Từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh

21/08/2021 06:09

Việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) theo hướng chuyên môn hóa sẽ tạo điều kiện để ngành công nghiệp phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh, ông Huỳnh Minh Chương- Phó Giám đốc Sở Công thương đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Kon Tum về kế hoạch, giải pháp của tỉnh và ngành Công thương.

Phóng viên: Thưa ông, xin ông cho biết tầm quan trọng của việc phát triển CNHT và việc triển khai thực hiện lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh ta?

Ông Huỳnh Minh Chương: Trước hết, phải khẳng định rằng, phát triển CNHT có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng suất, kỹ năng lao động, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm ngành công nghiệp và một số ngành khác, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước. Vì vậy, khai thác và phát triển công nghiệp hỗ trợ là hướng đi đúng, có tác động tích cực đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với ý nghĩa đó, thời gian qua, tỉnh ta đã có chủ trương phát triển CNHT để phục vụ sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong nước và hướng tới xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chủ trương này đã được cụ thể hóa trong Kế hoạch số 3400/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ năm 2019-2025.

UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công thương và các ngành chức năng chủ động, tích cực triển khai có hiệu quả mục tiêu phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh. Tiến hành rà soát các đơn vị có nhu cầu tham gia sản xuất trong lĩnh vực này để đăng ký Bộ Công thương. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về Chương trình, Kế hoạch phát triển CNHT để người dân và các tổ chức hiểu rõ hơn về lĩnh vực này; những chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với CNHT…Trong 2 năm 2020, 2021, ngân sách tỉnh đã bố trí 152 triệu đồng cho công tác tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động CNHT.

Tuy nhiên, ở tỉnh ta, CNHT thực sự là “sân chơi” mới mẻ, hiện tại vẫn chưa có doanh nghiệp nào mạnh dạn tham gia vào lĩnh vực này.

Phát triển CNHT phục vụ ngành may mặc là một trong những lĩnh vực được tỉnh ta chú trọng. Ảnh: T.H

 

Phóng viên: Vậy theo ông, những khó khăn, rào cản nào khiến lĩnh vực CNHT trên địa bàn tỉnh ta chưa thể phát triển?

Ông Huỳnh Minh Chương: Phát triển CNHT là hướng đi đúng, nhưng hiện tại việc triển khai thực hiện trong thực tiễn còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên chưa tạo ra động lực để thúc đẩy CNHT của nước ta nói chung và ở tỉnh ta nói riêng phát triển. 

Kon Tum là một tỉnh miền núi, nằm cách xa các vùng kinh tế trọng điểm, cơ sở hạ tầng còn yếu kém và chưa đồng bộ nên việc kêu gọi các nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực CNHT.

Công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách hỗ trợ tuy đã được quan tâm thực hiện, nhưng còn nhiều cá nhân, tổ chức vẫn chưa thực sự hiểu rõ ý nghĩa của các nội dung hỗ trợ từ Chương trình phát triển CNHT của Chính phủ và Kế hoạch của tỉnh.

Mặt khác, yếu tố không kém phần quan trọng là hạn chế từ chính doanh nghiệp. Những năm trở lại đây, sản xuất công nghiệp của tỉnh ta có những bước tăng trưởng khá; tuy nhiên, xét một cách tổng thể, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Phần lớn các doanh nghiệp, hợp tác xã đều có năng lực tài chính hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ… không đáp ứng được trình độ, các điều kiện cần thiết để phát triển các ngành CNHT.

Phóng viên: Vậy để hiện thực hóa mục tiêu phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, tỉnh ta đã đề ra những nhiệm vụ giải pháp như thế nào?

Ông Huỳnh Minh Chương: Tỉnh ta đề ra mục tiêu đến năm 2025 hình thành các cơ sở CNHT đáp ứng khoảng 10% nhu cầu cho sản xuất công nghiệp của tỉnh, trong đó, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như dệt may, da giày, linh kiện phụ tùng điện tử, nhựa, cao su và ngành công nghiệp công nghệ cao.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, cùng với các chính sách ưu tiên, ưu đãi của Chính phủ, các bộ, ngành, Sở Công thương sẽ tham mưu tỉnh tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư, tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động CNHT; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể, chính sách riêng cho các tỉnh chưa có nhóm ngành thuộc nhóm ngành CNHT để kêu gọi, thu hút phát triển CNHT tại địa phương. Đề nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp trong Nghị quyết số 115/NQ-CP (ngày 6/8/2020) của Chính phủ nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến CNHT…

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Thiên Hương (thực hiện)

Chuyên mục khác