19/04/2018 16:55
Ông Phạm Tấn Công - Tổ trưởng tổ dân phố 7 kiêm Trưởng Ban Quản lý chợ Võ Lâm “khoe”: Từ một chợ tạm bợ, xập xệ, chỉ chưa đầy một tuần tuyên truyền, vận động, các tiểu thương đang buôn bán tại đây thống nhất đóng góp tiền để cùng với tổ dân phố sửa chữa, nâng cấp chợ. Kết quả là đến nay, chợ Võ Lâm đã được đầu tư xây dựng thật khang trang, có kết cấu khung thép, mái lợp tôn, nền xi măng. Bên trong lồng chợ được quy hoạch khoảng 45 gian hàng với tổng diện tích 307m2. Khu vực phía trước nhà lồng chợ có bãi để xe rộng rãi với diện tích 65m2, tạo điều kiện cho hoạt động mua bán diễn ra thuận lợi.
|
Trong trí nhớ của ông Phạm Tấn Công, chợ Võ Lâm được thành lập khoảng năm 1978, là chợ dân sinh, phục vụ nhu cầu mua bán của chục hộ dân nghèo trong vùng. Đến năm 1998, bà con tiểu thương góp công sửa chữa lại chợ nhưng cũng chỉ làm tạm bợ; việc bố trí các gian hàng không theo quy hoạch nên khiến diện tích chợ đã chật càng chật hơn.
Năm 2016, chợ Võ Lâm được giao về cho tổ dân phố 7 (phường Thắng Lợi) quản lý. Cùng với việc thành lập Ban Quản lý chợ và các hoạt động kiểm tra, giám sát chặt chẽ, việc buôn bán của bà con tiểu thương dần đi vào nề nếp; số tiểu thương đăng ký vào chợ kinh doanh buôn bán tăng lên, với 35 gian hàng (đa phần là hộ dân trong tổ dân phố).
Theo dự tính, tổng kinh phí để đầu tư sửa chữa, nâng cấp chợ Võ Lâm khoảng gần 150 triệu đồng, trong đó tổ dân phố đóng góp 60 triệu đồng (tiết kiệm từ nguồn kinh phí thuê mặt bằng của các tiểu thương tại chợ thu được từ năm 2016 đến năm 2018), còn lại từ nguồn đóng góp của tiểu thương tại chợ.
Ông Phạm Tấn Công cho biết, để vận động các tiểu thương tự nguyện đóng góp kinh phí sửa chữa chợ, ngoài vai trò, trách nhiệm của tổ dân phố và Ban Quản lý chợ, còn phải kể đến Chi hội Cựu chiến binh tổ dân phố 7- đây chính là lực lượng nòng cốt trong công tác dân vận.
Theo “bật mí” của ông Công, Chi hội Cựu chiến binh tổ dân phố 7 (với 44 hội viên) nhiều năm qua luôn được đánh giá là chi hội đi đầu trong các phong trào của Hội Cựu chiến binh thành phố.
Bản thân ông Phạm Tấn Công và Tổ phó tổ dân phố 7 kiêm Phó Ban Quản lý chợ Võ Lâm - bà Vũ Thị Ngoãn - cũng đều là những cựu chiến binh gương mẫu, riêng bà Ngoãn còn là Chi hội trưởng Cựu chiến binh của tổ dân phố 7.
Xuất phát từ thực tế, qua bàn bạc triển khai thực hiện chủ trương sửa chữa, nâng cấp lại chợ Võ Lâm, Tổ dân phố thống nhất chọn Chi hội Cựu chiến binh tổ dân phố làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền vận động.
Bà Vũ Thị Ngoãn cho biết, để thực hiện tốt công tác dân vận, Chi hội Cựu chiến binh tổ dân phố 7 chủ động phối hợp với tổ dân phố, Ban Quản lý chợ đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động các hộ tiểu thương, làm cho họ thấy được lợi ích lâu dài mang lại cho chính mình việc đóng góp kinh phí sửa chữa chợ. Với cách tuyên truyền, vận động thấu tình đạt lý, chỉ trong vòng 2 ngày, Ban Quản lý chợ Võ Lâm đã thu được số tiền đóng góp 65 triệu đồng từ các tiểu thương.
Nhằm giảm chi phí tiền nhân công trong xây dựng, Chi hội Cựu chiến binh tổ dân phố 7 mà trực tiếp là bà Ngoãn còn chủ động xin ý kiến cấp trên huy động các lực lượng đứng chân trên địa bàn như Tiểu đoàn 113 (Công an tỉnh), Tiểu đoàn 14 (thuộc Sư đoàn 10, Quân đoàn 3) - đơn vị kết nghĩa với phường Thắng Lợi giúp đỡ ngày công để lợp mái tôn và láng xi măng nền chợ.
Bà Ngoãn cho biết thêm, thuận lợi nữa trong công tác tuyên truyền vận động là trong số các tiểu thương buôn bán tại chợ Võ Lâm có đến 40% tiểu thương là người thân của các hội viên hội cựu chiến binh nên các tiểu thương này đi tiên phong trong việc đóng góp kinh phí để các tiểu thương khác cùng đóng góp theo.
Chợ Võ Lâm là ngôi chợ tạm đầu tiên của phường nội thành thành phố Kon Tum được xây dựng theo hình thức xã hội hóa. Sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động trở lại, chợ Võ Lâm đã góp phần giải quyết được tình trạng lấn chiếm vỉa hè quanh khu chợ làm nơi buôn bán, lập lại trật tự đô thị.
Hơn 20 năm buôn bán thịt heo tại chợ Võ Lâm, bà Đoàn Thị Lan chia sẻ: Mong mỏi của bà con tiểu thương ở khu chợ này mấy chục năm nay là làm sao chợ sớm được xây dựng lại để việc buôn bán thuận lợi hơn. Vì vậy, khi nghe tin tổ dân phố vận động tiểu thương đóng góp tiền sửa chữa và nâng cấp chợ, bản thân tôi đã tích cực tham gia. Mấy ngày nay được ngồi buôn bán ở chợ mới, tôi và chị em tiểu thương nơi đây ai cũng vui mừng lắm.
Bà Lê Thị Kim Quế - chủ một sạp hàng rau xanh “khoe”: Chị em tiểu thương chúng tôi cũng đang bàn bạc với nhau sắp tới đây, mỗi gian hàng sẽ tự nguyện đóng góp thêm 1 triệu đồng để lót trần dưới mái tôn chống nóng vào mùa nắng và tiếng ồn vào mùa mưa.
Bài, ảnh: Tú Quyên