Tu Mơ Rông: Tạo sức bật cho dược liệu cất cánh bay xa

20/02/2021 06:12

Tu Mơ Rông được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho nhiều loài dược liệu và đây được xem là ”thủ phủ” dược liệu của tỉnh Kon Tum. Phát huy lợi thế đó, những năm qua, Tu Mơ Rông không chỉ chú trọng bảo tồn, phát triển vùng diện tích mà còn từng bước nâng cao giá trị cho thương hiệu dược liệu của huyện vươn xa.

Tập trung phát triển vùng nguyên liệu

Để phát triển diện tích dược liệu, Huyện ủy Tu Mơ Rông đã ban hành Nghị quyết và UBND huyện xây dựng đề án bảo tồn, phát triển cây dược liệu trên địa bàn nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về dược liệu. Cùng với đó, huyện Tu Mơ Rông chú trọng vận động đồng bào trên địa bàn chuyển đổi diện tích cây trồng sang trồng cây dược liệu nhằm xóa đói giảm nghèo và phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến. Ngoài ra, huyện cũng ưu tiên các nguồn vốn để hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển diện tích dược liệu. 

Đến “thủ phủ” dược liệu Tu Mơ Rông những ngày cuối năm, đi đến đâu chúng tôi cũng nghe người dân bàn về phát triển dược liệu và làm sao để nâng cao giá trị của dược liệu. Loại dược liệu được nói nhiều nhất là sâm Ngọc Linh, bởi đây được coi là đặc sản “cây nhà lá vườn” của núi rừng Tu Mơ Rông. Không chỉ tập trung vào “Quốc bảo” - sâm Ngọc Linh mà ở đây, hiện nay người dân còn tích cực phát triển nhiều cây dược liệu quý khác như hồng đẳng sâm (sâm dây) đương quy, sơn tra, ngũ vị tử…

Diện tích sâm Ngọc Linh đang phát triển dưới tán rừng ở Tu Mơ Rông. Ảnh: VP

 

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, vài năm trở lại đây, khi hiểu được giá trị của sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu, người dân Tu Mơ Rông đã và đang thi đua trồng dược liệu (nhất là sâm dây và sâm Ngọc Linh). Vì thế, hiện nay có đến khoảng 80% hộ đồng bào Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông đang trồng, phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu. Đặc biệt, ở các xã như Ngọc Lây, Tê Xăng, Măng Ri có nhiều làng gần như 100% hộ dân đều trồng dược liệu. Cá biệt, ở xã Măng Ri, chính quyền xã còn xây dựng hẳn nghị quyết phấn đấu mỗi hộ gia đình phải có ít nhất từ 0,5 sào dược liệu trở nên và ở xã này hiện có trên 50% số hộ dân liên kết với Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum phát triển sâm Ngọc Linh.

Không chỉ chú trọng khuyến khích người dân phát triển dược liệu, chính quyền huyện Tu Mơ Rông còn tích cực “trải thảm đỏ” mời gọi các doanh nghiệp vào liên kết với người dân, doanh nghiệp để phát triển vùng nguyên liệu.

Ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện cho hay, trong năm 2020, huyện tiếp tục kêu gọi thêm một số doanh nghiệp và thống nhất giới thiệu vị trí cho 4 tập đoàn, công ty tìm hiểu cơ hội đầu tư nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch “khu trồng và phát triển dược liệu” tại 7 xã trên địa bàn huyện gồm Đăk Hà, Tu Mơ Rông, Văn Xuôi, Ngọc Yêu, Ngọc Lây, Tê Xăng, Măng Ri. Đồng thời, làm cầu nối kết nối cho các doanh nghiệp đang phát triển dược liệu trên địa bàn hợp tác, liên kết với nhau để phát triển thành vùng nguyên liệu dược liệu, xây dựng Tu Mơ Rông trở thành vùng trọng điểm dược liệu của tỉnh.

Với sự điều hành linh hoạt của chính quyền, sự huy động từ nhiều nguồn lực và thu hút đầu tư, đến nay toàn huyện đã trồng và phát triển hơn 800ha dược liệu các loại. Trong đó, có gần 145 ha sâm dây, 625,2ha sâm Ngọc Linh (gồm Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum 500ha; Công ty cổ phần Vin Gin 55ha; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô 19,28ha; Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông 5,6ha; Công ty TNHH Thái Hòa 20ha; Trung tâm ươm tạo giống khoa học công nghệ 0,3ha; Mô hình bảo tồn giống theo đề án của  huyện 0,02ha và nhân dân trồng 23,55ha); sơn tra trên 37 ha, ngũ vị tử hơn 27 ha...

Nâng cao giá trị dược liệu 

Xác định doanh nghiệp, hợp tác xã là nòng cốt trong quá trình liên kết phát triển dược liệu và các sản phẩm dược liệu, thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã đẩy mạnh công tác quảng bá kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư và tạo điều kiện cho doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi cao nhất về đất đai, thuế, nông nghiệp... khi đầu tư phát triển, xây dựng nhà máy chế biến dược liệu trên địa bàn. Nhờ đó, đến nay, đã có 25 doanh nghiệp, hợp tác xã vào tìm hiểu, khảo sát, tham gia liên kết trồng, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dược liệu trên địa bàn huyện.

Người dân Tu Mơ Rông phát triển sâm Ngọc Linh. Ảnh: VP

 

Đặc biệt, có một số doanh nghiệp tham gia chế biến sâu tạo ra các sản phẩm đặc hữu có giá trị sử dụng và kinh tế cao từ sâm Ngọc Linh, sâm dây. Điển hình như Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã chế biến ra 7 sản phẩm như: Dịch chiết sâm Ngọc Linh K5, K5 sâm Ngọc Linh mật ong, sâm Ngọc Linh K5-BLUE, sâm Ngọc Linh K5-GOLD, sâm Ngọc Linh tươi K5, trà lá sâm Ngọc Linh K5, sâm Ngọc Linh củ ngâm bình K5 đang có mặt trên thị trường. Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum có 2 sản phẩm đang được giới thiệu ra thị trường là nước uống Collagen sâm Ngọc Linh, trà sâm  Ngọc Linh hòa tan.

Ông Võ Trung Mạnh cho biết: Từ nguồn dược liệu ở Tu Mơ Rông, các doanh nghiệp, hộ cá nhân đã chế biến, tham gia chương trình OCOP và được hội đồng đánh giá cấp tỉnh công nhận. Đa số sản phẩm OCOP đều làm từ dược liệu. Năm 2019, có 7/7 sản phẩm và năm 2020 có 7/8 sản phẩm. Trong đó, có 2 sản phẩm duy nhất của tỉnh đạt 4 sao là sản phẩm Collagen sâm Ngọc Linh và sản phẩm trà sâm Ngọc Linh hòa tan do Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông sản xuất. Các sản phẩm còn lại như trà túi lọc ngũ vị tử, trà túi lọc sâm dây, sâm dây tươi hút chân không, sâm dây khô hút chân không... đạt 3 sao.

Với nhiều sản phẩm được tạo ra như trà lá, nước giải khát, bột sâm dây; các sản phẩm ngâm rượu ngũ vị tử, sâm dây, sơn tra và các sản phẩm đóng gói hoặc bán thô sâm dây khô, ngũ vị tử, sơn tra, lan kim tuyến, đương quy... được sản xuất từ nguồn dược liệu của huyện đã và đang nâng tầm giá trị cho dược liệu của Tu Mơ Rông vươn xa.

Cho dược liệu bay xa

Để nâng cao giá trị và sản phẩm dược liệu của Tu Mơ Rông vươn xa hơn nữa, theo ông Võ Trung Mạnh, cần tiếp tục cụ thể hóa các cơ chế chính sách đã có, nhất là việc huy động nguồn vốn, công nghệ và sự tham gia của các doanh nghiệp có tiềm lực trong liên kết trồng, thu mua, chế biến đa dạng hóa chủng loại, sản phẩm từ dược liệu; hình thành các HTX, THT, nhóm hộ để liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra và sản xuất ra sản phẩm dược liệu có chất lượng tốt theo tiêu chuẩn GACP-WHO. 

Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai thí điểm giao rừng, cho thuê rừng đặc dụng để phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác; sớm xây dựng, hoàn thiện quy trình nhân giống, tổ chức nhân giống, từng bước chuyển giao kỹ thuật trồng và nhân giống cho nhân dân. Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý chặt chẽ nguồn giống gốc dược liệu nói chung, sâm Ngọc Linh nói riêng và triển khai công tác đăng ký cấp giấy chứng nhận nguồn giống gốc, giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ đối với các vườn giống của các công ty, hợp tác xã và hộ gia đình đạt chuẩn tại địa phương để làm cơ sở bảo tồn, nhân giống và phát triển cung ứng ra thị trường. Đặc biệt, cần ưu tiên đầu tư nguồn lực chuyển hóa sản phẩm sâm Ngọc Linh thành sản phẩm thương mại có giá trị gia tăng cao...

“Thời gian tới, huyện sẽ tập trung phát triển các vùng trồng dược liệu tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; ưu tiên phát triển vùng trồng dược liệu tập trung thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng các chuỗi liên kết từ khâu trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối dược liệu. Tiếp tục thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có tiềm lực về công nghệ, kinh nghiệm tham gia trồng, chế biến sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu, trong đó chú trọng xây dựng một số doanh nghiệp hạt nhân trở thành nhà tiên phong để đưa thương hiệu sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác của Tu Mơ Rông có khả năng cạnh tranh trên thị trường và để dược liệu Tu Mơ Rông vươn xa hơn…” - ông Võ Trung Mạnh nhấn mạnh.

Văn Phương

Chuyên mục khác