Tương lai mới cho “vương quốc” dược liệu - Kỳ 3: Tương lai mới từ một Nghị quyết

29/07/2022 13:07

Với tầm nhìn chiến lược và những giải pháp cụ thể, Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 19/5/2022 của Tỉnh ủy khóa XVI định hình “vương quốc” dược liệu Kon Tum trong tương lai gần, và hiện thực hóa khát vọng đưa tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia vào năm 2025.

Nghị quyết số 06-NQ/ĐH ngày 30/9/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra chỉ tiêu: Phấn đấu đưa tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025, với diện tích sâm Ngọc Linh khoảng 4.500ha; các cây dược liệu khác khoảng 10.000ha.

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng công tác đầu tư phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề đặt ra cần quan tâm giải quyết- báo cáo của Sở NN&PTNT nhận định.

Trong đó, đáng chú ý là tình trạng khai thác chưa hợp lý, tận thu cây dược liệu trong tự nhiên vẫn phổ biến, dẫn đến một số loài cây thuốc quý bị suy giảm nhanh.

Công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất giống và xây dựng tiêu chuẩn chất lượng giống còn hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức. Kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch chưa được chuẩn hóa, ít có sự tham gia của nhà khoa học mà mới chỉ dừng lại ở kinh nghiệm cá nhân.

Dù đã có quy hoạch vùng dược liệu, nhưng chưa có quy hoạch tiểu vùng trồng chi tiết cho từng loài dược liệu. Cơ sở hạ tầng như hệ thống thuỷ lợi, giao thông tại các vùng dược liệu tập trung chưa được đầu tư tương xứng để làm cơ sở cho các doanh nghiệp yên tâm triển khai thực hiện các dự án phát triển dược liệu quy mô lớn.

Liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ dược liệu mới sơ khai. Trong khi một số doanh nghiệp ít quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ chế biến và bảo quản nên khả năng cạnh tranh hạn chế.

Đáng lo ngại nhất hiện nay là tình trạng nhập dược liệu không đảm bảo chất lượng từ nơi khác và giới thiệu là dược liệu Kon Tum vẫn diễn ra, nhất là nạn mua bán sâm Ngọc Linh giả, giống sâm Ngọc Linh giả, ảnh hưởng xấu đến uy tín dược liệu Kon Tum.

Thực tế trên đòi hỏi tỉnh cần có những điều chỉnh chiến lược để khắc phục hạn chế, tồn tại, thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế dược liệu, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.

Và Nghị quyết số 14-NQ/TU về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành đáp ứng yêu cầu ấy.

Với tầm nhìn chiến lược và những giải pháp cụ thể, Nghị quyết số 14-NQ/TU định hình “vương quốc” dược liệu Kon Tum trong tương lai gần, và hiện thực hóa khát vọng đưa tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia vào năm 2025.

Giữ gìn nguồn gen quý sâm Ngọc Linh là việc rất cần thiết. Ảnh: HL

 

Theo đó, mục tiêu cụ thể là hình thành được vùng trồng dược liệu tập trung, trong đó diện tích sâm Ngọc Linh đạt 4.500ha (khoảng 45 triệu cây), và nâng lên 10.000ha (tương ứng 100 triệu cây) vào năm 2030; các cây dược liệu khác đạt khoảng 10.000ha.

Khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025 khai thác khoảng 1.000 tấn dược liệu các loại, trong đó dược liệu trồng (đảng sâm, đương quy, nghệ vàng, sâm Ngọc Linh, sa nhân, ngũ vị tử, giảo cổ lam...) chiếm khoảng 30%.

Sản xuất dược liệu đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và đóng góp 5% vào GRDP của tỉnh vào năm 2025; tăng lên 15% vào năm 2030.

Để dảm bảo hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra, Nghị quyết  14-NQ/TU xác định, bên cạnh tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức trong đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu.

Đầu tư phát triển dược liệu gắn với công nghiệp chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đa dạng nguồn vốn huy động cho lĩnh vực dược liệu;  nghiên cứu xây dựng và ban hành một số chính sách riêng, đặc thù của tỉnh phù hợp với tình hình thực tế…

Một giải pháp quan trọng mà Nghị quyết đề ra là đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các vùng trồng dược liệu; thúc đẩy dịch vụ kho bãi phục vụ phát triển sản xuất, bảo quản và chế biến dược liệu.

Đây là việc làm rất cần thiết, bởi hầu hết những vùng trồng dược liệu, đều khó khăn về cơ sở hạ tầng, điều này tác động không nhỏ tới quyết định nên đầu tư hay không của doanh nghiệp. Khi rào cản này được tháo gỡ, nhất định sẽ khơi thông dòng chảy đầu tư, tạo sức bật lớn cho kinh tế dược liệu- Giám đốc một hợp tác xã dược liệu nhìn nhận.

Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào chế biến, nâng cao giá trị dược liệu và sản phẩm dược liệu. Ảnh: HL

 

Các doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư đa dạng hóa sản phẩm từ dược liệu. Ảnh: HL

 

Về phần các doanh nghiệp, cần chủ động hơn trong liên kết, phối hợp thực hiện các dự án về dược liệu; dẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong phát triển dược liệu; nghiên cứu đa dạng hóa và thương mại hóa các sản phẩm chế biến từ dược liệu để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.

Trở lại với quán cà phê nhỏ gần siêu thị Co.op mart Kon Tum. Hôm nay tôi được mời ly cà phê sâm Ngọc Linh. Trong khi tôi chú tâm thưởng thức hương thơm đặc trưng của sâm Ngọc Linh và vị đắng của cà phê hòa quyện trong ly cà phê sóng sánh thì có ai đó trao đổi về việc cần tăng cường ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trong kinh doanh dược liệu.

Đó cũng là một nội dung mà Nghị quyết 14-NQ/TU xác định đẩy mạnh trong thời gian tới- một người lên tiếng. Thế là ngay sau đó, mọi người bắt đầu bàn tán sôi nổi về Nghị quyết; về một tương lai mới cho “vương quốc” dược liệu.

Và tôi tin, sẽ có nhiều nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu đề ra từ những buổi nói chuyện bên ly cà phê như hôm nay.      

Hồng Lam

Chuyên mục khác