Tương lai mới cho “vương quốc” dược liệu- Kỳ 1: Kon Tum - “Vương quốc” dược liệu

27/07/2022 13:05

Ngày 19/5/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với tầm nhìn chiến lược và những giải pháp cụ thể, Nghị quyết định hình “vương quốc” dược liệu Kon Tum trong tương lai gần, và hiện thực hóa khát vọng đưa tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia vào năm 2025.

Kỳ 1: Kon Tum - “Vương quốc” dược liệu

Ở một quán nhỏ gần siêu thị Co.op Mart Kon Tum, gần như sáng nào cũng có một nhóm người tụ tập quanh bàn đặt trong góc. Họ uống cà phê, trò chuyện sôi nổi. Nhưng nói gì thì nói, cuối cùng câu chuyện cũng quay về chủ đề dược liệu.

Nếu tinh ý sẽ phát hiện ra, họ là những người khá có tiếng trong giới doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực đầu tư, phát triển dược liệu. Hoặc ít nhất cũng là kinh doanh dược liệu, thuốc Nam.

Là một kẻ “ngoại đạo”, nên tôi thấy mình may mắn khi được vài lần ngồi trò chuyện cùng họ. Lẽ tất nhiên, tôi nhanh chóng bị thuyết phục bởi sự  am hiểu và đam mê mà họ dành cho dược liệu.

Cũng từ số lần trò chuyện ít ỏi ấy, tôi được nghe đến khái niệm “vương quốc dược liệu Kon Tum”. Ban đầu, tôi có hơi nghi ngờ về cách gọi này, nhưng với những dẫn chứng cụ thể, sự nghi ngờ trong tôi tan biến, thay vào đó là niềm tự hào lớn lao. 

Để hình dung một cách đầy đủ nhất có thể về mức độ “giàu có” của “vương quốc” dược liệu Kon Tum, chúng ta hãy tham khảo kết quả điều tra của Viện Dược liệu (Bộ Y tế) về đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.

Đây là một công trình khá quy mô, có sự phối hợp của Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế tỉnh Kon Tum, được công bố năm 2017. Theo đó, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có khoảng 853 loài cây thuốc và nấm làm thuốc, thuộc 549 chi, 191 họ của 6 ngành thực vật khác nhau.

Đáng chú ý là có 35 loài, thuộc 27 họ thực vật thuộc diện quý hiếm cần được bảo tồn; 30 loài cây thuốc có nhu cầu lớn cho thị trường và khoảng 25 loài cây thuốc được trồng, sử dụng nhiều trong các cơ sở khám chữa bệnh, có giá trị chữa bệnh và kinh tế cao như: Sâm Ngọc Linh, đảng sâm, đương quy, ngũ vị tử...

Kon Tum có khoảng 853 loài cây thuốc và nấm làm thuốc, trong đó đặc hữu và quý hiếm nhất là sâm Ngọc Linh. Ảnh: H.L

 

Các đoàn khảo sát còn ghi nhận một số cây thuốc mang tính đặc trưng riêng của đồng bào DTTS tại chỗ như prác, tà liền chuông, gừng lúa… Chưa kể rất nhiều loại cây dược liệu khác được nhân dân sử dụng trị bệnh chưa được định danh.

Nổi bật nhất là sâm Ngọc Linh. Đây là loài dược liệu đặc hữu, có nguồn gen đặc biệt quý hiếm; sinh trưởng và phát triển dưới tán rừng tự nhiên có độ che phủ tối thiểu 70% và độ cao từ 1.200m đến 2.500m.

Sâm Ngọc Linh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận sản phẩm quốc gia vào năm 2017; được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm củ ở 16 xã thuộc 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.

Cũng chính vì có nhiều dược liệu quý, hiếm, đặc hữu nằm trong sách đỏ và trong Danh mục cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Kon Tum được quy hoạch trong vùng phát triển dược liệu tập trung, thuộc quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến  năm  2030.

Không nghi ngờ gì nữa, Kon Tum đúng là “vương quốc” dược liệu. Và việc tôi tự hào về điều đó cũng không có gì là khoa trương.

Tất nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan mà “vương quốc” dược liệu vẫn chưa thực sự trở thành động lực mạnh mẽ, thành mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội như kỳ vọng.

Bẳng chứng là tôi vẫn nghe được những câu chuyện mang tính phản biện cao về thực trạng của “vương quốc” dược liệu.

Nhiều ý kiến đồng tình rằng, ngành dược liệu của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Việc đầu tư phát triển, chế biến và sử dụng dược liệu còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, chưa hiệu quả. Tình hình khai thác, buôn bán dược liệu tự nhiên chưa được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến một số dược liệu quý hiếm có nguy cơ cạn kiệt.

Hạn chế lớn nhất của ngành dược liệu Kon Tum là mức độ nghiên cứu, phát triển sản phẩm từ dược liệu, đặc biệt công nghệ chiết xuất hoạt chất thuốc từ dược liệu không cao.

Đơn cử như với sâm Ngọc Linh, được xác định là sản phẩm quốc gia, nổi danh là quốc bảo, với giá bán trên thị trường vô cùng đắt đỏ, nhưng vẫn chủ yếu tiêu thụ dưới dạng thô (củ), chưa tạo ra được giá trị gia tăng cao, và khó có thể đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Các loại dược liệu khác cũng đang chủ yếu được sử dụng theo kinh nghiệm truyền miệng; sản phẩm từ dược liệu nghèo nàn, hầu hết là dạng thô, được phơi khô hoặc ngâm rượu, rất ít sản phẩm tinh chế. Việc thu hái không đúng thời vụ, sử dụng không đúng bộ phận dùng... cũng dẫn đến lãng phí, kém hiệu quả.

Dược liệu được thu hái, chế biến thủ công nên hạn chế về giá trị y học và kinh tế. Ảnh: H.L

 

Tín hiệu vui là vài năm gần đây, với chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế dược liệu, đi kèm các chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ, thông thoáng và thuận lợi của tỉnh, một số doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ hiện đại cho lĩnh vực chế biến sâu dược liệu.

Từ đó, một số sản phẩm từ dược liệu đã “ra mắt”, và từng bước tìm được chỗ đứng trên thị trường nội địa, với chất lượng tốt và mẫu mã đẹp, như: Rượu sâm dây - ngũ vị tử, rượu sâm Ngọc Linh, rượu sâm Ngọc Linh - ba kích, rượu vang sơn tra, trà túi lọc chè dây Măng Đen, trà hòa tan linh chi, cao sâm dây, cà phê hồng đảng sâm, nước uống dưỡng da Collagen, trà sâm Ngọc Linh…

Đặc biệt, tháng 2/2022, Night Wolf- thương hiệu nước tăng lực sâm Ngọc Linh của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum- tài trợ cho Giải bóng đá vô địch Quốc gia V-League liên tục từ mùa giải 2022 đến hết mùa giải 2024. Với sự kiện này, hai cái tên sâm Ngọc Linh và Kon Tum - “quê hương” của Night Wolf- càng được biết đến rộng rãi. (còn nữa)

Hồng Lam

Chuyên mục khác