Tu Mơ Rông: Phát triển dược liệu gắn với du lịch là hướng đi đột phá

03/03/2023 13:18

Đến nay, Tu Mơ Rông đã phát triển được 2.937ha cây dược liệu, trong đó, sâm Ngọc Linh là 1.715ha, còn lại là các cây khác. Đây là lợi thế vô cùng to lớn để phát triển du lịch, vì vậy, huyện Tu Mơ Rông đã xác định phát triển dược liệu gắn với du lịch là hướng đi đột phá nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tu Mơ Rông lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định: Khai thác tối đa tiềm năng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa, di tích lịch sử, di sản vật thể và phi vật thể để quảng bá và cung cấp các sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách đến với huyện.  HĐND huyện cũng ban hành Nghị quyết cho chủ trương phát triển du lịch gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2020 đến năm 2025.  Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 18/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 yêu cầu các huyện tập trung hình thành các khu, điểm du lịch phù hợp với định hướng phát triển du lịch của tỉnh, trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế hiện có của từng địa phương. Trong đó, huyện Tu Mơ Rông tập trung đầu tư Khu du lịch thác Siu Puông; Khu du lịch thác Tea Prông; làng Pu Tá, xã Măng Ri..., phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác tiềm năng lợi thế của cây sâm Ngọc Linh, các loại dược liệu khác trên địa bàn huyện. Như vậy có thể thấy, du lịch huyện Tu Mơ Rông có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch tỉnh Kon Tum với nhiều tiềm năng, thế mạnh và đặc trưng riêng.

Khách du lịch thích thú bên vườn sâm Ngọc Linh. Ảnh: V.P

 

Đưa các Nghị quyết đi vào vào cuộc sống, liên tục trong thời gian qua huyện tổ chức các cuộc hội thảo, làm việc với ban ngành, đơn vị, doanh nghiệp để đánh giá thực trạng phát triển sản phẩm du lịch, từ đó đề xuất các giải pháp, định hướng quản lý, khai thác, phát huy giá trị của các tài nguyên du lịch trên địa bàn huyện; xây dựng các sản phẩm du lịch mới; đẩy mạnh công tác truyền thông; đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Theo thống kê, năm 2022, huyện xây dựng được các sản phẩm du lịch mới, mang đậm nét riêng của địa phương như: tour du lịch caravan (du lịch bằng xe tự lái), tour thăm vườn sâm Ngọc Linh… và đã thu hút dược khoảng 2.000 lượt khách du lịch. Đặc biệt, trong đầu năm 2023, huyện tổ chức chuỗi hoạt động chào mừng 110 năm thành lập tỉnh Kon Tum gắn với Phiên chợ sâm Ngọc Linh, các dược liệu gắn với du lịch lần thứ hai đã thu hút được 7.000 lượt người đến tham quan, trải nghiệm.

Ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho rằng, huyện có rất nhiều tiềm năng, lợi thế về rừng, sâm Ngọc Linh, dược liệu và du lịch. Làm thế nào để gắn kết, phát huy được chuỗi kinh tế này nhằm đưa người dân Xơ Đăng thoát nghèo hướng tới làm giàu, đưa huyện Tu Mơ Rông phát triển bền vững luôn là trăn trở. Huyện đã xác định phát triển dược liệu gắn với du lịch là hướng đi đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với trục xoay là rừng, sâm Ngọc Linh, dược liệu gắn với du lịch; còn rừng thì mới phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu gắn du lịch, không có sâm Ngọc Linh, không có dược liệu sẽ không còn điểm khác biệt để phát triển du lịch.

Dù có tiềm năng, lợi thế và rất nhiều nỗ lực nhưng với đặc thù của một huyện nghèo, đường sá đi lại khó khăn, nên kết quả phát triển du lịch ở Tu Mơ Rông vẫn còn khiêm tốn.

Tiếp tục tìm hướng đi, tập trung bàn bạc, thảo luận để tháo gỡ các khó khăn, mới đây, trong chuỗi hoạt động Phiên chợ sâm Ngọc Linh, các dược liệu gắn với du lịch lần thứ 2, huyện Tu Mơ Rông đã tổ chức  Hội thảo “Tiềm năng và giải pháp phát triển du lịch huyện Tu Mơ Rông”. Tại Hội thảo, bà Lại Thị Thúy Hà – Phó Chủ tịch Chi hội Du lịch cộng đồng Việt Nam  nhận xét: Tu Mơ Rông đang thiếu quá nhiều nguồn lực cơ sở vật chất kỹ thuật, con người và nguồn kinh phí để phát triển du lịch. Thậm chí, huyện gần như phải đi những bước đầu tiên trong phát triển du lịch.  Hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là đường vào các điểm du lịch, thác Siu Puông còn yếu; chất lượng cơ sở vật chất quá thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch ngày càng cao. Hiện nay, cả huyện chưa có cơ sở lưu trú, nhà hàng nào, cũng chưa có công ty du lịch, lữ hành đóng trên địa bàn huyện. Thông tin về điểm đến Tu Mơ Rông tới các công ty du lịch và du khách rất ít. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được cho nhu cầu phát triển du lịch, hướng dẫn viên du lịch thiếu, nhân lực có kỹ năng, kiến thức về du lịch hầu như không có.

Phát triển du lịch dược liệu đang là hướng đi đột phá của Tu Mơ Rông. Ảnh: VP

 

“Theo tôi, trong thời gian tới, dòng sản phẩm chủ đạo mà huyện nên hướng tới là du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp gắn với vùng trồng sâm và cây dược liệu, du lịch cộng đồng, du lịch cuối tuần, du lịch văn hóa- lịch sử... Bên cạnh đó, tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch và cần có giải pháp trọng tâm, trọng điểm, tập trung nâng cao chất lượng, hình thành những điểm nhấn du lịch cộng đồng, mang bản sắc riêng, tính đặc trưng và cạnh tranh cao” - bà Lại Thị Thúy Hà đề nghị.

Từng bước khắc phục các khó khăn để thực hiện đạt các mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra, huyện Tu Mơ Rông sẽ tiếp tục tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa huyện với các đơn vị trong và ngoài tỉnh về việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho các hoạt động dịch vụ du lịch; hình thành các sản phẩm, tuyến du lịch nội địa mang dấu ấn độc đáo, khác biệt. Huyện xác định khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu gắn với du lịch là hướng đi đột phá, góp phần đưa du lịch huyện Tu Mơ Rông trở thành điểm đến hấp dẫn.  

Văn Phương

Chuyên mục khác