22/05/2020 06:11
Năm nay, do thời tiết nắng nóng kéo dài nên các giếng nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày và hàng chục héc ta cây trồng của người dân làng Đăk Lếch (xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum) bị ảnh hưởng nặng nề. Chị Y Thoai-một người dân trong làng chia sẻ: Đỉnh điểm là từ tháng 2 đến giữa tháng 5, các giếng nước sinh hoạt của người dân trong làng bị cạn, vài hộ gia đình phải góp tiền để khoan giếng lấy nước dùng hàng ngày. Với cây trồng, làng huy động thanh niên tu sửa kênh mương, vận động các hộ mua máy bơm để tưới nước cho cây.
Chị Hoàng Thị Xuân là người trực tiếp vận hành Trạm bơm Đăk Lếch đến nay được 16 năm cho biết, chưa có năm nào vùng này hạn nặng như năm nay. Năm 2020, mực nước sông Đăk Bla xuống quá thấp, giảm 60-70% so với lượng nước trung bình hàng năm, nên nước không vào được kênh dẫn, phải đặt máy bơm nước trực tiếp từ sông tưới cho 60 ha cây trồng các loại tại khu vực này.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có trên 1.000ha cây trồng các loại bị thiếu nước tưới, có 4 công trình nước sinh hoạt và 1.641 giếng nước bị khô hạn, gây ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho trên 2.300 hộ dân. Trước tình hình đó, các cấp chính quyền địa phương, ngành chức năng, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm đã có nhiều nỗ lực trong công tác chống hạn, chủ động, tiết kiệm các nguồn nước để lấy nước tưới tiêu cho cây trồng; hỗ trợ xây dựng các công trình cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân bị ảnh hưởng...
|
Ông Nguyễn Văn Tứ - Giám đốc Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh cho biết, đơn vị được phân cấp quản lý, vận hành, khai thác 178 công trình thủy lợi gồm: 73 hồ chứa, 98 đập dâng và 7 trạm bơm điện trên địa bàn toàn tỉnh. Ngay từ đầu mùa khô, Ban quản lý chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn, phương án cấp nước phục vụ sản xuất cho các công trình thủy lợi và kế hoạch cấp nước sản xuất cụ thể cho từng khu vực, công trình, điều tiết tưới nhằm hạn chế tối đa tình trạng thiếu nước vào các tháng cuối vụ đông xuân 2019-2020. Đồng thời, khuyến cáo địa phương và hộ dùng nước ở vùng có nguy cơ hạn hán triển khai tập trung sản xuất sớm, đồng loạt và có phương án chuyển đổi cây trồng để tránh thiệt hại.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức bảo dưỡng sửa chữa máy móc, thiết bị vận hành, các máy bơm dự phòng để đảm bảo chủ động trong công tác điều tiết phục vụ tưới và bơm nước khi có hạn xảy ra. Chỉ đạo các trạm cử nhân viên quản lý chặt chẽ cống lấy nước đầu mối và các cống lấy nước đầu kênh, không để rò rỉ lãng phí nước và phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị dùng nước, các hộ dùng nước tổ chức thực hiện tưới luân phiên để tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ.
Ban quản lý đã chỉ đạo các trạm thủy nông dùng bao tải đất chèn ván gỗ nâng cao ngưỡng tràn xả lũ trong phạm vi cho phép để tăng dung tích nước của hồ, phục vụ chống hạn vào cuối vụ khi thời tiết nắng nóng kéo dài và qua đó, đã có 14 công trình nâng dung tích trữ thêm 1.259.871 m3 nước. Ban quản lý cũng phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc sử dụng nước tiết kiệm và hướng dẫn cho nhân dân các phương pháp tưới tiết kiệm, khoa học nhằm tiết kiệm nước.
Theo số liệu thống kê của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT-TKCN) tỉnh cho thấy, năm 2019, thiên tai đã làm cho trên 2.200 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, hàng trăm héc ta cây trồng bị thiếu nước tưới, 44 nhà ở bị hư hại, 6 công trình thủy lợi bị sạt lở; 266 điểm, đường giao thông bị sạt lở, gây ách tắc giao thông... Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2019 trên địa bàn tỉnh khoảng 90 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Lực - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Phó Văn phòng Thường trực BCH PCTT-TKCN tỉnh cho biết: Công tác phòng chống ứng phó thiên tai trên cơ sở chủ động phòng tránh là chủ yếu, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh chóng, hiệu quả. Khi có thiên tai xảy ra, UBND các cấp thực hiện theo kế hoạch PCTT-TKCN được phê duyệt, trực tiếp huy động mọi lực lượng, phương tiện phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ"(chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) nhằm ứng cứu kịp thời, giảm thiệt hại... Trong đó, lực lượng xung kích tại chỗ như Quân sự, Công an, Biên phòng, Y tế, thanh niên dân quân tự vệ... có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi, nếu ứng phó nhanh, kịp thời sẽ hạn chế được thiệt hại.
Theo ông Lực, để nâng cao hiệu quả công tác PCTT, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã. Đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, phổ biến kiến thức, tập huấn, diễn tập công tác PCTT-TKCN cho lực lượng xung kích tại các xã, phường, thị trấn; rà soát, thống kê các phương tiện, trang thiết bị, vật tư, nhu yếu phẩm cần thiết, đồng thời tổ chức trực ban 24/24h trong mùa mưa bão... để chủ động ứng phó kịp thời khi xảy ra các sự cố do thiên tai gây ra...
Quang Định