Vận tải hành khách: Khó khăn chồng chất

10/03/2022 06:26

Trong 2 năm nay, “cơn bão” dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nặng nề tới hoạt động kinh doanh, vận tải của doanh nghiệp và khiến các doanh nghiệp vận tải lao đao đứng bên bờ phá sản. “Cơn bão” dịch bệnh chưa giảm thì cơn “bão giá” xăng dầu lại ập đến làm cho các doanh nghiệp vận tải khó khăn chồng chất khó khăn.
Doanh nghiệp vận tải lao đao bởi dịch bệnh và giá xăng dầu tăng. Ảnh: PN

 

Có lẽ, chưa bao giờ hoạt động vận tải hành khách lại rơi vào cảnh khốn khó như hiện nay. Trong 2 năm vừa qua, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất nặng nề tới hoạt động kinh doanh, vận tải của doanh nghiệp. Đặc biệt năm 2021, các xe chỉ hoạt động gián đoạn được một thời gian ngắn, còn lại là “đắp chiếu” ở nhà. Đến cuối năm 2021, cả nước chuyển đổi sang trạng thái bình thường mới, hoạt động của các đơn vị vận tải dù đúng dịp Tết- là dịp cao điểm nhu cầu người dân đi lại nhiều nhưng cũng không khấm khá gì. Đến sau Tết, người nhu cầu người dân đi lại giảm dần thì xăng dầu lại liên tục tăng giá lên mức kỷ lục từ trước đến nay. Xăng dầu tăng cao đã kéo theo nhiều mặt hàng cũng tăng giá khiến doanh nghiệp đau đầu tính phương án cắt lỗ, giảm chi phí. Điều đó, vô hình trung tạo sức ép lên các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Nhiều đơn vị vận tải ở tỉnh ta cho biết họ không thể tăng giá cước dịp này, trong khi nguồn khách sau Tết giảm sụt nghiêm trọng.

Đơn cử như Công ty TNHH MTV Tân Anh có hơn 30 đầu xe, trong đó có 20 xe tải, 12 xe khách giường, hiện nay chỉ vài chiếc xe tải còn hoạt động chưa đến 50% còn lại đều dừng hoạt động.

Ông Đinh Khắc Tấn- Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Tân Anh (nhà xe Tân Anh) cho biết, xăng dầu tăng khiến việc kinh doanh càng khó khăn thêm. Bởi, một chuyến xe bình thường chi phí xăng dầu chiếm khoảng 40%, trong khi đó hành khách thì không có, vì vậy, chúng tôi phải cắt giảm khá nhiều tài. Trước đây, mỗi ngày 5-6 tài thì nay chỉ chạy 2-3 chuyến từ Kon Tum đi Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại. Điều đáng nói, mỗi chuyến cũng chỉ được 50% số ghế (với chiều từ Kon Tum đi thành phố Hồ Chí Minh), còn chiều ngược lại còn ít khách hơn nhiều, thậm chí không có khách.

Cũng theo ông Tấn, sau Tết, lượng khách đi xe giảm mạnh, trong khi giá cước không dám tăng vì nêu tăng cước, sẽ mất khách, trong khi đó hiện giá máy bay cũng khá rẻ nên việc cạnh tranh hành khách của các đơn vị vận tải càng thêm khó khăn.

Theo các nhà xe, hành khách sau Tết không nhiều nên hiện nay mỗi ngày họ chỉ chủ yếu duy trì chạy để giữ tuyến, giữ khách chứ càng chạy nhiều, càng lỗ. Và để giảm lỗ, các nhà xe tăng cường nhận thêm hàng hóa để bù vào chi phí.

Ông Đoàn Thế Tiến- Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Quốc chia sẻ: “Do là xe tuyến cố định nên không thể bỏ chuyến nào dù biết sẽ lỗ khi không đủ khách, đủ hàng. Chúng tôi đang phải gồng từng chuyến một, chuyến nào xuất bến cũng phải tính toán chi li để giảm bớt chi phí, bù lại.

“Khách hàng chủ yếu quen biết đi xe mình lâu năm, giờ mà tăng cước trong giai đoạn dịch khó khăn cũng không được, còn không tăng thì mình bù lỗ quá nhiều. Giờ chỉ mong giá xăng dầu hạ nhiệt để chúng tôi dễ thở, bớt khó khăn khi dịch vẫn còn phức tạp”- ông Tiến cho hay.

Ông Trần Văn Sự- Giám đốc Công ty TNHH Việt Tân (nhà xe Việt Tân) cho biết, hiện tại do lượng khách quá ít nên đơn vị tạm dừng chạy tuyến Kon Tum-Thành phố Hồ Chí Minh và hiện chỉ chạy tuyến Kon Tum- Đà Nẵng (mỗi ngày một chuyến) và tuyến Kon Tum - Hà Nội (2 ngày một chuyến). Dù giảm số chuyến nhưng cũng không có khách, mỗi chuyến chỉ được khoảng 50 % số ghế.

Cũng theo ông Sự, việc hành khách ít do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên tâm lý người dân ngại di chuyển, sợ lây dịch bệnh. Hơn nữa hiện nay, lượng xe cá nhân khá nhiều nên người dân chọn hình thức sử dụng xe cá nhân để di chuyển. Vì thế, dù giá xăng dầu đã tăng lên khá cao nhưng các doanh nghiệp cũng chưa có phương án tăng cước, bởi tăng cũng không giải quyết được bao nhiêu bởi lượng khách ít. Hơn nữa, lượng khách đi lại rất ít, nhà xe thì nhiều, các xe cạnh tranh nhau từng tí một. Đó là chưa kể, để tăng giá vé phải xin ý kiến và được sự cho phép của cơ quan chức năng.

Xăng dầu tăng giá khiến vận tải hành khách càng thêm khó khăn. Ảnh: PN

 

Trước khó khăn chồng chất, các doanh nghiệp vận tải đều có chung mong muốn Nhà nước có chính sách miễn, giảm thuế, giảm phí cho doanh nghiệp, phương tiện và tăng thêm các gói kích cầu để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác