14/04/2022 06:16
|
Từ năm 2013, UBND tỉnh đã ban hành Quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định quy mô vùng trồng, định hướng công tác bảo tồn, phát triển và sản xuất theo hướng hàng hóa thương mại mang tính bền vững. Tổng diện tích sâm Ngọc Linh được tỉnh quy hoạch phát triển là 31.742ha, trong đó, có 16.988ha nằm trong vùng lõi và 14.754ha ở vùng đệm bảo vệ vùng lõi, bảo vệ môi trường, sinh thái và ổn định khí hậu tạo điều kiện thích nghi để phát triển sâm Ngọc Linh.
Ngày 28/12/2018, UBND tỉnh có Quyết định số 1466/QĐ-UBND ban hành Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2030, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, địa phương triển khai thực hiện tốt chiến lược phát triển sâm Ngọc Linh.
Năm 2018, sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh cho hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, để quản lý và sử dụng hiệu quả chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 636/QĐ-UBND (ngày 22/6/2018) và Quyết định số 1247/QĐ-UBND (ngày 28/12/2021) về Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Kon Tum. Hiện tại, tỉnh ta có 9 xã nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ gồm Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp (huyện Đăk Glei); Đăk Na, Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi, Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông).
Với quyết tâm xây dựng tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI tiếp tục đề ra mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ phát triển được khoảng 4.500ha sâm Ngọc Linh, khoảng 10.000ha các cây dược liệu khác; đa dạng hóa sản phẩm và quảng bá thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Thực hiện chủ trương này, các cấp, các ngành, nhất là các địa phương tại vùng trồng sâm đã tích cực tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách về phát triển sâm Ngọc Linh đến cán bộ, công chức và tầng lớp nhân dân để tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện. Ngoài ra, tập trung thực hiện nhiều giải pháp sử dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế đặc thù về điều kiện tự nhiên và xã hội để phát triển bền vững sâm Ngọc Linh theo chuỗi liên kết, sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn chế biến sâu với tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh gắn với đầu tư đồng bộ hạ tầng nông thôn miền núi gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.
|
Nhờ đó, diện tích sâm Ngọc Linh ngày càng được mở rộng, bước đầu hình thành được chuỗi liên kết từ trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối sản phẩm đối với sâm Ngọc Linh. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 1.165 hộ gia đình; 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất và 5 doanh nghiệp sản xuất sâm Ngọc linh. Tổng diện tích rừng tự nhiên có trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh hơn 1.151,6 ha với tổng số hơn 24,8 triệu cây. Tổng sản lượng ước đạt khoảng 213,6 tấn. Trên địa bàn tỉnh hiện có 881 ha rừng có trồng sâm Ngọc Linh (tương đương khoảng 5,745 triệu cây) đang cho thu hoạch quả; dự kiến thu khoảng 8,5 triệu hạt mỗi năm và khả năng sản xuất được 6,2 triệu cây/năm. Với nguồn giống hiện có và năng lực sản xuất, tiêu thụ thực tế, hàng năm tỉnh ta có khả năng phát triển sâm Ngọc Linh trong khoảng 400-500ha rừng hiện có.
Việc phát triển sản phẩm đặc hữu sâm Ngọc Linh Kon Tum còn gắn liền với đẩy mạnh quảng bá và khẳng định thương hiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum. Nhiều sản phẩm được khai thác và chế biến và phân phối từ củ, lá sâm Ngọc Linh đã có thương hiệu trên thị trường trong nước như rượu sâm SK5, tinh sâm SK5, trà túi lọc sâm SK5, nước yến sâm, mật ong sâm SK5; thực phẩm bổ sung nước tăng lực SK5 Sói đêm; nước giải khát dưỡng da NoLiKo... của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum; Trà sâm Ngọc Linh hòa tan, Collagen sâm ngọc linh, Cà phê sâm ngọc linh, Mật ong sâm ngọc linh của Công ty Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông; củ tươi, mật ong sâm, trà túi lọc của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô...
Cùng với việc đẩy mạnh mở rộng diện tích, xây dựng thương hiệu; công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những vi phạm trong việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm sâm Ngọc Linh; đồng thời, chấn chỉnh những thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước đối với sâm Ngọc Linh cũng được các cấp, ngành chức năng thực hiện thường xuyên.
Các giải pháp đồng bộ này nhằm từng bước mở rộng diện tích và đưa sâm Ngọc Linh Kon Tum trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực Quốc gia, có vị thế hàng đầu trong nước và hướng tới khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Mục tiêu mà tỉnh ta phấn đấu là đến năm 2030 có khoảng 10.000ha (100 triệu cây) sâm Ngọc Linh.
Thùy Hương