25/01/2018 13:08
Năm 2017, toàn tỉnh đã tổ chức được 188 đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó tại tuyến tỉnh 4 đoàn, tuyến huyện/thành phố 49 đoàn và tuyến xã 135 đoàn. Ngoài ra, còn có kiểm tra chuyên ngành 12 đoàn. Kết quả, các đoàn liên ngành trong tỉnh kiểm tra được 4.906 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và có 70,5% số cơ sở được kiểm tra đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (riêng ngành Y tế tỉnh kiểm tra được 2.528 cơ sở do ngành quản lý và có 80,2% số cơ sở đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm), xử phạt vi phạm hành chính 183 cơ sở với tổng số tiền 260,15 triệu đồng, tiêu hủy sản phẩm thực phẩm tại 157 cơ sở với 17 loại sản phẩm, bao gồm 530,035 kg thực phẩm rắn và 185,844 lít thực phẩm lỏng.
Nhờ đó, trong năm qua, trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người mắc với 134 người mắc, giảm 2 vụ so với năm 2016, không có tử vong và không rõ nguyên nhân. Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có 214 ca ngộ độc thực phẩm mắc lẻ tẻ, nguyên nhân chính là do ăn uống thực phẩm không bảo đảm vệ sinh và ăn nấm, củ mì, thịt cóc, uống rượu... không rõ nguồn gốc xuất xứ và chế biến không an toàn...
Tuy nhiên, hiện nay, công tác kiểm tra phát hiện và xử lý các vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm ở tuyến huyện và xã chưa nghiêm, nên số cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, kiến thức về an toàn thực phẩm của một số người kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng còn hạn chế, nên vẫn còn sử dụng thực phẩm không an toàn, dễ dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm…
|
Bởi vậy, để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, Sở đã ban hành Quyết định số 02/QĐ-SYT ngày 2/1/2018 về Kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội Xuân năm 2018. Trong đó, tăng cường công tác triển khai các hoạt động thông tin giáo dục truyền thông bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Hướng dẫn trung tâm y tế tuyến huyện phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với địa phương như: nói chuyện chuyên đề, băng rôn tuyên truyền, công khai đường dây nóng để người dân cung cấp thông tin mất an toàn thực phẩm tại UBND xã/phường/thị trấn và xây dựng nội dung thông điệp truyền thông cho các nhóm đối tượng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương với nội dung tuyên truyền theo hướng dẫn của Cục An toàn thực phẩm.
Ngoài ra, tổ chức tập huấn các quy định của pháp luật và kiến thức an toàn thực phẩm cho người quản lý và người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm để được cập nhật kiến thức. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm cho các đối tượng sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó chú trọng nêu gương các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chấp hành tốt các quy định của pháp luật và nêu tên các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm để mọi người cùng lên án, tẩy chay sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Nhưng tốt nhất và hiệu quả nhất vẫn là người tiêu dùng cần nêu cao nhận thức khi sử dụng thực phẩm an toàn.
Đặc biệt, trong những ngày vui xuân, đón Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, mọi người sử dụng nhiều rượu bia, thực phẩm, nên sẽ dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm, làm ảnh hưởng đến tính mạng con người và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Vì vậy, ngành Y tế tỉnh khuyến cáo, người tiêu dùng cần chú ý khi sử dụng các loại rượu nấu phải có nguồn gốc, các loại rau củ quả và thực phẩm tươi sống phải đảm bảo chất lượng, các loại thực phẩm chế biến sẵn cần có nhãn mác và xuất xứ rõ ràng…
Trần Văn Phúc