Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế: ​Đôi bên cùng có lợi

13/10/2017 18:01

​Trong những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý thuế ở Cục Thuế Kon Tum được đặc biệt chú trọng và đang phát huy hiệu quả rõ rệt, từ đó góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành và đảm bảo phục vụ người nộp thuế tốt hơn...

Người nộp thuế được phục vụ tốt hơn

Nếu nói về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý thuế, tôi tin rằng, anh Quân là người ủng hộ “cả 2 tay”. Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản ở địa bàn rừng núi, đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, nên mỗi lần có việc liên quan đến kê khai thuế, hoàn thuế, anh lại phải mất không ít thời gian, công sức để về cơ quan thuế thực hiện.

Nhưng gần đây, với việc ngành Thuế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, anh Quân đã không còn phải vất vả như trước, bởi việc khai thuế, nộp thuế đều được thực hiện bằng phương thức điện tử. “Với hầu hết các tờ khai phát sinh, tờ khai bổ sung, tờ khai quyết toán, báo cáo tài chính, báo cáo hóa đơn... của các sắc thuế, thay vì chạy tới cơ quan Thuế, tôi chỉ cần ở công ty và nhấp chuột” - anh Quân hể hả nói.

Tất nhiên, không chỉ riêng doanh nghiệp ở xa như công ty của anh Quân được hưởng lợi, mà ngay cả ở những nơi thuận lợi, xu thế giao dịch thuế điện tử cũng đang trở nên phổ biến, bởi đem lại nhiều tiện ích cho người nộp thuế.

Tại Hội nghị tập huấn hoàn thuế điện tử do Cục Thuế tỉnh tổ chức, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ sự hài lòng và cho biết sẽ ứng dụng ngay bởi quy trình, các bước thực hiện lập và gửi hồ sơ hoàn thuế điện tử cũng khá đơn giản, thuận tiện.

“Rất nhanh chóng, thuận tiện, người nộp thuế được phục vụ tốt hơn, giảm nhiều công sức, thời gian cho người nộp thuế, mà với doanh nghiệp chúng tôi, thời gian chính là vàng bạc” - một chủ doanh nghiệp nhận xét.

Tập huấn hoàn thuế điện từ cho người nộp thuế. Ảnh: H.L

 

Vì vậy mà tính đến nay, hàng tháng Cục Thuế tỉnh Kon Tum có 1.445 doanh nghiệp đang hoạt động thực hiện nộp thuế điện tử, luôn đạt trên 95% cả 3 chỉ tiêu trên (doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử; giao dịch nộp thuế trong tháng thực hiện bằng phương thức điện tử đạt 99,89% so với tổng chứng từ nộp tiền vào ngân sách nhà nước; số tiền thực hiện nộp thuế trong tháng được thực hiện bằng phương thức điện tử đạt 99,98% so với tổng số tiền nộp vào ngân sách nhà nước).

Để có được kết quả trên, trong thời gian qua, Cục Thuế tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các phòng chức năng và các chi cục tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc doanh nghiệp mới thành lập đăng ký nộp thuế điện tử ngay khi thành lập; ban hành văn bản gửi các ngân hàng thương mại trên địa bàn tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; sử dụng các công cụ ứng dụng tin học thống kê các doanh nghiệp chưa đăng ký nộp thuế điện tử theo từng địa bàn quản lý và gửi email cho các đơn vị quản lý thuế; phân công nhiệm vụ đến từng công chức quản lý người nộp thuế để đôn đốc thực hiện nộp thuế điện tử...

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Theo ông Lữ Quốc Tuấn - Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Kon Tum, không riêng việc nộp thuế, ở các lĩnh vực quản lý nội bộ của ngành, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Thuế,  việc ứng dụng công nghệ thông tin đều đóng vai trò quan trọng và đem lại những hiệu quả to lớn trong công cuộc hiện đại hóa công tác quản lý thuế, cải cách thủ tục hành chính thuế. Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế đã tiết kiệm chi phí cho người nộp thuế và chi phí hành chính cho cơ quan thuế, nghĩa là đôi bên cùng có lợi.

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin còn giúp giảm thiểu tương tác trực tiếp giữa cơ quan thuế và người nộp thuế, góp phần giảm tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người nộp thuế; cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời cho lãnh đạo Cục Thuế nhằm hỗ trợ cho công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý- ông Lữ Quốc Tuấn khẳng định.

Hiện nay, Cục Thuế Kon Tum đã triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, như: Hệ thống quản lý thuế tập trung - TMS (hỗ trợ cơ quan thuế các cấp xử lý dữ liệu của các khâu nghiệp vụ đăng ký thuế, quản lý hồ sơ thuế, quản lý nghĩa vụ kê khai; xử lý tờ khai định kỳ/tờ khai quyết toán thuế; xử lý chứng từ thu nộp thuế; hạch toán và theo dõi nghĩa vụ của người nộp thuế...); hệ thống khai/nộp thuế điện tử cho người nộp thuế; hoàn thuế điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm tra nội bộ.

Ông Lữ Quốc Tuấn nhận định, việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế mà Cục Thuế Kon Tum đang đẩy mạnh có thuận lợi là luôn nhận được sự chỉ đạo, hỗ trợ sát sao của Tổng cục Thuế; hầu hết đơn vị trong ngành Thuế đều nhận thức rõ tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế hiện nay, do đó tổ chức triển khai kịp thời, đạt kết quả cao. Mặt khác, có sự kết hợp ngày càng chặt chẽ giữa công tác xây dựng, cải tiến chính sách, quy trình nghiệp vụ quản lý thuế với việc xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin…

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, ngành Thuế Kon Tum cũng gặp một số khó khăn, như: hạ tầng của các doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng đầu tư nên chưa cập nhật được những đổi mới, những ứng dụng mới của ngành; chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về thuế cũng như các biểu mẫu đầu vào của các ứng dụng thay đổi rất nhanh và liên tục, trong khi trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ thực hiện việc kê khai thuế qua internet ở một số doanh nghiệp còn có hạn chế nhất định nên gặp không ít khó khăn trong việc triển khai thực hiện kê khai thuế qua internet...

Ngoài ra, công tác quản lý thuế ngày càng phức tạp với số lượng người nộp thuế ngày càng tăng, các phạm vi quản lý các sắc thuế ngày càng lớn, nhưng việc nâng cấp, bổ sung và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu và tốc độ triển khai.

Xác định công nghệ thông tin là “xương sống” của ngành Thuế trong quá trình điều hành và quản lý thu thuế, hiện nay và trong thời gian tới, ngành Thuế Kon Tum sẽ tiếp tục củng cố và hiện đại hoá cơ sở vật chất, nhất là hệ thống thông tin - tin học; tiếp tục đổi mới, nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu quản lý thuế, nhằm đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa quản lý thuế; xây dựng hệ thống thông tin tập trung, công khai, minh bạch; xây dựng hệ thống tuyên truyền cho người nộp thuế đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ người nộp thuế thông qua việc cung cấp mở rộng các dịch vụ điện tử về thuế... - ông Lữ Quốc Tuấn cho hay

Hồng Lam

Chuyên mục khác