Tu Mơ Rông: Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng

21/12/2023 06:03

Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp, các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đã triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm thực hiện hiệu quả việc phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững gắn với quản lý, bảo vệ rừng, góp phần nâng cao đời sống cho người dân và chất lượng, diện tích rừng cho địa phương.

Là hộ dân trong cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, những năm qua, anh A Linh- Phó trưởng thôn kiêm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Pu Tá (xã Măng Ri) luôn gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ tuần tra, trực chốt bảo vệ rừng. Anh A Linh còn trồng cà phê xứ lạnh (Arabica) ở khu đất rẫy gần nhà và đầu tư trồng sâm Ngọc Linh trong khu vực rừng mà cộng đồng thôn nhận khoán bảo vệ để phát triển kinh tế gia đình.

Anh A Linh cho biết, nhờ các chính sách, đầu tư của Nhà nước, sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và đơn vị chủ rừng, 43 hội viên trong Chi hội Cựu chiến binh thôn Pu Tá có điều kiện tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, phát triển các mô hình sản xuất mang lại giá trị kinh tế lâu dài, như trồng rừng, trồng sâm dây, sâm Ngọc Linh.

Anh A Linh trồng sâm Ngọc Linh trong khu vực rừng cộng đồng thôn Pu Tá nhận khoán bảo vệ. Ảnh: ĐT

 

Đến nay, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, gồm Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tu Mơ Rông, Công ty CP Sâm Ngọc Linh và Công ty CP VinGin đã tổ chức khoán cho 119 cộng đồng, nhóm hộ bảo vệ 16.050,82ha rừng tự nhiên. Nhà nước đã giao 12.960ha rừng cho 906 hộ dân và 4 cộng đồng quản lý, bảo vệ và UBND huyện Tu Mơ Rông đã xây dựng Kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng với tổng diện tích 3.390,99ha trình các cấp thẩm quyền xem xét, thẩm định, phê duyệt.

Thực hiện kế hoạch năm 2023, tính đến ngày 15/11, toàn huyện Tu Mơ Rông trồng được 631,06ha sâm Ngọc Linh, 285,24ha cây dược liệu khác (sâm dây, ngũ vị tử, lan kim tuyến, sa nhân, sơn tra). Đối với công tác trồng rừng, người dân được Nhà nước hỗ trợ đã trồng 254,55ha rừng, các đơn vị chủ rừng trồng 72,78ha và người dân tự bỏ kinh phí trồng 193,08ha. Các xã trên địa bàn huyện đã triển khai trồng dặm 163.900 cây trên diện tích rừng trồng các năm 2021, 2022.

Song hành với phát triển kinh tế rừng, trong năm 2023, ngành chức năng, các đơn vị chủ rừng và UBND các xã trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông còn tăng cường phối hợp, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. 

Cụ thể, Hạt Kiểm lâm huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp, tổ chức 92 đợt tuyên truyền pháp luật lâm nghiệp cho gần 5.000 lượt người dân. Tổ chức 89 cuộc tuần tra, kiểm tra rừng với 622 lượt người tham gia. Theo dõi, giám sát 2 hộ dân đang gây nuôi động vật rừng thông thường để phát triển kinh tế và 3 cơ sở sản xuất, kinh doanh mộc dân dụng đang hoạt động trên địa bàn. Tham mưu UBND huyện chỉ đạo thực hiện tốt công tác PCCCR, quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng khu vực giáp ranh. Đối với các đơn vị chủ rừng tiếp tục duy trì hoạt động của 10 trạm và 33 chốt bảo vệ rừng. Đối với các xã, củng cố hoạt động của 11 ban chỉ đạo, tổ công tác liên ngành quản lý, bảo vệ rừng và 86 tổ, đội PCCCR ở cấp thôn.

Kết quả, trong năm, huyện Tu Mơ Rông không để xảy ra hành vi phá rừng trái pháp luật để làm rẫy, không xảy vụ cháy rừng gây thiệt hại đến tài nguyên rừng, phát hiện 1 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp (tàng trữ lâm sản trái pháp luật với khối lượng gỗ vi phạm 0,158m3, chủng loại nhóm IV, VI), so với năm 2022, số vụ vi phạm giảm 3 vụ (tương ứng 75%).

Giao khoán rừng và hỗ trợ, khuyến khích trồng dược liệu dưới tán rừng đã góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ rừng và cải thiện đời sống cho người dân. Ảnh: ĐT

 

Ông Võ Minh Văn- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tu Mơ Rông cho hay, trong thời gian qua, UBND huyện đã ban hành các kế hoạch, triển khai các giải pháp để phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng.

Năm 2023, UBND các xã trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đã phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cùng các đơn vị ngân hàng tổ chức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng hơn 10,2 tỷ đồng cho 657 hộ gia đình và cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước, các đơn vị chủ rừng giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng. Bình quân mỗi hộ gia đình nhận được số tiền 14,5 triệu đồng và mỗi cộng đồng dân cư thôn nhận được 228 triệu đồng. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức bảo vệ rừng và tạo sinh kế ổn định, cải thiện thu nhập cho người dân.

“Trong thời gian tới, Hạt Kiểm lâm huyện sẽ tham mưu chính quyền địa phương huy động các nguồn lực để phát triển rừng; tiếp tục triển khai giao khoán các diện tích rừng cho cộng đồng, người dân quản lý; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ các diện tích rừng hiện có, mạnh dạn vay vốn, đầu tư trồng sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác dưới tán rừng để nâng cao thu nhập, chất lượng đời sống”- ông Võ Minh Văn cho hay.                                                   

Đức Thành

Chuyên mục khác