Ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến

27/09/2023 06:10

Ngày 27/2/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 46/QĐ-UBND về phê duyệt “Đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với công nghiệp chế biến (CNCB) và thị trường tiêu thụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”. sau 6 tháng triển khai bước đầu có hiệu quả khả quan.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Y Hằng cho biết: Để tổ chức sản xuất các sản phẩm từ nhỏ lẻ, phân tán sang tập trung, quy mô lớn, có lợi thế của tỉnh, có giá trị kinh tế và sức cạnh tranh cao, đáp ứng thị trường trong nước và quốc tế, Sở NN&PTTT tham mưu UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chủ trương về khôi phục và phát triển cây cà phê xứ lạnh tại các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; phát triển cây ăn quả bền vững trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam tổ chức hội thảo và tập huấn chuyên đề phát triển cây sầu riêng.

Sở NN&PTNT tổ chức 3 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 180 lượt cán bộ hợp tác xã (HTX) các nội dung liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; bán hàng qua mạng, bán trước qua mã QR; hỗ trợ HTX Cà phê sạch Măng Đen về chuỗi sản xuất, chế biến cà phê tại xã Hiếu, huyện Kon Plông và HTX Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông về chuỗi sản xuất, chế biến dược liệu tại xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông.

Khu nông nghiệp ƯDCNC ở thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông). Ảnh: TVP

 

Đồng thời, tổ chức 49 lớp tập huấn quy trình trồng, chăm sóc, quản lý sinh vật gây hại trên cây trồng các loại cho gần 2.000 lượt học viên nông dân; 2 lớp tập huấn ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp về kỹ thuật trồng dưa lưới công nghệ cao và kỹ thuật trồng ngô sinh khối gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho 25 hộ nông dân; 2 lớp sản xuất nông nghiệp theo VietGAP về kỹ thuật nuôi lồng cá diêu hồng và kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao cho 45 hộ nông dân; 1 lớp trồng, chăm sóc và thu hoạch cây hồng đẳng sâm theo hướng hữu cơ cho 10 hộ nông dân.

Ngoài ra, triển khai mô hình trồng 1ha dưa lưới ƯDCNC gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm với công nghệ nhà màng và hệ thống tưới tự động; mô hình trồng 5 ha cây ngô sinh khối gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm tại thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà với cơ giới hoá từ khâu làm đất đến thu hoạch, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng drone; mô hình nuôi lồng cá diêu hồng theo VietGAP với quy mô 50 m3/2 lồng tại xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy; mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 5ha tại xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy;  mô hình trồng hồng đẳng sâm theo hướng hữu cơ với quy mô 1ha tại xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông.

Vườn bưởi da xanh nông nghiệp ƯDCNC của trang trại ông Trương Quang Đông ở thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông. Ảnh: TVP

 

Để hỗ trợ phát triển thị trường và xuất khẩu nông sản, tính đến nay, Sở NN&PTNT hỗ trợ các chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh cấp được 15 mã số vùng trồng (MSVT) cây ăn quả phục vụ xuất khẩu với tổng diện tích 287,51ha. Riêng từ đầu năm đến nay, Sở đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp được 4 MSVT phục vụ xuất khẩu và 1 MSVT phục vụ tiêu thụ nội địa với 10ha mắc ca; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp 3 MSVT sầu riêng với 45ha; 1 MSVT với 12ha  dứa tại huyện Tu Mơ Rông.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT hoàn thiện hồ sơ, đề nghị Cục Bảo vệ thực vật xem xét, cấp MSVT cho 7 vùng trồng sầu riêng với 159ha; 2 vùng trồng chanh dây tại huyện Đăk Hà và thành phố Kon Tum.

Sở NN&PTNT triển khai chương trình phối hợp với Sở NN&PTNT Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó cung cấp thông tin 24 tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nông-lâm-thuỷ sản với trên 50 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên để quảng bá, tiêu thụ tại 2 thành phố: Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đồng thời, tiếp tục duy trì và mở rộng việc ứng dụng công nghệ tự động, bán tự động trong chăm sóc, quản lý cây trồng, vật nuôi; công nghệ sinh học trong việc sử dụng chế phẩm vi sinh sản xuất phân bón, quản lý dịch hại cây trồng; sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, công nghệ nhà màng, nhà kính; công nghệ thông minh IOT; công nghệ GIS và viễn thám; phần mềm quản lý MSVT.    

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Y Hằng khẳng định: Việc triển khai thực hiện Quyết định số 46/QĐ-UBND được các sở, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, việc hình thành các vùng nông nghiệp ƯDCNC và hình thành vùng sản xuất tập trung, mang tính hàng hóa, cũng như hiệu quả của các tổ chức đại diện nông dân chưa cao. Hy vọng rằng, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong thời gian tới, các cấp, các ngành liên quan tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 46/QĐ-UBND để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hàng hoá nông sản, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác