24/08/2023 06:03
Từ khi bắt tay vào triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, đến nay, huyện Tu Mơ Rông chú trọng tận dụng lợi thế, phát triển các sản phẩm đặc trưng thành sản phẩm OCOP để góp phần thúc đẩy chuyển đổi sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, giúp gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp, phát huy vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Để phát huy được thế mạnh, xây dựng các sản phẩm OCOP từ các sản phẩm đặc trưng của địa phương, huyện Tu Mơ Rông đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nhân dân tập trung phát triển vào những loại dược liệu như sâm Ngọc Linh, sâm dây, ngũ vị tử, sâm đương quy… Cùng với đó, chỉ đạo các xã lựa chọn những sản phẩm đặc trưng, là thế mạnh của địa phương tổ chức liên doanh, liên kết cho ra những sản phẩm đặc hữu riêng và đã nhận được sự tham gia của nhiều cá nhân, đơn vị.
|
Chị Cù Thị Hồng Nhung, quản lý Hợp tác xã Thương mại tổng hợp trồng và chế biến dược liệu An Thành (xã Đăk Rơ Ông) tận dụng, phát huy hiệu quả nguồn nguyên liệu ở địa phương và giúp người dân nâng cao thu nhập, đã đầu tư, xây dựng những sản phẩm OCOP từ các loại dược liệu mang đặc trưng của địa phương.
Chị Nhung chia sẻ: “Sau khi thành lập Hợp tác xã, chúng tôi tiến hành sản xuất chế biến sâu cho ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng. Sau thời gian tích cực nghiên cứu, chế biến và sản xuất ra sản phẩm đảm bảo cả về chất lượng và mẫu mã, năm 2020, sản phẩm đầu tay “Trà nấm Hồng chi” tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP và sản phẩm này đã đạt 3 sao cấp tỉnh”.
Sản phẩm đầu tay tiếp thêm động lực cho chị và thành viên quyết tâm theo đuổi để đầu tư, mở rộng thêm các sản phẩm khác. Năm 2022, Hợp tác xã Thương mại tổng hợp trồng và chế biến dược liệu An Thành tiếp tục có 4 sản phẩm là trà khổ qua, mứt sâm dây Ngọc Linh, rượu nho rừng và rượu sơn tra tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh. Như vậy, đến nay, Hợp tác xã Thương mại tổng hợp trồng và chế biến dược liệu An Thành đã có 5 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao.
Theo chị Nhung, dự kiến năm 2023 này, hợp tác xã sẽ có 8 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Tất cả các sản phẩm này đều có nguồn gốc từ dược liệu, mang đặc trưng của địa phương Tu Mơ Rông.
|
Ông Bùi Thế Toàn- Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Ông cho biết: Việc chị Nhung và Hợp tác xã Thương mại tổng hợp trồng và chế biến dược liệu An Thành đầu tư chế biến sâu ra các sản phẩm OCOP mang đặc trưng của địa phương không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, có đầu ra ổn định, nâng cao giá trị của dược liệu mà còn giúp thương hiệu sản phẩm của xã được nhiều người biết đến.
Ở xã Ngọc Lây có Hợp tác xã Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông, từ năm 2019 đã có sản phẩm cà phê rang xay được chứng nhận 3 sao. Ông Nguyễn Tiến Thuật- Giám đốc HTX Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông cho biết: Hiện chúng tôi đang liên kết với người dân phát triển vùng nguyên liệu dược liệu hơn 20 ha và sẽ bao tiêu sản phẩm cho người dân. Từ nguồn dược liệu đó, chúng tôi nghiên cứu tinh chế thành các sản phẩm như trà túi lọc, sâm linh chi, trà thảo mộc, các loại thuốc nam dạng cao… lấy nguồn gốc xuất xứ từ vùng núi Tu Mơ Rông.
Với sự nỗ lực của huyện, của các tổ chức, cá nhân, đến nay, ở Tu Mơ Rông đã có 23 sản phẩm được đánh giá xếp hạng cấp tỉnh đạt từ 3 sao trở lên (5 sản phẩm đạt 4 sao và 18 sản phẩm đạt 3 sao) của 12 chủ thể. Việc phát triển các sản phẩm đặc trưng thành sản phẩm OCOP không chỉ đưa các sản phẩm đặc trưng như sâm Ngọc Linh, sâm dây, đương quy, ngũ vị tử, sơn tra… đi xa, mà còn tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện phát triển nhanh, bền vững.
Phúc Nguyên