Tu Mơ Rông: Rừng trồng chết hàng loạt, người dân khó tái đầu tư

25/11/2022 06:00

Nhiều diện tích rừng trồng năm 2021 trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông chết hàng loạt. Rừng chết, người dân không có tiền mua cây giống trồng dặm nên đang đối mặt với nguy cơ không thể hưởng lợi từ diện tích đã bỏ công trồng rừng.

Huyện Tu Mơ Rông có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 77,283.21ha, trong đó, diện tích có rừng 112.528,41ha (diện tích rừng tự nhiên 53,226.38ha; diện tích rừng trồng 5,114.97ha), đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp 12,100.17ha. Với đặc điểm diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn có giá trị nhiều mặt về kinh tế, phòng hộ đầu nguồn, bảo tồn đa dạng sinh học và đây là tiềm năng to lớn, thế mạnh để khai thác, sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương một cách bền vững.

Trong những năm qua, công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng luôn được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; sự tham gia tích cực của các ngành, các cấp và nhân dân trên địa bàn nên công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, thực hiện chỉ tiêu được giao, trong 2 năm qua (2021 và 2022) huyện Tu Mơ Rông đã vận động người dân trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Người dân Tu Mơ Rông trồng rừng. Ảnh: VP

 

Cụ thể, năm 2021, toàn huyện có 250 hộ dân và 7 cộng đồng trên 11 xã đăng ký trồng rừng tập trung với diện tích 249ha và năm 2022, trồng được hơn 380ha. Cây trồng rừng bao gồm cây thông ba lá và cây sơn tra- một loại cây dược liệu mang giá trị cao. Người dân trồng rừng được Nhà nước hỗ trợ tiền thông qua cây giống. Khi thành rừng, người dân được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng và nguồn thu từ sản phẩm cây trồng rừng mang lại.

Tuy nhiên, rừng trồng bị chết khá nhiều nơi. Qua kiểm tra, diện tích rừng trồng năm 2021 trên địa bàn huyện có tỷ lệ cây sống chỉ đạt 30 - 90% tùy theo loại cây. Trong đó, cây sơn tra có tỷ lệ sống từ 30 - 60%, cây thông ba lá có tỷ lệ sống 65 - 90%. Riêng diện tích rừng năm 2022 mới trồng nên chưa phát hiện cây chết.

Thực trạng trên, UBND huyện Tu Mơ Rông đã báo cáo Sở NN-PTNT, Chi cục Kiểm lâm, Đoàn giám sát HĐND tỉnh về tình trạng rừng trồng tập trung năm 2021 trên địa bàn bị chết.

Kiểm tra thực tế tại Tiểu khu 266 (xã Đăk Hà), có 26 hộ dân thôn Tu Mơ Rông trồng được hơn 33ha sơn tra, chúng tôi chứng kiến cây sơn tra chết khô nằm tràn lan. Nhiều vị trí cây sơn tra chết trụi, hiện trường chứng tỏ sự có mặt của loại cây này là thân cây đã khô, chết.

Cây sơn tra trồng tại Tiểu khu 266 bị chết khá nhiều. Ảnh: VP

 

Chị Y Hun (thôn Tu Mơ Rông) cho biết, gia đình có 4.000m2 đất trồng mì. Vào tháng 8/2021, chị chuyển qua trồng sơn tra với hy vọng làm giàu. Khi trồng, xã cấp phát cây giống đầy đủ. Tuy nhiên, 5 tháng sau trồng, cây sơn tra bị chết một nửa, khiến gia đình rất buồn. Thấy cây chết, chị cũng muốn trồng dặm để diện tích này sớm thành rừng để được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng nhưng do kinh tế gia đình khó khăn nên mong được hỗ trợ cây giống để trồng dặm.

Ông Dương Đăng Khoa- Chủ tịch UBND xã Đăk Hà cho biết, rừng trồng nói trên bị chết được xã phát hiện từ đầu năm 2022. Đến nay, đã xác định đối với diện tích rừng trồng năm 2021, tỷ lệ cây sống chỉ đạt 40% - 60%. Trong đó, cá biệt, có những vườn tỷ lệ cây sống chỉ đạt 10%.

Cũng theo ông Khoa, vấn đề hiện nay là nếu không trồng dặm để đảm bảo mật độ cây sống, thì sau này sẽ không nghiệm thu thành rừng, bà con sẽ không được hưởng lợi từ tiền dịch vụ môi trường rừng. Nhưng ngặt nỗi là số tiền hỗ trợ mỗi hécta cho dân trồng rừng là rất thấp, chỉ đủ mua cây giống. Nên giờ cây bị chết, xã chưa biết lấy nguồn đâu để hỗ trợ trồng dặm cho bà con.

“Một khó khăn nữa theo Quyết định 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, các hộ dân tham gia dự án được hỗ trợ phải là “đất rừng sản xuất”. Tuy nhiên, nhiều diện tích đất nông nghiệp canh tác lâu năm, bị bạc màu sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, người dân có nhu cầu trồng rừng nhưng không được hỗ trợ nên người dân không thể trồng rừng. Chỉ riêng năm 2022, các hộ dân có nhu cầu trồng rừng đăng ký với diện tích là 60ha nhưng vì vướng mắc nói trên nên không thể hỗ trợ người dân trồng rừng được”- ông Dương Đăng Khoa cho hay.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, rừng trồng chết do bị gia súc phá hoại, người dân dùng thuốc diệt cỏ, bị mối ăn. Để tìm nguỗn hỗ trợ trồng dặm và mở rộng diện tích trồng rừng, đơn vị đã kêu gọi sự ủng hộ từ các doanh nghiệp và được Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum hỗ trợ 1 triệu cây thông. Tuy nhiên, các cây giống trồng rừng khác như sơn tra thì vẫn chưa có nguồn để hỗ trợ cho dân.

Cũng theo ông Mạnh, khó khăn lớn nhất của trồng rừng là định mức hỗ trợ cho trồng rừng sản xuất đối với hộ gia đình chỉ được tối đa 10 triệu đồng/ha. Đây là mức thấp, chỉ đủ mua cây giống, phân bón. Khi cây chết, người dân tự bỏ tiền tái đầu tư, chăm sóc và triển khai các biện pháp phòng cháy, trong khi đời sống còn nhiều khó khăn. Do đó, người dân chưa mặn mà với công tác trồng rừng. Huyện đã kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến với cấp thẩm quyền nâng mức hỗ trợ trồng rừng cho người dân để nâng cao hiệu quả trồng rừng.      

Văn Phương

Chuyên mục khác