Về các xã vùng ven thành phố Kon Tum

05/07/2019 06:18

Những năm gần đây, thành phố Kon Tum triển khai thực hiện tốt việc huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế. Thành phố Kon Tum đang mở rộng không gian đô thị ra các xã vùng ven, nhằm thu hút đầu tư vào các khu đô thị mới.

Thứ nhất là các dự án xây dựng 03 cầu qua sông Đăk Bla được thực hiện nhằm mục tiêu từng bước hoàn chỉnh hạ tầng đô thị và mở rộng không gian đô thị thành phố Kon Tum theo quy hoạch.

Thứ hai là xây dựng đường giao thông kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 24 nhằm khai thác tiềm năng quỹ đất để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, góp phần phát triển các khu đô thị cũng như phát triển kinh tế- xã hội của thành phố; tạo điều kiện cho thành phố sớm đạt tiêu chuẩn là đô thị loại II vào năm 2020.

Thứ ba là Dự án tuyến đường tránh thành phố Kon Tum có chiều dài khoảng 25 km, được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2556 ngày 31/8/2017, có quy mô cấp III, điểm đầu giao với đường Hồ Chí Minh tại Km 1542+750, điểm cuối giao với đường Hồ Chí Minh tại Km1562+250 (đồi Sao Mai).

Dù còn có những trở ngại trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án, nhưng người dân ở đây đã thấu hiểu hơn về cuộc chuyển mình đi lên của thành phố.

Câu chuyện tận dụng lợi thế để phát triển kinh tế cũng đặt ra một vấn đề lớn, không đơn thuần chỉ là kinh tế, mà hơn thế nữa kéo theo hàng loạt vấn đề khiến các cấp chính quyền và ngành chức năng phải tìm ra “lời giải” linh hoạt, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế bền vững, đồng thời bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Nhất là, trong thời gian qua “cơn sốt giá” được gắn theo những thông tin về quy hoạch và phát triển hạ tầng đã đẩy “giá đất nền” ở các xã khu vực vùng ven lên cao ở một số nơi. Một số khu vực đã xuất hiện tình trạng tự san lấp đất nông nghiệp, đất rừng theo các dự án phân lô bán nền trái quy định.

Ông Nguyễn Văn Luận - Chủ tịch UBND xã Chư Hreng  (thành phố Kon Tum) cho biết: Trên địa bàn đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tuyến tránh thành phố Kon Tum và tuyến kết nối đường Hồ Chí Minh qua Quốc lộ 24. Do đó, chính quyền các địa phương đang giám sát và xử lý ngăn chặn; khuyến cáo người dân thận trọng trong việc mua bán đất, không nên vì lợi nhuận trước mắt mà bán hết đất nông nghiệp và đất ở, sau này sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội và ổn định cuộc sống lâu dài. Trong phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, thành phố Kon Tum đã hỗ trợ vốn tạo lập sinh kế mới hoặc mở rộng việc làm cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Đây chính là động lực lớn để thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và ổn định mức sống ở các vùng ven thành phố Kon Tum.

 

Tuyến đường tránh thành phố Kon Tum. Ảnh: DL

Ông Phạm Phước - Chủ tịch UBND xã Hòa Bình xác nhận giá đất nền tại xã Hòa Bình có tăng so với khoảng hai năm trở lại đây. Tuy nhiên, mức độ giao dịch không đến mức tạo ra cơn sốt giá do lượng giao dịch không nhiều. Hiện nay, trên địa bàn có vấn đề lớn cần thực hiện là kiểm tra, thực hiện lộ trình hỗ trợ người dân tháo dỡ các lò gạch đất sét nung bằng thủ công, quan tâm đến chính sách đào tạo, chuyển đổi nghề tạo sinh kế cho các hộ sản xuất, người lao động ở các cơ sở sản xuất gạch thủ công và phòng ngừa dịch tả lợn Châu Phi.

Theo số liệu rà soát, hiện nay, trên địa bàn thành phố Kon Tum có 202 cơ sở và 1 hợp tác xã với 310 lò sản xuất gạch nung bằng thủ công. Trong đó, 206 lò nằm trong vùng quy hoạch; 104 lò nằm ngoài quy hoạch tập trung trên địa bàn 5 xã, phường: Hòa Bình, Ngô Mây, Đăk Blà, Ngok Bay và Kroong. Sản lượng ước đạt 114 triệu viên/năm, thu hút hơn 1.300 hộ sản xuất, người lao động đang làm việc tại các lò. Thành phố Kon Tum yêu cầu các cơ quan chuyên môn xây dựng phương án chi tiết để thực hiện lộ trình. Trong đó, chú trọng tính toán kinh phí hỗ trợ người dân tháo dỡ các lò gạch đất sét nung bằng thủ công; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp; quan tâm chính sách đào tạo, chuyển đổi nghề tạo sinh kế cho các hộ sản xuất, người lao động.

Thực hiện chủ trương của thành phố Kon Tum, các địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động các hộ hưởng ứng chủ trương xóa bỏ các lò gạch thủ công; vận động các hộ liên kết thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để tiếp tục sản xuất gạch không nung; quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên đất sét trên địa bàn, hướng tới mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch thủ công nằm ngoài quy hoạch, giảm dần các lò sản xuất trong quy hoạch, tiến tới thực hiện thành công lộ trình năm 2020.

Ông Trịnh Lê Văn - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Blà cho biết, trên địa bàn có 30 lò gạch thủ công. Hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch thủ công này làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân trong nhiều năm nay. Xã Đăk Blà đã tổ chức nhiều cuộc họp, yêu cầu các lò dừng hoạt động và tháo dỡ. Đối với các lò thuê đất của xã thì phải san lấp mặt bằng trả lại nguyên hiện trạng đất như ban đầu cho xã. Hiện nay, các cơ sở sản xuất gạch thủ công trên địa bàn đã ngừng hoạt động; lò nào hoạt động là bị xử phạt.

Ông Nguyễn Văn Phước ở thôn Kon Tu 2, xã Đăk Blà xác nhận, từ đầu tháng 6 năm nay, Đăk Blà không còn lò gạch thủ công nào hoạt động. Lò nào có khói bay lên là bị xã xử phạt hành hành chính 3 triệu đồng.

Về phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi, các xã vùng ven thành phố Kon Tum đang triển khai các giải pháp phòng chống như đã tiếp nhận hóa chất, vật tư, bảo hộ để vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; thành lập chốt kiểm dịch tạm thời tại các xã giáp ranh tỉnh Gia Lai như Hòa Bình, Ia Chim, Đăk Rơ Wa…

Về thăm các xã vùng ven, phong cảnh núi non xa xa, các thôn làng quần tụ khắp nơi dâng lên một màu xanh mát mắt, yên bình của làng quê. Chương trình xây dựng nông thôn mới đang trỗi dậy mãnh liệt từ bàn tay, khối óc người dân nơi đây. Việc tập trung đầu tư hạ tầng để phục vụ cho sự phát triển góp phần tạo nên diện mạo đổi thay tích cực ở các xã vùng ven thành phố Kon Tum. Các xã vùng ven cũng đang quan tâm giữ gìn cảnh quan, môi trường; giữ gìn sự bình yên của thôn xóm, duy trì và nhân rộng các mô hình khu dân cư kiểu mẫu, khu dân cư phòng chống tội phạm, đảm bảo an toàn giao thông…là yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững.

Thành phố Kon Tum đang lồng ghép các chương trình, dự án của chính quyền với các chương trình của UBMTTQ thành phố nhằm giúp hộ nghèo ở các xã vùng ven có điều kiện tiếp cận các chính sách giảm nghèo bền vững. DL

Dương Lê

 

 

Chuyên mục khác