Tương lai mới cho “vương quốc” dược liệu - Kỳ 2: Không “ngủ quên” trên “núi vàng”

28/07/2022 06:11

Nhiều năm qua, công tác quy hoạch và phát triển dược liệu đã được tỉnh Kon Tum quan tâm, chỉ đạo sâu sát và triển khai khá đồng bộ, nhằm khai thác tiềm năng dược liệu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Phát triển kinh tế dược liệu góp phần nâng cao đời sống người dân vùng DTTS, xây dựng nông thôn mới. Ảnh: HL

 

Định hướng phát triển mang tính chiến lược đối với được liệu được đề ra với Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy khóa XIV về “xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực”. Nghị quyết xác định sâm Ngọc Linh, các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu là 1 trong 9 sản phẩm chủ lực.

Đến tháng 3/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XV) ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Nhiều ý kiến đánh giá, Nghị quyết 08-NQ-TU mang ý nghĩa đặt nền móng, xác định đường lối cơ bản cho quá trình phát triển kinh tế dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Sau đó, HĐND tỉnh cũng thông qua Nghị quyết số 09/2018/NQ-HĐND ngày 19/7/2018 về Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum; UBND tỉnh có Quyết định số 1466/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 ban hành Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2030 để làm cơ sở thúc đẩy đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu.

Cấp ủy, chính quyền các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các nghị quyết, đề án với các giải pháp cụ thể. Việc quán triệt chủ trương đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu được tổ chức bằng nhiều hình thức phong phú, tạo hiệu ứng lan tỏa trong nhận thức và hành động.

Quy hoạch vùng phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu được phê duyệt với tổng diện tích quy hoạch 31.742,8ha, thuộc địa bàn 2 huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông. Trong đó,  quy hoạch vùng đệm 14.754,5ha (độ cao từ 1200-1500 m) và vùng lõi (vùng trồng sâm) 16.988,3ha.

Các vùng phát triển dược liệu trọng tâm được xác lập tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông, định hướng các loại dược liệu chủ lực của từng địa phương để tập trung phát triển một cách đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ về Phương án thí điểm trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu dưới tán rừng đặc dụng kết hợp với bảo vệ rừng bền vững trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Hàng loạt chính sách hỗ trợ người dân vùng quy hoạch phát triển dược liệu về vốn, giống, kỹ thuật được triển khai đồng bộ. Song song với đó là việc “trải thảm” thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính, đất đai… để mời gọi doanh nghiệp đến tìm hiểu, lập dự án đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu.

Công tác bảo tồn, nghiên cứu và phát triển các loại dược liệu được quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, đã xây dựng phương án giao rừng, cho thuê rừng với tổng diện tích hơn 102.000ha, trong đó có 10.000ha để phát triển sâm Ngọc Linh. Định hình và phát triển 4 khu vực nuôi trồng, nghiên cứu, thực nghiệm, phát triển cây dược liệu thế mạnh của tỉnh, trọng tâm trên địa bàn 3 huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông. 

UBND tỉnh đã cấp chứng chỉ nguồn giống cho 2 chủ nguồn giống sâm Ngọc Linh theo quy định và thực hiện tốt quy chế quản lý đối với chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh. Tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sâm Ngọc Linh; ban hành logo chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” và nhãn hiệu chứng nhận sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Có nhiều con số cho thấy lĩnh vực dược liệu đã và đang có bước chuyển mạnh mẽ từ “trồng, thu hái dược liệu” sang “kinh tế dược liệu”, và ngày càng có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh.

Bao gồm tỉnh đã kêu gọi, thu hút được 31 dự án đầu tư trồng và chế biến dược liệu với quy mô gần 13.900ha, tổng vốn đầu tư  8.995 tỷ đồng tại 9/10 huyện, thành phố. Trong đó có một số dự án chiến lược của các nhà đầu tư lớn đem lại kỳ vọng về các sản phẩm có chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường.

Hay nhiều mô hình liên kết trồng dược liệu đã được triển khai ở các địa phương, điển hình là mô hình Tổ liên kết phụ nữ DTTS trồng dược liệu của Hội LHPN tỉnh. Hiệu quả từ các mô hình đã giúp đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo.

Tổng diện tích sâm Ngọc Linh đạt khoảng 1.250,7ha, đạt 71,9% kế hoạch; cây dược liệu khác khoảng 2.934ha, đạt 62,9% kế hoạch. Ảnh: HL

 

Hoặc đến nay, tổng diện tích sâm Ngọc Linh đạt khoảng 1.250,7ha, đạt 71,9% kế hoạch; cây dược liệu khác khoảng 2.934ha, đạt 62,9% kế hoạch. Bước đầu hình thành được các vùng sản xuất dược liệu tập trung.

Riêng trong năm 2022, mục tiêu đề ra là trồng mới 500ha sâm Ngọc Linh và 2.000ha các loại dược liệu khác. Đến hết tháng 6/2022, tổng diện tích dược liệu trồng mới đạt 667,3ha, trong đó có 13,1ha sâm Ngọc Linh, 649ha cây dược liệu khác.

Người dân thôn Tân Rát, xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei trồng đương quy. Ảnh: Sông Côn

 

Thành công lớn nhất là những chủ trương, chính sách phát triển dược liệu của tỉnh đã làm nên sự thay đổi nhận thức và cách ứng xử với dược liệu quý của bà con DTTS.

Hãy nghe anh A Sỹ- Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, một “tỷ phú sâm” đúng nghĩa, nói về chuyện này.

Cuộc sống của gia đình tôi, của người dân xã tôi khá lên từ việc trồng sâm Ngọc Linh- A Sỹ vừa nói vừa chỉ về mấy ngôi nhà khang trang nằm bên con đường được đổ bê tông.

Trước đây, người dân các làng như Pu Tá, Ngọc La... chỉ biết vào rừng săn lùng sâm tự nhiên rồi bán cho thương lái. Khi nguồn sâm tự nhiên cạn kiệt, cái đói, cái nghèo trở lại. Nhưng bây giờ thì khác rồi, tìm được sâm, thay vì bán thì bà con trồng lại vào vườn; rồi mua sâm giống về trồng, hoặc liên kết với Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh hay Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô trồng sâm.

Xã Măng Ri phấn đấu từ năm 2022 trở đi, mỗi năm trồng thêm 20.000 gốc sâm Ngọc Linh, mỗi làng trồng thêm 2ha sâm dây- anh A Sỹ cho hay.

Rất nhiều bằng chứng cho thấy, chúng ta không “ngủ quên” trên “núi vàng”.

(còn nữa)   

Hồng Lam

Chuyên mục khác