“Vàng trắng” tăng giá: Tết ấm hơn với người trồng cao su

26/01/2017 09:09

Nhiều năm qua, giá mủ cao su liên tục xuống thấp khiến người trồng cao su chao đảo. Đến nay, giá mủ cao su đã tăng mạnh trở lại, người trồng cao su bắt đầu có lãi. Sự “hồi sinh” của “vàng trắng” khiến những ngày tết đến xuân về thêm phần ấm áp hơn với những người trồng cao su.

Khoảng gần 2 tháng nay, giá mủ cao su trên thị trường liên tục nhích lên, so với đầu vụ khai thác, giá mủ cao su đã tăng hơn gấp đôi. Nếu như tháng 5/2016, giá mủ chỉ khoảng 6.000 đồng/kg, sau đó nhích dần, hiện tại giá mủ cao su đã lên 12.000 – 13.000 đồng/kg, tương đương 350 đồng/độ mủ. Giá cao su SVR3L cũng lên mức trên 47.500 đồng/kg, cao su SVR10 tăng lên mức 45.500 đồng/kg.

Những ngày cuối năm, dù không khí tết đã ngập tràn khắp nơi, nhưng trên những vườn cao su, người dân vẫn tất bật cạo mủ, chăm sóc vườn cây với một niềm vui đong đầy.

Lâu lắm rồi tôi mới thấy nụ cười rạng rỡ của những người trồng cao su như thời điểm này. Việc giá mủ cao su tăng cao trong những ngày đầu năm mới và cận kề tết cho thấy một tín hiệu vui, nhà nhà đều đang cố gắng thu hoạch trong đợt cuối vụ để kiếm thêm tiền chi tiêu trong mùa tết.

Dòng nhựa trắng đang mang lại cái tết đủ đầy hơn cho người trồng. Ảnh: TH

 

Chị Phan Thị Tuyết (thôn Phương Quý II, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) phấn khởi cho biết: Chưa khi nào giá mủ cao su lại tăng mạnh như lúc này. Đầu vụ giá chỉ bằng một nửa lúc này thôi. Cận tết, giá mủ cao, gia đình tôi tranh thủ cạo của nhà rồi đi cạo khoán cho những hộ trồng nhiều để kiếm thêm thu nhập.

“Với mức giá hiện tại, người nông dân có thể sống tốt, có được khoản tích lũy nhờ vào vườn cây. Một nhà chỉ cần sở hữu 1ha cao su thì thu nhập cũng được khoảng 7 - 8 riệu /tháng, đủ để trang trải chi phí cho gia đình; đối với những hộ có từ 2 ha trở lên là đã có số tiền tiết kiệm đáng kể.” - chị Tuyết chia sẻ.

Ông Triệu Văn Vọng (thôn 8, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum) kể: Đã lâu lắm rồi người trồng cao su chúng tôi mới có lại sự hào hứng khi đi bán mủ như hồi này. Nhiều lúc chở mủ đến, chưa kịp xuống xe đã vội hỏi người mua hôm nay giá có tăng nữa không? Các điểm thu mua râm ran tiếng cười nói, mọi người bàn luận cữ cạo này lượng mủ tăng hay sụt, được bao nhiêu độ mỗi kilogam...

Đi đến các thôn làng, hỏi thăm những gia đình trồng cao su đang kỳ khai thác, tôi đều cảm thấy niềm hạnh phúc hiện rõ trên từng gương mặt của họ. Niềm vui ấy còn được cụ thể bằng những dự định như ăn tết to, sắm thêm những đồ đạc mới trong gia đình, rồi dành vốn tái đầu tư cho vườn cây... Nhiều chủ vườn cao su cũng đang tính đến chuyện ăn tết xong là bắt tay vào quét lá rụng, phòng chống cháy cho vườn cây – một công việc hết sức quan trọng trong mùa khô.

Không riêng nông dân, những người thu mua mủ cao su cũng rất phấn khởi với đà tăng giá này. “Giá cao, thương lái chúng tôi cũng tự tin để thu mua và người nông dân cũng hào hứng khi bán mủ. Chưa kể, giá có tăng thì người nông dân mới gắn bó và chăm sóc cho cây cao su tốt hơn, quan tâm đến chất lượng mủ hơn…”- Chị Nguyễn Thị Lý ở phường Duy Tân, thành phố Kon Tum - một người chuyên thu mua mủ cao su chia sẻ.

Thị trường cao su đang diễn ra khá thuận lợi không chỉ khiến người nông dân vui mừng, mà doanh nghiệp trồng cao su cũng phấn khởi. Từ chỗ phải “thắt lưng buộc bụng” để duy trì hoạt động, nay các doanh nghiệp có thể thở phào vì người trồng và doanh nghiệp chế biến mủ đều có lãi, có chút “của ăn của để”.

Có thể nói, với tín hiệu vui này, người trồng cao su tiểu điền và cả những lao động sống bằng nghề khai thác mủ cao su trên địa bàn tỉnh cũng ấm lòng hơn sau nhiều thăng trầm. Loại cây cho “vàng trắng” đã và đang mang lại nguồn thu nhập cao cũng như mang lại cái tết đủ đầy, ấm cúng cho nhiều người.

Thuỳ Hương

Chuyên mục khác