rừng là có sâm

Tu Mơ Rông đã nổi tiếng gần xa nhờ sâm Ngọc Linh. Thiên nhiên yêu thương và ban tặng cho người dân đồng bào Xơ Đăng thật thà, chất phác nơi đây loài thảo dược quý. Nhiều thanh niên nhờ sâm Ngọc Linh đã mua được ô tô, làm nhà cửa khang trang.

A Luật (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông), một chàng thanh niên 34 tuổi hoạt bát, lanh lợi. Hơn chục năm trước khi mới tốt nghiệp Đại học Kinh tế thanh niên này đã túc tắc đăng bán sâm Ngọc Linh lên mạng xã hội facebook. Nhờ duyên buôn bán cùng kiến thức học được mà lượng khách biết đến A Luật ngày càng nhiều. “Nhờ sâm Ngọc Linh mà cuộc sống của mình và người dân khấm khá lên. Bây giờ nhiều nhà sắm ô tô đời mới lắm. Vào nhà cửa họ cũng tươm tất hơn, không còn khổ như ngày xưa nữa. Người dân cũng từ đó mà ý thức bảo vệ rừng hơn”, anh A Luật chia sẻ.

Đại diện Công ty Sâm Ngọc Linh Kon Tum tặng sâm giống cho người dân Xơ Đăng. Ảnh: T.L

 

Ông Trần Hoàn- Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh chia sẻ, bản thân biết đến sâm Ngọc Linh vào những năm 90 từ các tài liệu về hành trình phát hiện, nghiên cứu, công bố của các nhà khoa học.

Thời điểm ấy sâm Ngọc Linh đang bên bờ tuyệt chủng. Lo lắm, nên cứ nghe ở đâu bà con đi rừng kiếm được sâm, chúng tôi lại tới mua mang về ươm trồng trên đỉnh núi Ngọc Linh, cây phát triển rồi lấy hạt nhân giống tiếp - ông Trần Hoàn kể.

Với ông Hoàn, giờ đây các nhà khoa học tiếp tục đồng hành cùng công ty nghiên cứu và phát triển các dòng sản phẩm chiết xuất từ sâm Ngọc Linh, như nước giải khát, thực phẩm chức năng, trà, dược mỹ phẩm. Đây cũng chính là cách thiết thực nhất để công ty góp phần đưa “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh thành “quốc kế dân sinh”.

Cũng vì vậy mỗi năm công ty sản xuất ra hàng triệu cây giống để mở rộng diện tích và cung cấp cho người dân trong vùng, hộ nghèo sẽ được cho giống miễn phí.

 “Công ty đang cùng người dân bảo vệ rừng. Đồng thời chúng tôi cung cấp giống cho bà con để phát triển nguồn sâm. Mảnh đất Tu Mơ Rông đã có rất nhiều tỷ phú nhờ sâm Ngọc Linh. Ngoài giúp người dân thoát nghèo, công ty luôn hướng mục tiêu vươn ra thế giới”- ông Trần Hoàn cho hay.

Về phần mình, dược sĩ Đào Kim Long chia sẻ: Thế hệ chúng tôi đã lùi vào dĩ vàng. Các nước khó tính nhất cũng công nhận sự đặc biệt của sâm Ngọc Linh. Tôi rất mong các doanh nghiệp phát triển sâm Ngọc Linh mang tầm thế giới.         

TIỀN LÊ

Chuyên mục khác