Tu Mơ Rông: ​Tạo dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng

12/07/2018 07:08

Huyện Tu Mơ Rông đã và đang khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng dược liệu để xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng, nâng giá trị từng sản phẩm, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững…

Xây dựng nhãn hiệu sản phẩm đặc trưng

Nói đến các loại dược liệu, nhiều người thường nghĩ ngay về vùng đất Tu Mơ Rông; thậm chí, nhiều người xem nơi đây là “thủ phủ” của dược liệu. Cũng bởi, Tu Mơ Rông có rất nhiều các loại thảo dược quý như sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm (còn gọi là sâm dây), sâm đương quy, ngũ vị tử, sơn tra…

Khai thác những lợi thế đó, chính quyền huyện Tu Mơ Rông đã và đang chú trọng, hỗ trợ, vận động nhân dân tập trung phát triển các loại dược liệu, cho ra những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đồng thời, cấp ủy đảng, chính quyền huyện Tu Mơ Rông chỉ đạo các ngành chức năng tích cực xúc tiến các bước xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm đặc trưng của huyện.

Sâm dây đang được người dân huyện Tu Mơ Rông đầu tư mở rộng diện tích

 

Ngoài cây sâm Ngọc Linh đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý bản chính với sản phẩm sâm củ Ngọc Linh, hiện nay, huyện Tu Mơ Rông đã xây dựng và đăng ký sở hữu nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho 4 loại sản phẩm đặc trưng khác là sâm dây, ngũ vị tử, sơn tra và sâm đương quy Tu Mơ Rông.

Cả 4 mẫu nhãn hiệu nêu trên, huyện Tu Mơ Rông đã hoàn thành mẫu mã, nhãn hiệu sản phẩm của địa phương và gửi toàn bộ hồ sơ lên Cục Sở hữu trí tuệ; hiện đang được xem xét cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu cho các sản phẩm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Ngoài việc chủ động đăng ký sở hữu nhãn hiệu với 4 sản phẩm nói trên, huyện cũng tích cực triển khai các biện pháp quảng bá sản phẩm.

Trong đó, huyện đã đăng ký với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh đưa sản phẩm đặc trưng của huyện vào quảng bá, tiêu thụ; đồng thời chủ động liên kết, thành lập hợp tác xã đứng ra ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm và hợp tác với siêu thị Coopmart của tỉnh và một số siêu thị lân cận để quảng bá, giới thiệu cung cấp sản phẩm sâm đương quy, ngũ vị tử, sơn tra, sâm dây…

Tập trung phát triển vùng dược liệu

Nhờ các cấp chính quyền và ngành chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hiện nay, người dân trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đang tập trung phát triển mạnh các loại cây dược liệu nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập kinh tế hộ gia đình.

Để ổn định vùng dược liệu, chính quyền huyện Tu Mơ Rông tiến hành quy hoạch theo từng vùng sản xuất, đồng thời ưu tiên nguồn vốn để hỗ trợ cho người dân phát triển.

Riêng với sâm dây, ngũ vị tử, sâm đương quy sẽ phát triển ở tất cả các xã trên địa bàn huyện nhưng tập trung ở các xã vùng phía đông và phía bắc của huyện.

Đơn cử, cây sâm dây đang được trồng nhiều nhất ở các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Đăk Hà, Tu Mơ Rông… Bà con nông dân đã chủ động tìm nguồn giống, tham gia tập huấn kỹ thuật trồng trọt và trồng theo các mô hình khác nhau như trồng dưới tán cây; trồng xen trên rẫy lúa, mì. Đến nay, toàn huyện đã trồng được hơn 30ha sâm dây, chưa kể diện tích khá lớn sâm dây mọc rải rác trong tự nhiên...

A Hành- Chủ tịch UBND xã Tê Xăng cho biết: Ngoài sâm dây, xã Tê Xăng còn rất nhiều cây dược liệu khác như: sâm Ngọc Linh, ngũ vị tử, sâm đương quy, sơn tra… Trong đó, cây sơn tra hiện phát triển 3ha, thu hoạch 30 tấn quả/năm. Đây là nguồn dược liệu vô cùng quý và đa dạng, khi xây dựng thành thương hiệu riêng sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân khi tiến hành trồng đại trà, kết hợp khai thác nguồn dược liệu phong phú trong tự nhiên...

Riêng với xã Ngọc Lây, hiện được mệnh danh “thủ phủ” của sâm đương quy. Lúc đầu, địa phương vận động nhân dân trồng thí điểm chỉ vài sào nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cho người dân khá cao. Vì vậy, hiện nay người dân Ngọc Lây đang tập trung phát triển mạnh diện tích cây sâm đương quy. Toàn xã phát triển được hơn 30ha sâm đương quy. Trong năm 2017, sản lượng thu hoạch sâm đương quy đạt khoảng 111,8 tấn.

Cũng từ hiệu quả kinh tế thu được ở Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông đã và đang nhân rộng mô hình trồng sâm đương quy ra tất cả các xã và xem đây là cây trồng chủ lực giúp đồng bào Xơ Đăng trên địa bàn thoát nghèo bền vững. Cây sâm đương quy cũng được huyện Tu Mơ Rông đăng ký sở hữu nhãn hiệu sản phẩm đặc trưng.

Ông Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, huyện đang dựa vào thế mạnh thảo dược để xây dựng đa dạng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của vùng núi Tu Mơ Rông. Hiện nay, huyện Tu Mơ Rông đã quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh với tổng diện tích 6.000ha, quy hoạch sâm dây 1.500ha, cây ngũ vị tử quy hoạch 200ha, sâm đương quy 500ha và sơn tra 300ha... Theo dự kiến, đến năm 2020, nguồn thu từ cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn đạt giá trị 3.420 tỉ đồng, sâm dây đạt 10 tỉ đồng, cây ngũ vị tử 2,5 tỉ đồng…

Với sự chủ động và quyết tâm cao cùng những hướng đi đúng đắn, thương hiệu sản phẩm đặc trưng của Tu Mơ Rông sẽ có chỗ đứng bền vững trên thị trường trong và ngoài tỉnh và vươn ra thị trường nước ngoài, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển nhanh, bền vững.

Văn Phương

Chuyên mục khác