Tu Mơ Rông: Phát triển vùng dược liệu gắn với chế biến, tiêu thụ

10/11/2024 06:11

Hỗ trợ cho người dân cây giống, kỹ thuật; giao đất giao rừng để người dân trồng dược liệu; khuyến khích doanh nghiệp, HTX thu mua, chế biến dược liệu là những giải pháp mà huyện Tu Mơ Rông đang triển khai nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 19/5/2022 của Tỉnh ủy về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu.

Là 1 trong 3 vùng trọng điểm về phát triển dược liệu của tỉnh, ngay sau khi có Nghị quyết 14-NQ/TU, Huyện ủy Tu Mơ Rông đã ban hành Chương trình, chỉ đạo UBND huyện cụ thể hóa bằng các kế hoạch thực hiện; trong đó, tập trung các nguồn lực, giải pháp để hỗ trợ cho người dân về cây giống, kỹ thuật, giao đất giao rừng để người dân có điều kiện thuận lợi phát triển dược liệu.

Được cán bộ huyện, xã vận động, năm nào gia đình A Sơn (thôn Pu Tá, xã Măng Ri) cũng trồng thêm sâm Ngọc Linh từ những hạt sâm vườn nhà. Đến nay, đã sở hữu vườn sâm trên 5.000 gốc, có độ tuổi từ vài tháng tới 10 năm.

A Sơn cho biết: Tôi bắt đầu biết trồng sâm Ngọc Linh từ năm 2016, mới đầu chỉ là vài chục cây. Mỗi năm trồng thêm vài chục, có năm thì vài trăm cây. Gia đình tôi vay tiền ở Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng diện tích. Chăm sóc tốt thì năm thứ 4, thứ 5 là sâm Ngọc Linh đã cho hạt rồi. Gia đình lấy hạt ươm cây giống để trồng mở rộng thêm diện tích và bán lấy tiền trả nợ.

A Sơn (phải) mở rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh bằng nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH tỉnh. Ảnh: D.N

 

Còn A Liêm (ở thôn Pu Tá) cùng 299 hộ nghèo đồng bào Xơ Đăng của huyện mới được UBND huyện cấp cho mỗi hộ 40 cây giống sâm Ngọc Linh. Đây là những cây sâm giống được Thủ tướng Chính phủ tặng cho bà con nhân chuyến công tác tại Kon Tum vào tháng 8/2023.

A Liêm nói: Gia đình mình rất vui mừng vì muốn trồng sâm Ngọc Linh mà không có tiền mua cây. Sau khi được hỗ trợ cây giống, mang về trồng lại được cán bộ kỹ thuật của huyện, của xã hướng dẫn, chỉ bảo tận tình cách trồng và chăm sóc. Mình mong cây sâm phát triển tốt, nhanh ra quả để có hạt nhân rộng vườn sâm.

Ông Võ Trung Mạnh - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 14 của Tỉnh ủy, địa phương đã có chính sách hỗ trợ, khuyến khích để người dân tích cực tham gia trồng dược liệu phát triển kinh tế như hỗ trợ giống, vật tư từ các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025; xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển diện tích dược liệu; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho người dân về quy trình sản xuất cây dược liệu; tăng cường tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ cây dược liệu là thế mạnh của huyện, tạo động lực cho nhân dân phát triển các loại cây dược liệu.

Đến nay, huyện Tu Mơ Rông đã phát triển được 3.958,31ha dược liệu trong dân, doanh nghiệp, HTX; trong đó, sâm Ngọc Linh 2.401,67ha (phát triển trong dân 84,88ha, còn lại là của doanh nghiệp); cây dược liệu khác 1.556,64ha (phát triển trong dân 1.183,64ha).

Những thôn làng trù phú ở Măng Ri nhờ trồng sâm. Ảnh: DN

 

Địa phương đã hình thành được một số vùng trồng dược liệu tập trung, như vùng trồng sâm Ngọc Linh tại các xã Ngọc Lây, Tê Xăng, Măng Ri và đang mở rộng ra các xã trong vùng chỉ dẫn địa lý; hình thành vùng trồng sâm dây, sơn tra tại 9/11 xã.

Để đáp ứng nguồn giống và đảm bảo chất lượng, trên địa bàn huyện đã có 2 cơ sở sản xuất giống sâm Ngọc Linh và các HTX, tổ chức, cá nhân ươm giống cây dược liệu, bước đầu đáp ứng được nhu cầu cây giống dược liệu tại chỗ. Hiện UBND huyện đang triển khai các bước hình thành trung tâm giống dược liệu.

Song song với phát triển vùng dược liệu, huyện Tu Mơ Rông còn chú trọng tới chế biến, tiêu thụ dược liệu. Hiện trên địa bàn huyện có 6 doanh nghiệp đang thu mua và chế biến các sản phẩm dược liệu; 22 HTX, 44 THT trồng, thu mua, chế biến (thô) các sản phẩm từ dược liệu.

Ông Võ Trung Mạnh – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục vận động người dân, doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển dược liệu, gắn với công nghiệp chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ. Tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu. Lồng ghép các chính sách hỗ trợ sản xuất và nguồn tín dụng ưu đãi để tạo điều kiện cho nhân dân trồng và phát triển dược liệu, góp phần cải thiện thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Huy động các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển dược liệu; thu hút các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến dược liệu; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất an toàn.

Tăng cường quản lý nhà nước đối với sản xuất dược liệu; xúc tiến, phát triển thương mại gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ dược liệu, xây dựng chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất dược liệu.                

Dương Nương

Chuyên mục khác